Nguy hiểm rình rập từ thú vui thả diều

(Baohatinh.vn) - Ngoài việc gây chập điện, thú vui thả diều còn là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn như chết đuối hay bị dây diều cứa cổ trên địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Vào mùa hè, nhiều người dân Hương Sơn có thú vui thả diều, tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân xẩy ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.

Mới đây, vào lúc 21h30 phút ngày 5/8, anh Phan Văn Chí (thôn Hà Tiến, xã Sơn Ninh) lưu thông trên đường bằng xe máy thì bị vướng phải dây diều sáo vắt ngang đường.

Vẫn chưa hết bàng hoàng, anh Chí kể lại: "Khi tôi đang đi xe máy về gần đến nhà thì bất ngờ bị một sợi dây diều vướng vào mặt. Lúc đó, do trời tối tôi không phát hiện kịp nên bị dây diều cứa ngang cổ. Sau đó, cả người và xe ngã xuống đường với nhiều vết thương ở cổ và tay.

Nguy hiểm rình rập từ thú vui thả diều

Anh Phan Văn Chí bị tai nạn giao thông với vết thương ở cổ do vướng phải dây diều.

Trước đó, trên tuyến QL 8A đoạn khu vực chợ Rạp thuộc địa bàn xã Sơn Trung cũng xẩy ra một vụ tai nạn tương tự. Người dân ở đây cho biết: trong đêm, một người đàn ông khi đi xe máy qua đây không may vướng phải dây diều bị cứa một vết thương dài ở cổ dẫn đến chảy máu.

Được biết, những vụ việc cụ thể trên là do người dân thả diều sáo suốt đêm rồi về nhà ngủ. Khi diều bị đứt, dây mắc vào dây điện hoặc cành cây sà xuống vắt ngang đường gây nguy hiểm cho người dân khi lưu thông.

Nguy hiểm rình rập từ thú vui thả diều

Diều mắc vào đường dây diện gây chập điện.

Một trường hợp đau lòng xẩy ra vào ngày 27/7 ở xã Sơn Trường cũng do thả diều. Nạn nhân là em N.T.L (SN 2006, thôn 2, xã Sơn Trường) đi thả diều ở bãi đất trống trong thôn. Diều lên cao bị đứt dây, rơi xuống ao nước sâu, em L. cố gắng vớt diều lên nhưng không may bị sẩy chân xuống ao đuối nước.

Ngoài ra, việc thả diều còn ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống đường dây dẫn điện quanh khu vực. Theo thống kê từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 13 vụ sự cố điện do diều. Gần nhất là hành vi vi phạm làm diều rơi trên đường dây 35 kV đang vận hành, gây ra sự cố lưới điện tại vị trí 03 đến 04 nhánh rẽ Sơn Giang 3 ĐZ 375E18.7 vào ngày 4/8/2021.

Nguy hiểm rình rập từ thú vui thả diều

Công an xã Sơn Giang xử lý trường hợp thả diều gây chập điện vào ngày 4/8.

Ông Nguyễn Hồng Tân - Giám đốc Điện lực Hương Sơn cho biết: “Dù đã xử lý rất khẩn trương nhưng đội quản lý vận hành cũng phải huy động nhân lực và mất thời gian để khắc phục, sửa chữa rất vất vả. Đặc biệt có những trường hợp xảy ra vào ban đêm trên khu vực cánh đồng, các phương tiện chuyên dụng như xe nâng không thể vào tiếp cận được nên việc khắc phục bị chậm trễ làm gián đoạn và kéo dài thời gian mất điện.

Những vụ việc từ việc thả diều đã dấy lên “hồi chuông” cảnh báo để những người đam mê thú vui này cần phải tuân thủ các quy định về an toàn lưới điện, đảm bảo an toàn cho mình và người khác.

Nguy hiểm rình rập từ thú vui thả diều

Lực lượng chức năng cần rà soát những người chơi diều để quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Trần Anh Nam – Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hương Sơn cho biết: Trước thực trạng trên, huyện Hương Sơn đã chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền đến người dân (trên loa truyền thanh của xã, thị trấn; trong các cuộc họp thôn, xóm, tổ dân phố…) về các quy định đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cũng như việc chấp hành các quy định của pháp luật về điện. Nghiêm cấm các hoạt động thả diều gần khu vực có đường dây điện đi qua.

Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ, hạn chế các vụ tai nạn đáng tiếc xẩy ra, lực lượng công an tại các xã, thị trấn cần tiến hành rà soát những người dân thả diều, đặc biệt thả diều vào ban đêm trên địa bàn để ký cam kết, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Khoản 4, Điều 11, Nghị định 106/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định cấm: Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp; thả bất kỳ vật gì có khả năng gây hư hại đến công trình lưới điện cao áp.

Khoản 1, Ðiều 15, Nghị định 134/2013/NÐ-CP về vi phạm quy định về an toàn điện với người thả diều gây chập cháy điện bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, tùy theo mức độ thiệt hại mà người thả diều gây ra.

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.