Nhân rộng 25 ha cây mắc ca trên địa bàn Vũ Quang

(Baohatinh.vn) - Việc nhân rộng diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) nhằm khai thác tối đa lợi thế về đất đai vào phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Qua kết quả trồng và khảo sát thực tế tại một số mô hình trồng cây mắc ca ở tỉnh Nghệ An, nhận thấy đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt phù hợp với đất đai, khí hậu tại địa phương nên huyện Vũ Quang đã nhân rộng 25 ha nhằm đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp có giá trị trên địa bàn.

Được biết, để người dân nắm bắt được các tiềm năng cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca, thời gian qua, huyện Vũ Quang đã phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức tập huấn, giới thiệu về thị trường mắc ca; quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca. Ngoài ra, địa phương cũng đã tổ chức các đợt tham quan, học hỏi thực tế tại các mô hình trồng cây mắc ca ở TX Thái Hòa (Nghệ An) để người dân có thêm kinh nghiệm.

Đặc biệt, huyện đã ban hành đề án hỗ trợ phát triển cây mắc ca, theo đó, người dân sẽ được hỗ trợ 40% giá/cây giống, tương đương 26.000 đồng/cây (giá chưa hỗ trợ là 65.000 đồng/cây). Bên cạnh đó, người dân còn được hỗ trợ 50% giá phân bón.

Ông Võ Thế Quyền (áo đen, trú tổ dân phố 3, thị trấn Vũ Quang) cho biết: "Sau khi tham quan, học hỏi thực tế tại các mô hình trồng mắc ca ở Nghệ An và được địa phương hỗ trợ chi phí mua cây giống, gia đình tôi đã mạnh dạn cải tạo gần 1 ha đất để trồng gần 200 cây mắc ca. Quá trình trồng, được cán bộ Phòng NN&PTN cũng như Trung tâm Ứng dụng KHKT & Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng nên gia đình rất yên tâm khi gắn bó với giống cây này".

Ông Phan Xuân Nam - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết: “Việc nhân rộng diện tích trồng cây mắc trên địa bàn huyện Vũ Quang nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, thay đổi phương thức sản xuất cho người dân trên địa bàn. Từ đó, tạo ra sản phẩm có giá trị, đặc trưng cho địa phương. Đồng thời, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai vào phát triển kinh tế, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân và từng bước thúc đẩy công cuộc xây dựng NTM tại địa phương”.

Cây mắc ca có tên khoa học là Macadamia, là một cây thân gỗ có nguồn gốc từ châu Đại Dương, thuộc họ Proteaceae. Hạt mắc ca có giá trị sử dụng cao, 90% được dùng làm thực phẩm, như: bơ mắc-ca, sôcôla, kem, bánh... và làm thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm; còn phần vỏ quả được dùng làm phân bón, nhiên liệu...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói