Chúng tôi vẫn thường có thói quen hình dung về phố thị Thành Sen như thế - bằng những con người lòng chở đầy khát vọng. Và hôm nay, từ những vùng đất ven đô Hà Tĩnh, gặp gỡ những con người nặng lòng với đất, chúng tôi lại có thêm cho mình những hình ảnh mới về một ngoại ô sung túc, trù phú, bốn mùa hoa trái xanh tươi...
Vào những cuối chiều, khi mặt trời đã lùi về chân mây, tôi thường dạo quanh thành phố, có khi ngược về Tây, có khi xuôi về Đông, có khi vòng về Nam... Ở đó, trong vẻ bình lặng của những làng quê ven đô, của những rặng đước, rặng bần... là những cựa mình chở đầy khát vọng của người dân phố thị. Đó là những cựa mình dựa trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế về đặc trưng thổ nhưỡng vùng ven đô; trên cơ sở những chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, xây dựng các dự án nông nghiệp để phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị.
Nhiều người dân TP Hà Tĩnh vẫn thường gọi nơi mình sinh sống bằng tên Thành Sen. Cách gọi đó ẩn chứa niềm hoài niệm về một Thành Sen nở đầy sen trong câu chuyện cổ cũng đồng thời thể hiện mong ước thành phố khôi phục hình ảnh xưa. Không chỉ riêng người dân, các thế hệ lãnh đạo TP Hà Tĩnh cũng luôn trăn trở làm sao để khai thác được đặc trưng, thế mạnh của các vùng ven đô, thay đổi tập quán sản xuất của người dân, hướng đến phát triển du lịch, nhất là tạo nên những sản phẩm đặc trưng mới từ việc trồng sen. Sau nhiều tìm tòi, trăn trở, tháng 5/2021, Dự án “Phát triển một số giống hoa sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch sinh thái tại TP Hà Tĩnh” đã được triển khai. Dự án do Sở KH&CN Hà Tĩnh phối hợp với HTX Sen Hào Thành đảm nhận. Từ đây, dõi theo những mùa sen thành phố, chúng tôi cũng được biết thêm những con người yêu sen, yêu từng tấc đất ngoại ô, chung khát vọng vẽ nên gương mặt mới của Thành Sen... Trong đó, anh Trần Tiến Sĩ - Giám đốc HTX Sen Hào Thành là một trong những người như vậy.
Sản phẩm Sen Hào Thành.
Từ một người hoạt động trong lĩnh vực khác, sau nhiều lần cùng lãnh đạo thành phố tham quan các vùng ven đô, được nghe chia sẻ về những mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị, nhất là những ấp ủ với việc trồng sen, trong tâm tư, trí tuệ của anh Sĩ cũng đã “nẩy mầm” tình yêu với sen.
“Ban đầu, tôi cứ nghĩ có sẵn đất mặt nước và những người nông dân mê trồng sen rồi, việc triển khai sẽ thuận lợi nhưng khi bắt tay thực hiện mới nhìn rõ khó khăn. 1/7/2021 là một ngày đáng nhớ với tôi khi sau 7 lần gieo trồng thất bại, lứa sen đầu tiên đã bám rễ nảy mầm lên xanh. Đó là kết quả của những ngày dài bám đất, bám đồng; là những đêm sâu nghiên cứu tài liệu, kỹ thuật để có thể hiểu và cải tạo được môi trường sao cho phù hợp với quá trình sinh trưởng, phát triển của các loại sen” - anh Sĩ chia sẻ.
|
Bây giờ, khi cùng anh Sĩ thưởng thức các sản phẩm được HTX Sen Hào Thành sản xuất, chúng tôi không thôi mường tượng về những mùa sen nở ngát hương các vùng ven đô thành phố. Nhớ lại những ngày anh cùng các cán bộ thành phố vận động, hướng dẫn bà con tham gia trồng sen; cùng bà con lăn lộn đồng trên, đồng dưới cải tạo đất, làm sạch nước... cứ thấy lòng rưng rưng trong thoang thoảng hương sen.
“Trước đây, người dân chủ yếu chỉ biết đến 2 sản phẩm từ sen là hoa, hạt và ở các đầm chủ yếu là sen tự mọc nhưng giờ đây, HTX đã gieo trồng thành công gần 30 giống sen, trong đó, nhiều giống sen đẹp, thơm như Lotus, bách diệp, bỉ ngạn, quan âm... Ngày càng có nhiều sản phẩm từ sen giúp các hộ khai thác triệt để từ gốc đến ngọn như: trà sen (bông sen tươi ướp trà, trà tâm sen, trà lá sen, gạo sen); ngó sen tươi, chua ngọt; củ sen tươi, củ sen sấy giòn, tinh bột củ sen; rượu sen (ngâm từ nhụy sen, hạt sen già); hạt sen sấy giòn... Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm nhiều sản phẩm nữa và sẽ tập trung vào chế biến sâu, chuyển giao cho bà con đảm nhận một số công đoạn sơ chế đơn giản”.
|
Để có sản phẩm trà sen chuẩn vị, HTX Sen Hào Thành đã rất dày công điều chỉnh quy trình sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
HTX Sen Hào Thành hiện kết nối với 12 tổ hợp tác, diện tích trồng sen phát triển ra nhiều vùng với hơn 28 ha, trong đó, tập trung lớn nhất vẫn là địa bàn xã Đồng Môn với khoảng 12 ha, các vùng hồ ở Văn Yên, Đại Nài đều có khoảng 4 ha và rải rác ở các phường Thạch Linh, Thạch Trung, Thạch Hưng... Ngoài thu nhập khá cao (120-150 triệu đồng/ha/năm đối với trồng sen lấy hạt, trên 300 triệu đồng/ha/năm đối với sen lấy củ), việc đầu ra được đảm bảo ổn định cũng đã tạo niềm tin cho bà con yên tâm sản xuất và mở rộng diện tích trồng sen.
“Phát triển kinh tế dựa vào cộng đồng là yếu tố quan trọng làm nên thành công của HTX Sen Hào Thành. Chúng tôi rất vui khi các sản phẩm của HTX đều được thị trường đón nhận. Các sản phẩm này đồng thời là một trong những sản phẩm phục vụ du lịch, qua đó, quảng bá được hình ảnh, truyền thống văn hóa của vùng đất Thành Sen. Hiện nay, ngoài giới thiệu, bày bán ở 5 điểm cửa hàng bán lẻ của hệ thống Thành Sen Mart và một số điểm kinh doanh rau, củ, quả sạch, chúng tôi cũng ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng các kênh bán hàng qua mạng internet nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ” - anh Sĩ chia sẻ.
Từ khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm Trà sen Hào Thành đã mở rộng thị trường và tăng doanh thu.
Thành công bước đầu của dự án về trồng sen là thực tiễn quý giá để người dân thành phố mạnh dạn nuôi dưỡng khát vọng, thực hiện những giấc mơ “hái tiền” từ các vùng đất hoang hóa bằng cách mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với du lịch sinh thái. Qua đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh của TP Hà Tĩnh.
Video: Sản phẩm sen Hào Thành được quảng bá trên nền tảng MXH.
Có thể, nhiều người đang khá mơ hồ khi tiếp cận với mục tiêu hình thành các khu công viên nông nghiệp tại TP Hà Tĩnh nhưng với Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng, điều đó đã quá rõ ràng và sẽ sớm trở thành hiện thực. TP Hà Tĩnh hiện có 500 ha đất nuôi trồng thủy sản (mặn, lợ và ngọt) cùng hệ thống ao hồ phong phú và gần 500 ha đất trồng cây màu, 1.400 ha sản xuất lúa; với địa hình 4 bề giáp sông, gần cửa biển nên thành phố sở hữu hệ sinh thái đa dạng với những vùng đặc trưng như: Thạch Hạ, Đồng Môn thuộc vùng ngập mặn; Thạch Hưng, Đại Nài thuộc vùng bán ngập mặn; Thạch Linh sau khi được ngọt hóa, hình thành những vùng đảo nhỏ... Thêm vào đó, ở các vùng ven đô, người nông dân cũng đã có sự chuyển mình trong tư duy, tạo cơ sở vững chắc để có thể thực hiện những mục tiêu mới trong phát triển kinh tế đô thị.
“Tiềm năng và đặc trưng của các vùng ven đô là cơ sở để có thể quy hoạch, vận hành và thu hút liên kết sản xuất đầu tư, hình thành nên các khu công viên nông nghiệp” - Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng khẳng định.
Thời gian qua, TP Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, xây dựng các dự án nông nghiệp trên tinh thần lấy sự phát triển HTX làm nòng cốt, làm trọng tâm liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, người sản xuất với người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, tập trung hỗ trợ người nông dân trong tất cả các khâu từ hình thành các HTX đến xây dựng, nhận diện thương hiệu, hạ tầng, chuyển giao công nghệ, giống, kỹ thuật... Ngoài ra, thành phố cũng tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bí thư Thành ủy Dương Tất Thắng kiểm tra vùng sản xuất nông nghiệp tại Đồng Ghè (Thạch Hạ).
Trong năm 2022, thành phố đã tích tụ trên 250 ha đất nông nghiệp và xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp đô thị trọng tâm tại các phường, xã. Trong đó, có nhiều mô hình ghi dấu sự mạnh dạn, táo bạo, ghi dấu khát vọng đổi thay của chính quyền cũng như công dân thành phố. Cùng với quy hoạch cụ thể xây dựng công viên nông nghiệp, ở Thạch Hạ đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp chuyển đổi thành công. Rõ nhất là mô hình nông nghiệp “3 trong 1” - sản xuất lúa hữu cơ, nuôi trồng các loại thủy sản và mở các dịch vụ theo hướng sinh thái của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật (xã Thạch Hạ) do anh Nguyễn Hữu Quyền làm Giám đốc.
|
Với những lợi thế về nông nghiệp và du lịch, mô hình nông nghiệp tuần hoàn “3 trong 1” ở thôn Liên Nhật (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Phạm Trường - Đức Hùng.
Anh Quyền chia sẻ: “Rẽ hướng vào sản xuất nông nghiệp từ nghề xây dựng, tôi đã thực sự có một niềm đam mê mới - nông nghiệp sạch. Và đúng là lao động tạo ra con người, càng bắt tay vào làm thì trí tuệ của tôi càng được kích hoạt, càng có nhiều ý tưởng, nhiều hoài bão và kế hoạch mới”.
Từ cuối năm 2021, anh Quyền bắt đầu công việc mới của mình bằng cách đầu tư, thuê máy móc, phá bờ vùng, bờ thửa để quy hoạch vùng sản xuất tập trung hữu cơ, nuôi cá (5 ha). Mô hình “3 trong 1” ngày càng cho thấy hiệu quả rõ nét khi chi phí sản xuất giảm, năng suất, sản lượng tăng; quan trọng nhất, khi tham gia sản xuất cùng anh, bà con tiết kiệm tối đa sức lao động nhờ ứng dụng KHKT tiên tiến. Không chỉ trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, anh Quyền cùng bà con xã viên còn trồng hoa, xây dựng các loại hình dịch vụ để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
|
“Đến nay, sản phẩm của HTX đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Lúa hữu cơ được thu mua ngay trên đồng ruộng. Thôn trang Liên Nhật được nhiều du khách tìm đến. Mong muốn tạo điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp đô thị của tôi dần trở thành hiện thực. Và điều quan trọng hơn là tôi đã góp phần giúp người dân thay đổi tư duy, xóa bỏ tư tưởng lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm những ý tưởng mới, có tính đột phá hơn” - anh Quyền cho hay.
Lãnh đạo phường Đại Nài kiểm tra tiến độ thực hiện mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp.
Cũng bắt đầu với khát vọng xây dựng công viên nông nghiệp, Đảng ủy, chính quyền và Nhân dân phường Đại Nài đã và đang “chuyển động” không ngừng trong việc thay đổi tư duy, tập quán sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế trên hệ sinh thái đa dạng của địa phương. Dẫn chúng tôi đi thăm những mô hình kinh tế dần hoàn thiện ở khu vực Đồng Đầm (thuộc các tổ dân phố 5, 6, 7, 8, 10), ông Trần Trọng Dũng - Bí thư Đảng ủy phường Đại Nài phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, vùng này bỏ hoang vì sâu trũng, sình lầy, nhiễm mặn. Tháng 5/2023, địa phương bắt đầu thực hiện nạo vét, cải tạo môi trường, hướng đến xây dựng vùng tổng hợp kinh tế nông nghiệp, tiến tới công viên nông nghiệp sinh thái. Hiện nay, dưới sự đảm nhận của các tổ chức đoàn thể, vùng Suối Nài rộng gần 13 ha (thuộc vùng Đồng Đầm) đã được phủ kín 50% diện tích với nhiều mô hình đa cây, đa con như: trồng chuối, mít, dừa, cau kết hợp với nuôi cá, ốc, cua đồng và trồng xen canh các loại rau ngắn ngày như: dưa chuột, mướp đắng...; mô hình lúa rươi; lúa rạm... Trong đó, nhiều mô hình cho thu nhập với hiệu quả kinh tế cao.
Ông Lê Văn Hà - tổ dân phố 10 chia sẻ: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, tôi đã tích tụ được 2 ha. Tuy vùng đất này trước đây bỏ hoang hóa nhưng với sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương, gia đình tôi tập trung đầu tư cải tạo đất và xây dựng địa hình, hướng tới xây dựng mô hình kinh tế “miệt vườn”, vừa nuôi trồng các loại cây, con đặc sản theo hướng hàng hóa, vừa khai thác dịch vụ ăn uống. Bước đầu, từ những loại cây xen canh, gối vụ như sen, các loại rau ngắn ngày, các loại cá, rạm, cua đồng..., gia đình tôi đã có thu nhập. Tôi cũng như nhiều nông dân trên địa bàn đều mong muốn, hướng đi mới của thành phố sẽ tạo cơ hội cho nông dân chúng tôi có thể “hái hoa thơm trên vùng đất cằn”.
Bằng những khát vọng đổi thay, bằng những bước đi thận trọng, TP Hà Tĩnh đã và đang khai thác hiệu quả kinh tế ven đô. Những vùng đất hoang hóa, bạc màu đã được khoác lên diện mạo mới, những người nông dân ven đô không còn an phận thủ thường. Chưa vội nói về tương lai nhưng những “cựa mình sinh sôi” ấy chính là nền tảng để thành phố phát triển nền nông nghiệp đô thị đột phá, hiệu quả, là cơ sở để thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch cũng như hình thành nên vành đai xanh bền vững.
ảnh: hoài oanh & ctv
thiết kế: khôi nguyễn