Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nông, lâm nghiệp và thủy sản nhiều năm nay đã là cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Trong cơ cấu GDP hiện tại tỷ trọng nông nghiệp cũng đóng góp tới 17%. Tuy nhiên, giá nông sản thường xuyên biến động do nông nghiệp là ngành chịu nhiều tác động bởi các yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh…
Tính đến cuối tháng 5/2016, hạn hán và xâm nhập mặn do ảnh hưởng của El Nino đã làm cho sản lượng lúa đông xuân tại Đồng Bằng Sông Cửu Long giảm 1,13 triệu tấn; nước biển xâm nhập sâu hơn thông thường 10-25km; sản lượng tôm sú giảm 12%, tôm thẻ giảm 14%; một số diện tích cà phê chết khô, năng suất kém; năng suất trái cây có múi và dừa, hạt tiêu đều giảm.
Theo lý thuyết về kinh tế học, sự thay đổi của cung sẽ dẫn đến sự thay đổi lớn của giá, tuy nhiên, thực tiễn lại cho thấy trong thời gian qua sản lượng nông sản giảm nhưng giá của mặt hàng này cũng giảm tương ứng, đối với cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu.
Đặc biệt, giá nông sản xuất khẩu một số năm gần đây giảm đáng kể. Giá gạo xuất khẩu năm 2015 so với 2014 giảm 8%, quý I/2016 so với quý I/2015 giảm 1%. Giá cao su xuất khẩu năm 2015 giảm 21% so với năm 2014 và quý I/2016 giảm 20% so với quý I/2015. Giá cá tra xuất khẩu năm 2015 giảm 5% so với năm 2014 và giá quý I/2016 giảm 16% so với giá quý I/2015…
Có nhiều nguyên nhân khiến giá nông sản giảm trong khi cung nông sản giảm do ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn… nhưng tập trung vào một số nhóm nguyên nhân sau:
- Lượng tồn kho cả trong nước và các nước sản xuất nông sản lớn đều tăng: Tỷ lệ hàng tồn kho được đưa ra sản xuất và sử dụng của bắp, lúa mì và gạo đều có con số thống kê cao so với bình quân 10 năm và cao hơn cầu về nông sản. Đối với mặt hàng gạo, cầu vượt cung gạo hai năm liên tiếp là 2014 và 2015, nhưng tồn kho vẫn cao, với khối lượng tồn trên 170 triệu tấn cả hai năm nên giá gạo vẫn giảm.
Đối với cà phê cung vượt cầu trong cả giai đoạn từ 2011 đến 2015, tồn kho cao tại các thị trường tiêu thụ cà phê lớn trên thế giới. Năm 2015 cung cà phê thế giới xấp xỉ 9 triệu tấn, cầu cà phê chỉ khoảng hơn 8,8 triệu tấn, trong khi đó tồn kho cà phê lại lên tới khoảng 2,2 triệu tấn, nên đây có thể là nguyên nhân chủ yếu khiến giá cà phê giảm.
- Chính sách tỷ giá quốc tế cũng gây bất lợi cho xuất khẩu nông sản Việt Nam: Đối với các thị trường cạnh tranh xuất khẩu nông sản với Việt Nam, năm 2014-2015, Real Brazil giảm 42%, Peso Colombia giảm 37%, Rupe Ấn độ giảm 5%, Rupial Indonesia giảm 13%, Ringgit Malaysia giảm 19%, Bath Thái giảm 5%, trong khi VNĐ của Việt Nam chỉ giảm 3% so với USD.
Đối với các thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam, năm 2014-2015 đồng Euro cũng mất giá 20%, đồng Yên Nhật giảm 14% so với USD khiến cho nông sản xuất khẩu bằng USD bất lợi trên thị trường này.
Việc điều chỉnh tỷ giá tại cả thị trường cạnh tranh xuất khẩu và nhập khẩu nông sản của Việt Nam, là một nguyên nhân khiến giá nông sản Việt Nam giảm, thông qua việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN Việt Nam hoặc các doanh nghiệp chủ động điều chỉnh giảm giá nông sản để nâng cao khả năng cạnh tranh xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam.
- Các nước Nam Mỹ và Châu Á cạnh tranh tranh với Việt Nam trong xuất khẩu nông sản đều liên tục phá giá mạnh, nên giá xuất khẩu của đối thủ giảm mạnh hơn tương đối so với Việt Nam.
Giá nông sản giảm do xuất khẩu giảm vì một số thị trường nhập khẩu nông sản yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh). Điển hình là xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Âu giảm từ cuối năm 2015, do thắt chặt kiểm soát chất lượng, giá cá tra thu mua tại An Giang tháng 7/2015 chỉ còn khoảng 20.000đ/kg, giảm 3.000đ/kg so với đầu năm 2015(tương ứng giảm 13%)…