Những cây cầu nối nhịp yêu thương ở miền quê Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Ở Hà Tĩnh, đã có một thời, đò ngang - phương tiện duy nhất kết nối người dân hai bên bờ những con sông - khiến lòng người trở ngại. Và rồi, những cây cầu “mọc lên” đã nối nhịp yêu thương đôi bờ...

Những cây cầu nối nhịp yêu thương ở miền quê Hà Tĩnh

Cầu Hộ Độ nằm ở phía Đông Bắc thành phố Hà Tĩnh.

Một buổi chiều cuối tháng Chạp năm 2019, đi qua cầu Cánh Cạn, tôi gặp cụ Nguyễn Thị Bốn (84 tuổi, ở thôn Thượng Nguyên, xã Thạch Kênh, Thạch Hà).

Nhìn thấy cụ bà tuổi cao, tóc bạc, đứng trên cầu ngoái lại phía sau, dõi ánh mắt xa xăm về phía ngôi làng vẻ bùi ngùi, lưu luyến…, tôi đã chủ động bắt chuyện và đề nghị chở bà một quãng đường. Như thể gặp được người tri âm, tri kỷ, hồi ức quá khứ của người phụ nữ lấy chồng bên kia sông đã được bà sẻ chia một cách hồn hậu.

Những cây cầu nối nhịp yêu thương ở miền quê Hà Tĩnh

Bà Trần Thị Bốn, 84 tuổi, ở thôn Thượng Nguyên (Thạch Kênh, Thạch Hà).

Bà kể: “Tôi lấy chồng về làng Thượng Nguyên đã hơn 60 năm, nhưng chỉ mới được thường xuyên về nhà cha mẹ 7 năm nay. Bởi, dù cách nhà hơn 1 cây số, nhưng cách sông, cách đò không phải lúc nào muốn về cũng được. Những ngày mới về bên này làm dâu, nhiều lúc tôi nhớ cha mẹ, anh chị em, nhớ làng đến thắt ruột.

Ngày mẹ tôi mất, nhận được tin báo, tôi tất tả chạy về, nhưng ra bến gọi đò không được, tôi đã khóc cạn nước mắt giữa bến sông trưa nắng. Từ khi cầu Cánh Cạn được xây dựng (năm 2012) đến nay, tôi về nhà thường xuyên hơn. Chỉ tiếc, bây giờ cha mẹ đều không còn nữa, ý nguyện chăm sóc, báo hiếu của tôi đã không được toại nguyện”.

Những cây cầu nối nhịp yêu thương ở miền quê Hà Tĩnh

Khi chưa có những cây cầu, đò là phương tiện duy nhất kết nối cư dân hai bên bờ những con sông...

Không có những cây cầu, sự cách trở sông nước cũng khiến nhiều người không thực hiện được tâm nguyện. Ông Nguyễn Văn Huệ (80 tuổi), cũng người làng Thượng Nguyên chia sẻ: “Tôi lấy vợ làng bên kia sông, nên việc lễ tết nhà vợ thường gặp những tình huống “tiến thoái lưỡng nan”. Nhiều lần, làm cỗ đưa về bên ngoại cúng ông bà tổ tiên, gặp lúc con nước xuống, đò không chèo được, tôi đã phải đội mâm trên đầu, lội qua sông. Ngày ấy, nhiều người cũng vì ái ngại cảnh cách sông, cách đò mà duyên không thành. Giờ đây, có cầu rồi, thanh niên 2 làng bên sông cũng thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu nhau. Không những thế, họ còn “mở rộng địa bàn” để tìm vợ, tìm chồng”.

Những cây cầu không chỉ nối liền thương nhớ cho những con người sống hai bên sông mà còn tạo điều kiện cho người dân mở rộng giao lưu, phát triển kinh tế. Rất nhiều người, rất nhiều miền quê đã có cuộc sống khấm khá hơn nhờ những cây cầu. Ngoài ra, việc học hành của thế hệ trẻ cũng thuận lợi hơn nhiều.

Những cây cầu nối nhịp yêu thương ở miền quê Hà Tĩnh

Cầu Cánh Cạn bắc qua sông Nghèn đoạn qua xã Thạch Kênh (Thạch Hà) và Ích Hậu (Lộc Hà).

Nếu như 5 năm trước, thôn Bắc Tiến, xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) là một trong những địa bàn còn lạc hậu, khó khăn bởi sự ngăn cách của con sông Rào Trổ thì giờ đây, sau khi cầu Bến Xắt được xây dựng, cuộc sống người dân đã thay đổi rất nhiều.

Ông Vũ Trung Tiến - Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho hay: “Trước năm 2015, khi chưa có cầu Tràn Bến Xắt, người dân thôn Bắc Tiến gặp nhiều khó khăn, trở ngại trong sinh hoạt và sản xuất. Mỗi năm có đến 4 tháng người dân nơi đây phải đi đò qua sông để ra khỏi làng. Mùa khô đã khó, mùa lũ thì việc đưa trẻ đến trường nguy hiểm vô cùng.

5 năm nay, nhờ có cây cầu, đời sống người dân thôn Bắc Tiến đã khá lên rất nhiều. Mặc dù Kỳ Thượng chưa về đích nông thôn mới, nhưng riêng Bắc Tiến đã xây dựng thành công khu dân cư kiểu mẫu của xã”.

Những cây cầu nối nhịp yêu thương ở miền quê Hà Tĩnh

Có một cây cầu là niềm mong ước của nhiều người dân Hà Tĩnh ở vùng sâu, vùng xa. (Trong ảnh: Cầu Sông Con ở xã Sơn Quang, Hương Sơn).

Trên khắp mọi miền quê Hà Tĩnh, rất nhiều cây cầu lớn nhỏ đã được dựng xây hoặc nâng cấp, sửa chữa, thay thế. Mỗi nhịp cầu được bắc thêm, dù là cầu dân sinh hay mang ý nghĩa chiến lược phát triển kinh tế đều mang theo những niềm hy vọng đoàn viên và sự phát triển ngày càng thịnh vượng của người dân mọi miền.

Hiện nay, vẫn còn nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa, nơi những nhịp cầu chưa còn vươn tới, bà con nhân dân ở đó vẫn còn tha thiết những ước mong. Nhưng tôi tin trong một tương lai không xa, ở Hà Tĩnh, nhịp cầu sẽ tiếp tục nối dài những bờ vui, để em thơ được tới trường, để người dân mọi miền được kết nối muôn phương.

Những cây cầu nối nhịp yêu thương ở miền quê Hà Tĩnh

Nhiều cây cầu được đầu tư xây dựng, mang lại cuộc sống mới cho người dân nông thôn Hà Tĩnh. (Trong ảnh: Cầu Cửa Sót - Thạch Hà).

Mỗi lần đi qua những cây cầu, nhất là những cây cầu dựng xây trên những bến đò xưa, lòng tôi có chút bâng khuâng khi hình ảnh những chuyến đò ngang - mang ký ức lối sinh hoạt của cha ông một thời - không còn nữa.

Nhưng hơn hết, tâm trạng tôi lại vô cùng phấn khởi khi ngắm nhìn những gương mặt, những ngôi làng thấp thoáng niềm vui. Bởi, những nhịp cầu đã nối liền đôi bờ thương nhớ, chắp cánh cho những niềm mơ ước bình dị của những miền quê trở thành hiện thực…

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.