Người trồng đào Thạch Quý trước nguy cơ trắng tay

(Baohatinh.vn) - Đợt mưa lớn vừa qua gây ngập lụt trên diện rộng đã để lại hậu quả nặng nề đối với những hộ trồng đào ở phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh). Hơn 50% đào chết dần ngay sau khi lũ rút đã khiến các vườn đào xơ xác; người trồng đào có nguy cơ trắng tay...

Là vườn đào có số lượng lớn vào hàng bậc nhất ở Thạch Quý hiện nay, vườn đào của ông Trần Hữu Châu (xóm Trung Đình) đã bị ngập úng sau những cơn mưa dai dẳng. Sau mưa, trời hửng nắng cũng là lúc những tán lá đào xanh mướt héo rũ và rụng lá. 2/3 trong tổng số 350 gốc đào đang chuẩn bị được chủ vườn tiến hành các kỹ thuật hãm để đón tết, giờ chỉ còn trơ lại “bộ xương” khô. Chủ vườn đào trở nên chán nản, để cỏ mọc um tùm không màng diệt.

Ông Châu cho biết: “Cây đào Nhật Tân sau khi theo chân một người trong làng về với đất Thạch Quý đã bén rễ và trở thành cây hàng hóa, được trồng phổ biến hàng chục năm nay. Đó cũng là khoảng thời gian tôi bắt đầu tình yêu với hoa đào. Cũng có khi đào bị chết vì lý do này, lý do khác nhưng chưa bao giờ vườn của tôi bị chết đồng loạt như thế này. Mọi hy vọng về nguồn thu từ vườn đào nay đã tiêu tan”.

nguoi trong dao thach quy truoc nguy co trang tay

Bà Châu - vợ ông Trần Hữu Sỹ buồn bã trước những cây đào thế đang chết dần sau khi bị ngập úng.

Vườn của ông Trần Hữu Sỹ cũng là một trong những vườn lớn và có thương hiệu trong giới chơi đào cảnh. Ông Sỹ cho biết: “Năm nay, vườn của tôi có 150 gốc đào trưởng thành, qua nhiều đợt bón phân, làm cỏ, vun gốc, đào đã phát triển khỏe mạnh. Những tưởng, chuẩn bị tiến hành hãm để đào nở hoa đúng dịp tết thì gặp mưa lớn. Mặc dù tôi đã vun luống cao hơn 50 cm và đào mương thoát nước xung quanh vườn nhưng mưa lớn liên tục đã khiến toàn bộ vườn bị ngập. Hiện tại, có chừng 50 gốc đã chết, số còn lại, tôi cũng không dự đoán được sẽ như thế nào, nhất là trong tình hình thời tiết phức tạp như hiện nay”.

Tại thời điểm chúng tôi đến, đào ở vườn của ông Sỹ đang tiếp tục chết do bị ngập úng trong đợt mưa tiếp theo. Bà Châu - vợ ông Sỹ cho biết: “Càng ngày làm ăn càng khó khăn cô ạ. Ngay từ khâu ươm giống đã khó, bởi ngày nay, người bán bảo quản lạnh nên tỷ lệ sống chỉ khoảng 50%. Cây giống khi phát triển tốt, chúng tôi mới ghép với giống địa phương để ra được giống đào Thạch Quý. Tính ra phải mất 3 năm chăm sóc mới có cây đào thành phẩm để bán trong dịp tết. Từ hôm đào chết, ông nhà tôi đâm ra chán nản, không buồn ra vườn nữa”.

Nhìn những gốc đào lớn, có thế đẹp đang chết rũ giữa vườn, người trồng đào cũng không buồn tính toán xem tổng thiệt hại bao nhiêu nữa. Vườn lớn thì số lượng cây chết nhiều, vườn nhỏ thì số lượng cây chết ít hơn nhưng hầu như đều bị chết những cây lớn, đẹp, có giá thành cao.

Ông Điện Văn Minh - Chủ tịch UBND phường Thạch Quý cho biết: “Toàn phường hiện có hơn 4.000 gốc đào, các đợt mưa lớn vừa qua gây ngập úng toàn bộ. Có vườn đã chết sạch như vườn ông Nguyễn Tường Thuận (thôn Đông Quý). Ít nhất, mỗi gốc đào lớn như thế giá tại vườn cũng phải 500.000 đồng. Thế nên, nhà ít thì dăm ba triệu, nhiều như nhà ông Sỹ, ông Châu, ông Thuận thì thiệt hại hàng chục đến hàng trăm triệu đồng”.

Lâu nay, với sự phát triển của thị trường, đào Thạch Quý mặc dù đã tạo được thương hiệu nhưng cũng giảm sức hút và sụt giá. Điều đó khiến người trồng đào không mấy mặn mà với việc phát triển vườn đào.

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.