“Trước đây, tôi có sở thích làm thơ nhưng cũng chỉ sáng tác cho vui chứ không nghĩ đến một ngày, khả năng sáng tác của tôi lại “bén duyên” dân ca ví, giặm. Năm 2000, khi được cử vào đội văn nghệ của xã, tham gia hội thi nhà nông đua tài cấp huyện, tôi đã sáng tác tiểu phẩm “Bao công xử chuột” trên nền chất liệu dân ca ví, giặm. Tình cờ, tiểu phẩm ấy lại giành giải nhất hội thi. Từ đó, tôi có thêm tự tin để theo đuổi niềm đam mê thơ phú, tiếp tục soạn lời mới cho nhiều làn điệu cổ, sáng tác các tổ khúc phản ánh đời sống mới” - ông Hà Mai chia sẻ.
Soạn lời các ca khúc là cách ông Mai lan tỏa tình yêu dân ca ví, giặm.
Năm 2014, Tùng Lộc thành lập CLB dân ca ví, giặm và ông được bầu làm chủ nhiệm, đó cũng là lúc ông “tỏa sáng” hơn trong công việc sáng tác. Mạch nguồn văn hóa truyền thống quê hương chính là kho tư liệu ngồn ngộn để ông có thể khơi dậy cảm hứng sáng tác một cách khá dễ dàng.
Ở Tùng Lộc, bất kỳ một sự kiện nào, dù lớn hay nhỏ diễn ra, từ hoạt động văn hóa - văn nghệ của thôn, đến việc đón nhận danh hiệu làng văn hóa, khu dân cư kiểu mẫu, đón nhận di tích, xã đạt chuẩn NTM..., người dân đều cảm nhận được, tâm huyết của ông với di sản văn hóa mà cha ông thể hiện qua từng từng tác phẩm. Nỗi trăn trở làm sao để trao truyền và lan tỏa cho thế hệ trẻ tình yêu dân ca ví, giặm được ông thực hiện bằng việc sáng tác lời hát cho các nhà trường. Ông cũng dành nhiều thời gian đọc các tư liệu, đi đến nhiều vùng quê để tìm nguồn cảm hứng, sáng tác các tác phẩm mới.
Ngôi nhà của ông Mai thường xuyên đón các em học sinh đến nghe và học hát dân ca.
“Không chỉ sáng tác, ông Hà Mai còn là người phát hiện và đào tạo những người có tố chất để giúp hoạt động của CLB dân ca xã Tùng Lộc ngày càng phát triển. Những hoạt cảnh như: “Từ nay không thế nữa”, tổ khúc “Chúng con ghi nhớ”, “Tùng Lộc ngày mới”, “Thăm làng văn hóa Tây Quang Trung…, cùng nhiều sáng tác của ông không chỉ lan tỏa phong trào hát dân ca ví, giặm, mà còn bồi đắp thêm niềm tự hào của người dân đối với truyền thống cũng như sự khởi sắc của quê hương. Nhờ những cống hiến miệt mài của ông, CLB dân ca ví, giặm xã Tùng Lộc đã 3 lần giành giải nhất tại Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh toàn huyện và giải nhì tại Liên hoan Dân ca ví, giặm tỉnh Hà Tĩnh các năm 2016, 2018, 2020”, ông Nguyễn Viết Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc chia sẻ.
Video: Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc đánh giá về những đóng góp của ông Hà Mai
Năm 2016, do sức khỏe giảm sút, ông Mai xin nghỉ sinh hoạt tại CLB dân ca ví giặm, song vẫn luôn theo dõi và đồng hành với hoạt động của CLB. Với các thành viên trong CLB, ông luôn là chỗ dựa vững chắc bởi phần lớn các tiết mục của CLB đều sử dụng các tác phẩm của ông và được ông tư vấn cách thức thể hiện, dàn dựng.
CLB Dân ca ví, giặm xã Tùng Lộc đã giành nhiều giải cao tại Liên hoan CLB dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cấp tỉnh, cấp huyện. Ảnh tư liệu: CLB Dân ca ví, giặm xã Tùng Lộc trình diễn tại Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh toàn huyện năm 2018.
“Tôi nghỉ là nghỉ việc “hành chính” chứ đam mê và nhiệt huyết của tôi vẫn chảy đầy trong huyết quản; trách nhiệm của tôi với CLB và các thế hệ trẻ vẫn còn đó. Tôi vẫn sẽ sáng tác, vẫn sẽ trao truyền và lan tỏa niềm đam mê, trách nhiệm gìn giữ di sản văn hóa quý báu của cha ông cho các thế hệ con cháu đến khi nào không còn sức lực nữa thì thôi” - ông Mai chia sẻ.
Việc trao đổi với lãnh đạo địa phương về tình hình phát triển KT-XH cũng đã khơi gợi cho ông những cảm hứng trong sáng tác.
Em Nguyễn Gia Hân - học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Hà Tông Mục (Tùng Lộc), thành viên nhí của CLB dân ca ví, giặm xã Tùng Lộc bày tỏ: “Ông Hà Mai là tấm gương sáng ngời về tình yêu, trách nhiệm đối với việc bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa quê hương. Từ ông, em đã học được rất nhiều điều quý báu, trong đó, bài học lớn nhất chính là tình yêu với văn hóa của chính quê hương mình. Em mong ông luôn mạnh khỏe, sáng tác thêm nhiều ca khúc hay để CLB dàn dựng, biểu diễn”.
Từ niềm say mê sáng tác và mong muốn “truyền lửa” tình yêu dân ca ví, giặm, ông Hà Mai đã thức dậy tình yêu những câu hát quê hương trong tâm tư nhiều người dân Tùng Lộc. Những tác phẩm của ông với ca từ mộc mạc, gần gũi cuộc sống đời thường đã giúp bà con thêm yêu thêm cuộc sống, tự hào hơn về sự đổi mới của quê hương. Đó chính là những đóng góp quý báu của ông trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân ca ví, giặm của cha ông.