Trụ sở UBND xã nằm bên núi cao nên sẽ rất tốn kém để xử lý mặt bằng nếu mở rộng khu hành chính tại chỗ
Đặc thù là xã miền núi, địa hình cách trở, dân cư thưa thớt, quỹ đất hạn hẹp, nguồn thu ngân sách quá thấp… là rào cản lớn trong việc thực hiện một số tiêu chí cần quỹ đất, kinh phí lớn để GPMB, xây dựng hạ tầng… Theo kế hoạch, xã Sơn Lâm về đích NTM vào năm 2020. Đến thời điểm hiện tại, Sơn Lâm đã hoàn thành 12/20 tiêu chí. Từ nay đến đích đang còn hơn 2 năm nhưng để hoàn thành được kế hoạch, với Sơn Lâm là điều rất khó.
Một trong những khó khăn lớn nhất của xã hiện nay là việc thực hiện tiêu chí môi trường. Do dân cư thưa thớt nên toàn xã có 7 xóm thì có đến 8 khu nghĩa trang. Trước đây, nghĩa trang của các xóm thường tự phát, nằm trên các sườn đồi, đơn giản cả về hình thức và quy mô. Nay, để thực hiện được một khu theo chuẩn NTM phải có đầy đủ hạng mục với yêu cầu diện tích rộng, đầu tư lớn.
Theo tính toán sơ bộ, để đầu tư một khu nghĩa trang mới hiện nay, kinh phí phải lên đến tiền tỷ. Thực hiện tiêu chí này, xã đã quy hoạch 3 khu nghĩa trang mới nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng được.
Nghĩa trang của các xóm thường tự phát, nằm trên các sườn đồi, đơn giản cả về hình thức và quy mô nhỏ, không đảm bảo tiêu chuẩn.
Vướng mắc đầu tiên để xây dựng khu nghĩa trang mới theo đúng chuẩn NTM là phải giải phóng mặt bằng. Việc làm này sẽ tốn rất nhiều kinh phí vì đặc thù địa hình đồi núi, địa hình chia cắt, đầu tư san lấp mặt bằng rất lớn. Bên cạnh đó, việc cất bốc, di dời hàng trăm ngôi mộ, trong đó có nhiều ngôi mộ mới là điều gần như không thể. Đó là chưa nói, địa bàn dân thưa thớt, để “gom” 7 thôn về an táng tại điểm quy hoạch cũng là điều vô cùng khó khăn cho xã.
Bên cạnh môi trường, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa của Sơn Lâm cũng là bài toán nan giải. Hiện tại, địa phương đang có 1 sân vận động với diện tích 7.600 m2 nhưng theo tiêu chí NTM, sân vận động phải có tổng diện tích lên đến 13.000 m2. Để mở rộng sân vận động hiện tại lên đạt chuẩn, xã phải đền bù 5 mảnh vườn và 1 ngôi nhà của hộ dân với kinh phí bồi thường hàng tỷ đồng. Đây là con số ngoài "tầm với" đối với một xã nghèo như Sơn Lâm; chưa tính nếu có mặt bằng thì cũng không biết tìm đâu ra nguồn vốn để đầu tư xây dựng.
Nếu thu hồi vùng đồng sản xuất chính của bà con làm sân vận động sẽ ảnh hưởng sinh kế lâu dài của hàng chục hộ dân.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trọng Thuần cho biết: “Hiện xã đã tìm được một khu vực có diện tích đủ rộng ở thôn Lâm Giang có thể làm được sân vận động, hạn chế được kinh phí đền bù. Ngặt nỗi, đây lại là vùng ruộng sản xuất chính của bà con trong thôn. Vì vậy, khi thu hồi diện tích này sẽ rất khó khăn, ảnh hưởng đến sinh kế lâu dài của hàng chục hộ dân nơi đây”.
Không riêng nghĩa trang và sân vận động, mà ngay cả khu hành chính của xã cũng vô cùng khó khăn nếu thực hiện theo đúng chuẩn diện tích của NTM. Theo quy hoạch, tổng khuôn viên hành chính của xã là 11.000 m2 nhưng khuôn viên hiện tại của xã chỉ được 4.000 m2. Di dời đến nơi mới thì không có quỹ đất cũng như kinh phí; mở rộng tại chỗ thì thiếu kinh phí đền bù GPMB, san lấp mặt bằng! Và, câu hỏi, lấy đâu ra hàng tỷ đồng đền bù, để làm nhà tái định cư cho dân và để có kinh phí san núi, làm hạ tầng khu hành chính lại một lần nữa được đặt ra với xã Sơn Lâm...