Đến hẹn lại lên đồi hái sim ở Thạch Hà

(Baohatinh.vn) - Từ đầu tháng 7 đến nay, quả sim từ màu mơ vàng đã chuyển hẳn sang màu tím sậm, trái căng mọng. Đây là lúc nhiều người dân ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) lại rủ nhau lên rừng thu hái “lộc rừng”.

Đến hẹn lại lên, những ngày này, người dân ở các xã Thạch Xuân, xã Ngọc Sơn, xã Thạch Ngọc (Thạch Hà) lại rủ nhau lên các ngọn đồi gần nhà để thu hái sim chín.

Đến hẹn lại lên đồi hái sim ở Thạch Hà

Chị Hải vạch từng kẽ lá tìm sim chín.

Để hái được nhiều sim, chị Nguyễn Thị Hải (xã Thạch Xuân) lên đồi từ lúc tờ mờ sáng. “Khoảng 4h30, chúng tôi đã bắt đầu lên đồi. Sim thường chín nhiều vào buổi sáng, tôi mang theo găng tay, bì tải để thu hoạch. Mùa sim thường kéo dài trong 3 tháng (từ tháng 7 đến tháng 9 dương lịch), trong suốt quãng thời gian đó, với việc hái sim đem bán cho các chợ, chúng tôi có thêm khoản thu nhập kha khá”, chị Hải chia sẻ.

Đến hẹn lại lên đồi hái sim ở Thạch Hà

Dù thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng chị Thương vẫn đánh đường 6km để tìm đồi thu hoạch sim chín

Còn chị Nguyễn Hoài Thương (xã Việt Tiến) lại “cất công” chạy xe máy hơn 6 km từ nhà đến đồi sim ở xã Ngọc Sơn để hái “lộc rừng”. Một mùa sim, chị thu nhập khoảng trên dưới 7 triệu đồng.

"Chúng tôi thường chia thành từng nhóm, mỗi nhóm từ 3 - 5 người. Hôm ít, mỗi người hái được 3 - 5 kg, bữa nhiều thì cả yến. Sau khi thu hoạch, chúng tôi nhập cho thương lái với giá khoảng 25.000 đồng/kg. Hái sim có một phần vất vả khi phải di chuyển trên khu vực đồi núi cao nhưng chịu khó cũng kiếm được khoản tiền kha khá” - chị Thương chia sẻ.

Được biết, giống sim ở vùng trà sơn Thạch Hà thường mọc tự nhiên ở đồi núi trọc hoặc mọc dưới tán cây bạch đàn, cây tràm. Cây cho quả chín vào cuối tháng 6 đến hết tháng 9. Quả chín có màu tím thẫm, vị ngọt đậm, hơi chát, có nhiều hạt nhỏ.

Đến hẹn lại lên đồi hái sim ở Thạch Hà

Quả sim rừng nhỏ bằng đầu ngón tay, khi chín có màu hồng tím rồi chuyển sậm đen.

Là người nhiều năm gắn bó với nghề hái sim trên đồi đi bán, anh Nguyễn Văn Nam (xã Lưu Vĩnh Sơn) cho biết: "Nói là thu hái sản phẩm từ cây tự nhiên nhưng người hái sim phải thông thuộc địa hình, địa thế để biết chỗ nào cây sim phát triển tốt, quả to, đẹp mới hái được nhiều, bán được giá cao. Cây sim quả to, mọng nước thường mọc ở những vùng đất ẩm ướt, tơi xốp. Đặc biệt, nếu buổi tối trời mưa thì sáng mai quả sẽ chín rất nhiều” - anh Nam cho biết.

Đến hẹn lại lên đồi hái sim ở Thạch Hà

Người hái sim cần có kinh nghiệm, thông thạo địa hình để tìm đến những vùng có quả to, mọng nước.

Theo nhiều người dân, hái sim lúc rạng sáng sẽ có nhiều quả chín nhưng cũng gặp rủi ro. Thời điểm này, các đàn ong vò vẽ thường làm tổ dưới các ụ đất cạnh gốc sim, một số người không để ý vô tình dẫm vào tổ ong sẽ bị chúng đuổi cắn.

Để tránh gặp nạn, người đi trước nếu phát hiện tổ ong sẽ bẻ cành cây bạch đàn che lại hoặc làm dấu để người đi sau không dẫm trúng. Trái sim khá nhỏ, cũng đòi hỏi đôi mắt tinh tường mới phát hiện được.

Đến hẹn lại lên đồi hái sim ở Thạch Hà

Người dân thường đi hái sim thành từng nhóm từ 3 - 5 người.

Thời gian hái sim có thể kéo dài cả ngày nhưng thường tập trung vào buổi sáng, nhất là những ngày nắng nóng cao điểm vừa qua, nhiệt độ có thời điểm lên đến 39 độ C. Vì thế, nhiều người dân thường đi hái sim lúc 4h - 5h, kết thúc lúc 8h cùng ngày.

Đi hái sớm vừa tránh được nắng để bảo vệ sức khỏe vừa giúp người dân có thời gian làm thêm việc nhà, việc đồng áng.

Đến hẹn lại lên đồi hái sim ở Thạch Hà

Nhiều năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng sim rừng của người dân tăng mạnh.

Trung bình mỗi ngày, mỗi người dân có thể hái được từ 5 - 7 kg sim. Hiện nay, với giá sim dao động khoảng 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg, mỗi ngày, một người có thể kiếm từ 125.000 đồng đến gần 250.000 đồng. Mỗi mùa sim, thu nhập của họ dao động từ 5 - 7 triệu đồng/người.

Theo đông y, quả sim có vị ngọt, chát, tính bình có tác dụng hành huyết, chỉ huyết, bổ huyết, hoạt lạc, thường dùng trong trường hợp suy nhược cơ thể, thiếu máu do mất máu, thiếu máu do thai nghén; người yếu mệt sau khi có bệnh, suy nhược thần kinh, ù tai, di tinh. Với những đặc tính tốt, nhu cầu sử dụng sim rừng luôn cao, thường dùng để để ngâm rượu, làm si rô, làm trà sim…

Đến hẹn lại lên đồi hái sim ở Thạch Hà

Những quả sim chín được khách hàng mua về ngâm rượu, làm siro hoặc phơi khô sắc uống.

Từ thực tế khai thác, ở các xã Thạch Xuân, Ngọc Sơn, Thạch Ngọc..., mỗi xã có 3 - 4 đại lý chuyên thu mua sim tươi. Người dân hái xong đem nhập cho các đại lý trong xã, các đại lý chọn lọc, phân loại rồi xuất ra thị trường các tỉnh phía Bắc, phía Nam.

Anh Nguyễn Hải Thọ, một đại lý chuyên thu mua sim trái ở xã Ngọc Sơn cho biết: “Mùa sim chín, người dân đến nhập chừng nào thì chúng tôi thu mua hết chừng đó. Cao điểm, có khi lên đến hàng tấn mỗi ngày. Hiện đang là đầu mùa, quả phần lớn còn ương và xanh nhưng dự kiến, trong vài tuần tới, quả sim chín rộ, nguồn cung sẽ dồi dào và chất lượng cao. Các thương lái đang thu mua sim với giá cao, dao động từ 25 - 30.000 đồng/kg".

Khoảng mười năm trở lại đây, quả sim trở thành hàng hoá, được thương lái thu mua với giá cao nên ngày càng nhiều người dân tìm hái. Cứ vụ sim chín, người dân lên đồi hái sim, mang lại thu nhập khá, cải thiện đời sống gia đình. Nhận thấy giá trị kinh tế của loại quả rừng này, hiện trên địa bàn huyện, nhiều người dân đã có phương án xin khoanh nuôi, bảo vệ, khai thác cây sim có hiệu quả, bền vững hơn.

Ông Trần Xuân Hoà

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch Hà

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.