Nông dân Hà Tĩnh tập trung chống rét cho mạ

(Baohatinh.vn) - Trước tình hình nhiệt độ xuống thấp, có nơi chuyển rét đậm, rét hại, mấy ngày qua, nông dân một số địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung ra đồng chống rét cho mạ.

Nông dân xã Mai Phụ (Lộc Hà) ra đồng che phủ nilon cho mạ

Để chuẩn bị gieo cấy vụ Xuân 2021, bà Phạm Thị Phi ở xóm Đồng Sơn, xã Mai Phụ (Lộc Hà) đã xuống giống bắc mạ từ hơn 10 ngày qua. Khi cây mạ lên 2 - 3 lá cũng là lúc nhiệt độ xuống thấp dưới 130C.

“Do vùng ruộng cao cạn, không chủ động nước nên người dân địa phương đã bắc mạ hơn 10 ngày. Để chống rét cho mạ, tôi dùng ni lon che phủ theo đúng kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Việc phủ ni lông không những chống rét được cho mạ mà còn chống chuột, bọ rất hiệu quả” – bà Phi cho biết.

Cán bộ Trung tâm Chuyển giao khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Lộc Hà kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển một số giống lúa.

Ông Võ Tá Bình - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết, vụ xuân 2021, Lộc Hà dự kiến gieo cấy 3.185 ha, chủ yếu cơ cấu sản xuất các giống lúa trà Xuân muộn ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao (trên 90% diện tích). Diện tích còn lại cơ cấu hợp lý các giống lúa Xi23, NX30, XT28.. ở các vùng sâu trũng, chua phèn, khó khăn về thủy lợi như: Thạch Mỹ, Phù Lưu, Thạch Châu, Thịnh Lộc, thị trấn Lộc Hà… Đến thời điểm này, các địa phương đã bắc mạ trên 20 ha (tương đương 200 ha lúa cấy).

Hiện nay, toàn tỉnh đã gieo được khoảng 42 ha mạ, tương đương diện tích gieo cấy 420 ha; tập trung chủ yếu ở các giống IR1820, chiêm nếp, NX30, Xi23, XT 28. Tuy nhiên, những ngày này, thời tiết chuyển rét đậm rét hại, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng nói chung và mạ xuân nói riêng. Thực hiện khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, nông dân các địa phương đã chủ động nhiều biện pháp nhằm chống rét cho cây mạ như che phủ nilon, duy trì độ ẩm, bổ sung tro bếp…

100% diện tích mạ ở Đan Trường được che phủ nilon.

“Do địa hình cao cạn, không chủ động về nước nên xã Đan Trường (Nghi Xuân) đã xuống giống các loại XT28, N33 từ giữa tháng 12. Mấy ngày qua, thời tiết chuyển sang rét đậm, các thôn xóm trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã khuyến cáo bà con ra đồng dùng nilon để che chắn cho diện tích mạ đã bắc”, bà Nguyễn Thị Đông - cán bộ khuyến nông xã Đan Trường cho hay.

Vẫn còn một số diện tích chưa được che phủ nilon ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây mạ non, nhất là khi nhiệt độ xuống thấp.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết, qua kiểm tra, vẫn còn khoảng 10 ha mạ ở các huyện Lộc Hà, Nghi Xuân và TX Hồng Lĩnh... không che phủ nilon. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng, phát triển của cây mạ non, nhất là thời tiết âm u, nhiệt độ thấp.

Đối với những diện tích mạ đã gieo và đã được che phủ nilon trong, cần kiểm tra độ kín của nilon, nếu bị rách, hở cần có biện pháp che chắn lại ngay. Đồng thời, duy trì luống mạ luôn đủ ẩm, có điều kiện thì liên tục giữ mức nước ở mặt rãnh; vòm che nilon phải đảm bảo độ cao giữa mặt luống và đỉnh vòm từ 50 - 60cm, nilon phải được phủ kín cả luống mạ, tuyệt đối không được để hở chân.

Đối với những diện tích mạ đã gieo và đã được che phủ, cần kiểm tra độ kín của nilon, nếu bị rách, hở cần có biện pháp che chắn lại ngay.

Trong quá trình chăm sóc, thường xuyên kiểm tra duy trì độ ẩm, độ ấm cho luống mạ. Với những diện tích vừa mới gieo xong, để tăng cường khả năng chống rét cho mạ có thể bón bổ sung thêm tro bếp mục lên mặt luống để giữ ẩm và giữ ấm. Tuyệt đối không bón đạm vào những ngày nhiệt độ thấp.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói