Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi ở Hà Tĩnh đối mặt thua lỗ

(Baohatinh.vn) - Giá lợn hơi trên địa bàn Hà Tĩnh liên tục giảm sâu, trong khi giá thức ăn lại ở mức cao khiến các doanh nghiệp, chủ cơ sở chăn nuôi đối mặt thua lỗ.

Những tháng cuối năm 2023, người chăn nuôi lợn trên địa bàn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn. Cụ thể, chi phí sản xuất (giá con giống, giá thức ăn chăn nuôi, giá điện) tăng cao, trong khi giá lợn hơi lại giảm sâu (hiện ở mức 48.000 - 49.000 đồng/kg).

Ngoài ra, một số địa phương của Hà Tĩnh (Cẩm Xuyên, Nghi Xuân, Đức Thọ) đang ghi nhận dịch tả lợn châu Phi, nguy cơ lây lan cao. Theo đó, người chăn nuôi phải đẩy chi phí phòng chống dịch lên cao so với thời điểm bình thường. Nếu thị trường những tháng cuối năm không có những dấu hiệu cải thiện tích cực thì người chăn nuôi lợn tiếp tục phải chịu thua lỗ.

Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi ở Hà Tĩnh đối mặt thua lỗ

Các trang trại đang đối mặt thua lỗ do giá lợn giảm sâu trong khi chi phí sản xuất tăng cao.

Nhiều tháng nay, Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh (xã Phú Lộc, Can Lộc) đối mặt với nhiều thách thức. Lâu nay, chuỗi liên kết sản xuất được doanh nghiệp duy trì ổn định tại 18 trang trại thuộc các huyện Can Lộc, Đức Thọ và Nghi Xuân. Tuy vậy, trước diễn biến khó khăn của thị trường, doanh nghiệp đã từng bước giảm đàn nuôi (từ 2.700 con lợn nái xuống còn 2.200 con, đàn lợn thịt từ 4.000 con xuống còn 3.200 con/lứa).

Theo phản ánh, có thời điểm, giá lợn hơi xuống mức 46.000 - 47.000 đồng/kg (khoảng 10 ngày trước), tính ra mỗi con lợn thương phẩm xuất chuồng, doanh nghiệp lỗ khoảng 700.000 đồng. Hiện nay, với mức giá 48.000 - 49.000 đồng/kg, mỗi con lợn bán ra, Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh lỗ khoảng 500.000 đồng. Thời điểm cuối năm, nếu tình hình sản xuất, kinh doanh không khả quan hơn thì doanh nghiệp sẽ rất chật vật.

Trang trại chăn nuôi lợn thịt của gia đình anh Nguyễn Tiến Sơn (xã Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên) cũng đang đối mặt thua lỗ khi giá lợn hơi “lao dốc”.

Anh Sơn cho biết: “Trang trại vừa xuất bán 1.200 con lợn thương phẩm với mức giá 48.000 đồng/kg. Với chi phí con giống cao (thời điểm thả nuôi 1,5 triệu đồng/con), chi phí sản xuất gia tăng, tính ra mỗi con lợn thịt xuất chuồng, chúng tôi lỗ khoảng 500.000 đồng. Hiện nay, giá lợn hơi chưa có dấu hiệu phục hồi, giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang tăng 30% so với thời điểm cách đây 2 năm, cùng với nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và khó khăn về nguồn lực đầu tư nên trang trại đã phải giảm đàn lợn thịt xuống thấp nhất có thể”.

Được biết, thời điểm này, chăn nuôi trang trại của Hà Tĩnh chiếm 65% và chăn nuôi nông hộ chiếm 35%. Đối với người chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, phải mua con giống thì hiện nay tình hình càng khó khăn.

Gia đình chị Phan Thị Hiền (thôn Tây Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) chuyên nuôi lợn thương phẩm quy mô từ 25 - 30 con/lứa. Vừa qua, gia đình xuất bán 25 con lợn thịt với mức giá 50.000 đồng/kg, tính ra lỗ 20 triệu đồng.

Chị Hiền cho hay: “Với 30 con lợn đang nuôi, tôi bỏ chi phí gần 40 triệu đồng để mua con giống. Ngoài ra, giá thức ăn chăn nuôi cũng đang ở mức cao (bì trọng lượng 25 kg có giá 360.000 đồng), cộng thêm chi phí phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi gia tăng nên người chăn nuôi rất vất vả. Nếu thời gian tới, giá lợn hơi không được cải thiện thì gia đình sẽ tiếp tục chịu thua lỗ và phải tính đến chuyện tạm ngừng chăn nuôi".

Giá lợn hơi giảm sâu, người chăn nuôi ở Hà Tĩnh đối mặt thua lỗ

Cán bộ Hội Nông dân xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) kiểm tra mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Phan Thị Hiền.

Ông Phan Quý Dương – Trưởng phòng Quản lý chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh) cho biết: "Tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện đạt 400.332 con, trong đó lợn thịt có 307.700 con. Theo tính toán, với chi phí phòng dịch, thức ăn chăn nuôi... cao như hiện nay, giá lợn hơi phải đạt từ 53.000 - 55.000 đồng/kg trở lên thì người chăn nuôi mới có thể hoà vốn. Để hoạt động chăn nuôi những tháng cuối năm diễn ra thuận lợi, các chủ cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn cần chủ động tiếp cận thông tin; theo dõi, phân tích tín hiệu thị trường, nhận định giá cả để quyết định đầu tư phù hợp".

Theo ngành chuyên môn, trên địa bàn tỉnh vừa xảy ra đợt mưa lớn kéo dài làm cho nhiều khu vực chăn nuôi, chuồng trại bị ngập lụt khiến cho môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm, các loại mầm bệnh lưu lại trong môi trường. Cùng đó, thời tiết chuyển mùa, sức đề kháng của vật nuôi giảm là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh xâm nhập.

Bởi vậy, khi tái đàn, tăng đàn dịp cuối năm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, các chủ cơ sở cần lưu ý mua con giống ở những địa chỉ tin cậy, chất lượng trên địa bàn. Ngoài ra, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; vệ sinh sát trùng chuồng trại theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.