Bệnh đái tháo đường là do suy giảm bài tiết insulin và nồng độ kháng insulin ngoại vi thay đổi dẫn đến tăng đường huyết. Điều đáng lo ngại là bệnh đái tháo đường ngày càng gia tăng do lối sống ít vận động, ăn uống không hợp lý gây béo phì, rối loạn chuyển hóa. Bệnh ngày càng trẻ hóa với nhiều ca mắc ở độ tuổi dưới 30.
Một bệnh nhân bị đái tháo đường đang điều trị tại BVĐK tỉnh.
Ghi nhận tại Khoa Nội tiết (BVĐK tỉnh Hà Tĩnh), có trên 90% bệnh nhân đang điều trị tại khoa là do bị bệnh đái tháo đường. Đặc biệt, không ít các bệnh nhân đã bị các biến chứng nặng.
Chị NT.N. (43 tuổi, trú tại Lộc Hà), sau một thời gian bị sụt cân, tay chân bị run, uống nước nhiều, tiểu nhiều nên đến BVĐK tỉnh thăm khám. Qua các xét nghiệm lâm sàng, chị N. được xác định bị đái tháo đường. Điều đáng lo ngại là do phát hiện muộn nên chị N. bị biến chứng nhiễm trùng ở chân.
Chị N. chia sẻ: “Bỗng dưng bị sụt cân, người uể oải, mắt mờ dần nên tôi mới đi khám. Khi khám ở bệnh viện tỉnh mới biết mình bị tiểu đường”.
Hay như bệnh nhân N.T.H (70 tuổi, TP Hà Tĩnh) bị đái tháo đường hơn 1 năm nay, do tuổi cao, sức đề kháng yếu nên bệnh đái tháo đường bị biến chứng gây viêm phổi, thị giác bị suy giảm.
Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chỉ số đường huyết cao.
Theo thống kê từ Khoa Nội tiết, hiện có khoảng gần 90% bệnh nhân trong khoa bị bệnh đái tháo đường. Điều đáng lo ngại là, số lượng bệnh nhân ở độ tuổi dưới 35 bị đái tháo đường ngày một gia tăng.
Bác sỹ Thái Thọ - Trưởng khoa Nội tiết cho biết: "Đái tháo đường sẽ gây ra nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm. Nếu không phát hiện, điều trị, kiểm soát kịp thời sẽ biến chứng đến tuyến giáp, tê bì chân tay, nhiễm trùng, áp xe, viêm phổi, tim mạch, đột quỵ não. Đặc biệt, đái tháo đường trong thời gian dài sẽ làm suy thận, điều này gây ra gánh nặng rất lớn cho gia đình người bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường chưa có sự kiên trì trong điều trị. Thực tế cho thấy, sau quá trình được các y bác sỹ BVĐK tỉnh điều trị, tư vấn các phương pháp kiểm soát đường huyết, khi đường huyết ổn định, người bệnh lại không tuân thủ khuyến cáo khiến bệnh trở nặng và biến chứng”.
Nguy cơ biến chứng do đái tháo đường rất lớn.
Một trong những nguy cơ lớn nhất đối với người mắc bệnh đái tháo đường là suy thận. Theo phân tích từ các cơ sở y tế, nguyên nhân dẫn đến biến chứng thận ở người bệnh đái tháo đường là do lượng đường trong máu cao, kéo dài, gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận, dẫn đến tình trạng xuất hiện đạm bất thường trong nước tiểu. Từ đó, dẫn đến chức năng lọc của thận suy giảm, tiến triển nặng dần gây ra suy thận giai đoạn cuối. Hầu hết những triệu chứng bệnh thận do đái tháo đường thường diễn ra rất âm thầm trong giai đoạn đầu. Vì vậy, đa số người bệnh chủ quan, không thăm khám nên biến chứng thận do đái tháo đường thường phát hiện vào giai đoạn muộn và gây khó khăn cho việc điều trị.
Để ngăn chặn nguy cơ các bệnh biến chứng từ đái tháo đường cần chú trọng việc kiểm soát huyết áp, mỡ máu, đường huyết. Điều đáng tiếc là nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường sau một thời gian điều trị, kiểm soát tốt lượng đường, song không tuân thủ khuyến cáo khiến bệnh tái phát, biến chứng nặng nề. Để sống chung hiệu quả với bệnh đái tháo đường, cần tuân thủ 3 vấn đề cốt lõi là uống thuốc theo chỉ định, tái khám theo chỉ định; ăn uống phù hợp; tăng cường vận động thể dục thể thao.