Một y tá làm việc tại một trung tâm xét nghiệm ở Manila, Philippines. (Ảnh: AFP)
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang đe dọa gây ra sự quá tải tại các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Philippines, Chính phủ nước này đã yêu cầu toàn bộ nhân viên y tế và các nhân viên hỗ trợ ở lại trong nước.
Hàng nghìn chuyên gia y tế đã rời Philippines để ra nước ngoài làm việc, nhiều người trong số họ đến Anh, trở thành thành viên của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) hoặc làm trong các bệnh viện tư nhân, trung tâm chăm sóc xã hội.
Theo dữ liệu mới nhất hiện có, hơn 30.000 bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên y tế đã rời Philippines vào năm 2010.
Philippines cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ bác sĩ trên dân số thấp nhất trong khu vực, gây khó khăn trong việc đối phó Covid-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ có sáu bác sĩ cho mỗi 10.000 người ở Philippines, so với tỷ lệ của Singapore là gần 23 và Malaysia là 15,36.
Cơ quan Quản lý Việc làm ở nước ngoài của Philippines mới đây đã cấm các chuyên gia y tế nước này ra nước ngoài làm việc trong thời gian khẩn cấp quốc gia. Lệnh cấm bao gồm 14 công việc trong ngành y tế, cụ thể là: bác sĩ, y tế, nhà vi trùng học, dược sĩ, kỹ thuật viên sữa chữa thiết bị bệnh viện, điều dưỡng, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm...
Philippines tính đến ngày 9/4 đã ghi nhận 4.076 ca nhiễm Covid-19 với số ca tử vong lên tới 203. Hơn 200 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh, trong đó ít nhất 10 người chết vì virus SARS-CoV-2.
Thủ đô Manila của Phillipine đang bị phong tỏa, khiến người dân các thị trấn xung quanh chịu ảnh hưởng nặng nề. Những lao động tự do như người lái xe ba bánh, người bán hàng rong đều không thể vào trung tâm để mưu sinh.
Đại dịch cũng khiến kiều hối từ người Philippines đang làm việc ở nước ngoài, chiếm khoảng 1/10 GDP, có thể giảm tới 30% trong năm nay do hàng nghìn lao động phải về nước, theo Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Philippines Ernesto Pernia.