Sôi động trên các công trường trọng điểm
Trên công trường “siêu” dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh), hàng nghìn kỹ sư và công nhân kỹ thuật cao đang gấp rút “chạy đua” với thời gian; chủ động khắc phục khó khăn, thi công 3 ca/ngày để đẩy nhanh tiến độ.
Dự án có tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD với quy mô 2 tổ máy phát điện, tổng công suất 1.330 MW, do Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2 làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án đạt hơn 46,5% tiến độ. Tất cả đang nỗ lực để quý III/2025 sẽ đưa nhà máy vào vận hành thương mại, tạo bước đột phá cho công nghiệp Hà Tĩnh và góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Tính đến ngày 30/4, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 đạt tiến độ hơn 46,5%.
Nhà máy Sản xuất Pin VinES (KKT Vũng Áng) sau khi hoàn thành lắp đặt thiết bị đang chạy thử để chính thức đi vào sản xuất. Dự án do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư với quy mô giai đoạn 1 hơn 3.684 tỷ đồng. Cùng đó, dự án sản xuất pin thứ 2 của Tập đoàn Vingroup là Nhà máy liên doanh Sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion cũng đang được xây dựng tại KKT Vũng Áng với tổng vốn 275 triệu USD. Chủ đầu tư phấn đấu quý I/2024 sẽ đưa nhà máy vào vận hành.
Nhà máy Thủy điện Hương Sơn 2 cũng dần hiện rõ hình hài.
Theo ông Phạm Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Hương Sơn, tháng 9/2021, doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Hương Sơn 2 tại xã Sơn Kim 1 (cách hạ lưu Nhà máy Thủy điện Hương Sơn gần 3 km) trên diện tích 20,7 ha. Tổng mức đầu tư dự án là 291,3 tỷ đồng, công suất 6,4 kWh, sản lượng điện hằng năm 19,8 triệu kWh. Đơn vị đang tập trung mọi giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu đưa nhà máy hòa lưới điện quốc gia vào quý IV/2023.
Hà Tĩnh đã thu hút nhiều dự án tầm cỡ, kỳ vọng tạo bước tăng trưởng mới cho ngành công nghiệp.
“Điểm danh” những luồng gió mới cho công nghiệp Hà Tĩnh còn phải kể đến hàng loạt dự án đang được đầu tư xây dựng như: Khu bồn hóa dầu, hóa chất cơ bản tại KKT Vũng Áng, Nhà máy sợi Nghệ Tĩnh (TX Hồng Lĩnh), Nhà máy May Pro Sport Nghi Xuân…
Với mục tiêu xây dựng Hà Tĩnh thành tỉnh có công nghiệp phát triển, trong đó KKT Vũng Áng đóng vai trò “trung tâm động lực tăng trưởng”, công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những trụ cột của nền kinh tế, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nghị quyết và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phát triển lĩnh vực công nghiệp. Trong đó đã thu hút nhiều dự án tầm cỡ, kỳ vọng tạo bước tăng trưởng mới cho công nghiệp Hà Tĩnh.
Theo ông Phạm Trần Đệ - Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh, thời gian qua, tổ công tác và tổ giúp việc của UBND tỉnh đã thể hiện rõ nét vai trò đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư tại KKT Vũng Áng. Đến thời điểm này, việc giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng thi công các dự án công nghiệp trọng điểm tại KKT Vũng Áng đảm bảo tiến độ, góp phần đưa các dự án sớm hoàn thành theo kế hoạch cũng như tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng
Mặc dù phải đối mặt không ít khó khăn giai đoạn hậu COVID-19, song, những tháng đầu năm 2023, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) vẫn giữ được tình hình SXKD ổn định.
Tính đến ngày 26/4/2023, FHS xuất khẩu hơn 414.642 tấn phôi thép (tăng 99% so với cùng kỳ năm 2022) và 820.407 tấn thép (tăng 84% so với cùng kỳ năm 2022). Qua đó, FHS đã đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh hơn 727 triệu USD. Tín hiệu này đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu sản xuất gần 7 triệu tấn thép của FHS, tiếp tục khẳng định vai trò “đầu tàu” công nghiệp của tỉnh.
Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tiếp tục khẳng định vai trò “đầu tàu” công nghiệp của tỉnh.
Đóng góp vào những dấu hiệu tích cực của công nghiệp Hà Tĩnh, Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh đang nỗ lực hoàn thành các hạng mục cuối cùng để sớm đưa tổ máy số 1 (Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1) vận hành trở lại sau 1 năm rưỡi phải tạm ngừng hoạt động do sự cố kỹ thuật.
Ông Nguyễn Duy Minh - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Hà Tĩnh cho biết: “Quý I/2023, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 tập trung cao cho công tác vận hành an toàn tổ máy số 2, sửa chữa tổ máy số 1 với sản lượng điện sản xuất đạt trên 833 triệu kWh. Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu “cán đích” 6,4 tỷ kWh, doanh thu 12.800 tỷ đồng, nộp ngân sách 205 tỷ đồng”.
Năm 2023, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đặt mục tiêu sản xuất 6,4 tỷ kWh điện.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, góp mặt trong sự tăng trưởng của ngành công nghiệp Hà Tĩnh những tháng đầu năm là các mặt hàng chủ lực như: sợi, bao bì, may mặc, dược phẩm, chè, bia... Đặc biệt, dù trong bối cảnh khó khăn chung, các nhà máy may quy mô lớn như: Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (TX Hồng Lĩnh), Công ty May mặc xuất khẩu Appareltech (Đức Thọ)… vẫn giữ được các đơn hàng xuất khẩu và có dấu hiệu tăng trưởng ổn định. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp nông thôn chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã, nhiều sản phẩm (nhất là các sản phẩm OCOP) có “sức hút” mạnh mẽ trên thị trường… Đây chính là nền tảng để đạt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 11% so với năm 2022.
Ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh: “Định hướng phát triển công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 là phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm gắn với mục tiêu đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Cùng đó, tập trung phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế như thép và chế tạo các sản phẩm từ thép, sản xuất điện, chế biến nông - lâm - thủy sản, dệt may, vật liệu xây dựng chất lượng cao, dược phẩm sinh học, công nghệ thông tin và các ngành khác có tiềm năng. Đến năm 2030, toàn tỉnh quy hoạch 45 cụm công nghiệp (CCN), trong đó giữ nguyên 11 CCN, mở rộng 10 CCN, bổ sung mới 24 CCN”.
Dự án Nhà máy Bia Hà Nội - Nghệ Tĩnh (TX Hồng Lĩnh) có tổng mức đầu tư khoảng 1.250 tỷ đồng.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt 2 dự án đầu tư công nghiệp gồm: dự án xưởng sản xuất đồ gỗ Yên Thịnh (CCN Bắc Cẩm Xuyên) với số vốn 24,4 tỷ đồng và dự án gia công cơ khí, sản xuất cấu kiện, vật tư công nghiệp Tiến Thành (Khu công nghiệp Vũng Áng 1) với kinh phí đầu tư 57,9 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến khảo sát, tìm hiểu đầu tư về lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn như: dự án Nhà máy May Hoàng Thị Loan (CCN huyện Đức Thọ), dự án sản xuất cọc nhồi, sợi (CCN Nam Hồng); các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, CCN…