Giá thức ăn chăn nuôi “neo cao”, người dân, doanh nghiệp đều lỗ

(Baohatinh.vn) - Trong vòng 1 năm, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng thêm 30%, trong khi đó giá thành phẩm lại đang giảm sâu. Tình trạng giá thức ăn tăng cao khiến người chăn nuôi lẫn nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn Hà Tĩnh đều thua lỗ.

Khảo sát trên thị trường Hà Tĩnh, giá thức ăn chăn nuôi lợn hiện dao động từ 280.000 - 370.000 đồng/bao 25 kg; thức ăn chăn nuôi gà hiện dao động từ 270.000 - 350.000 đồng/bao 25 kg. Mức giá này tăng khoảng 100.000 đồng/bao 25 kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thức ăn chăn nuôi “neo cao”, người dân, doanh nghiệp đều lỗ

Lượng hàng bán ra của cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi Phương Tân (thị trấn Thạch Hà) giảm một nửa do giá thức ăn tăng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Phương - chủ cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi Phương Tân ở thị trấn Thạch Hà cho biết: “Giá thức ăn tăng nên các cơ sở chăn nuôi giảm quy mô, giảm đàn. Vì vậy mà lượng hàng bán ra của đại lý cũng giảm. So với đầu năm 2022, lượng hàng bán ra của chúng tôi giảm mất một nửa. Thời gian trước, bình quân mỗi tháng đại lý nhập từ 5 - 6 tấn thức ăn chăn nuôi về kinh doanh thì nay buôn bán ế ẩm chỉ nhập vài ba tấn/tháng”.

Theo tính toán của người chăn nuôi lợn, trong sản xuất, chi phí thức ăn chiếm khoảng 70%. Để nuôi một con lợn thịt đạt trọng lượng trên dưới 100 kg, người nuôi phải tốn trung bình 10 bao cám (gần 4 triệu đồng). Trong khi đó, giá lợn hơi hiện chỉ đạt từ 49.000 - 51.000 đồng/kg. Với giá thành này, người chăn nuôi phải chịu lỗ.

Giá thức ăn chăn nuôi “neo cao”, người dân, doanh nghiệp đều lỗ

Các cơ sở chăn nuôi lợn giảm đàn do giá thức ăn tăng cao.

Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Giám đốc HTX Thắng Lợi (xã Xuân Thành - Nghi Xuân) cho biết: “Từ đầu năm ngoái đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt mà giá lợn thành phẩm lại giảm sâu. Chăn nuôi thua lỗ nên tôi giảm đàn nái từ 300 con xuống còn 200 con. Lợn giống sản xuất ra thời điểm này cũng không bán được nên gia đình phải giữ lại nuôi. Nếu tình trạng này còn kéo dài thì HTX khó mà cầm cự”.

Giá thức ăn chăn nuôi “neo cao”, người dân, doanh nghiệp đều lỗ

Chị Trần Thị Tuyết ở thôn 5, xã Cẩm Minh giảm đàn, chuyển hướng sử dụng cám tự chế để ứng phó với tình trạng thức ăn tăng giá.

Nhiều hộ nuôi gà trên địa bàn tỉnh cũng cho biết, giá thức ăn tăng liên tục đã đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp ở mức cao. Hiện, giá cám dao động ở mức 13.000 - 15.000 đồng/kg, tăng hơn 30% so với năm 2022. Nhiều người nuôi gà công nghiệp đang có nguy cơ thua lỗ lớn khi giá thành chăn nuôi tăng liên tục nhưng giá gà bán ra thiếu ổn định, dưới giá thành sản xuất.

“Giá gà thành phẩm chỉ đạt 100.000 - 120.000 đồng/kg, nhưng giá thức ăn thì tăng gấp 1/3. Đã vậy thị trường lại khó tiêu thụ. Để duy trì sản xuất, tôi chuyển sang chăn nuôi bằng cám tự chế, đồng thời giảm quy mô đàn từ 2.000 con/lứa xuống còn 1.000 con/lứa” - chị Trần Thị Tuyết ở thôn 5, xã Cẩm Minh (Cẩm Xuyên) cho hay.

Giá thức ăn chăn nuôi “neo cao”, người dân, doanh nghiệp đều lỗ

Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc.

Tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến đại lý kinh doanh, người chăn nuôi mà các nhà sản xuất cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Tại Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc (Can Lộc), thời điểm này, doanh nghiệp chỉ duy trì sản xuất từ 15 – 17 ngày/tháng để đảm bảo ngày công cho người lao động.

Ông Thân Văn Vỵ - Giám đốc Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc cho biết: “Nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi là ngô, khô đậu… đều nhập khẩu từ nước ngoài. Do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ukraine nên từ tháng 2/2022 đến nay, giá thành nhập khẩu các nguyên liệu này tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn”.

Giá thức ăn chăn nuôi “neo cao”, người dân, doanh nghiệp đều lỗ

Sản phẩm của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc.

Từ tháng 2 - 6/2022, nguyên liệu nhập khẩu sản xuất thức ăn chăn nuôi 5 lần tăng giá. Cụ thể, ngô nhập khẩu tăng từ 6.800 đồng/kg lên 10.500 đồng/kg; khô đậu nhập khẩu tăng từ 12.400 đồng/kg lên 17.900 đồng/kg. Thời điểm hiện tại, ngô nhập khẩu có giá 8.900 đồng/kg; khô đậu nhập khẩu có giá 15.800 đồng/kg. Mức giá này hiện vẫn đang cao hơn 30% so với đầu năm 2022.

Do ảnh hưởng của việc tăng giá nên năm 2022, Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Thiên Lộc không hoàn thành kế hoạch đề ra. Theo đó, sản lượng năm 2022 của công ty đạt hơn 12.500 tấn, đạt 93% kế hoạch. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, công ty vẫn nỗ lực giữ vững thị trường, giữ chân khách hàng, không để việc tăng giá nguyên liệu làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm để từ đó tạo việc làm cho người lao động.

Giá thức ăn chăn nuôi “neo cao”, người dân, doanh nghiệp đều lỗ

Giá thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ còn “neo cao” đến quý III/2023.

Theo đánh giá của nhà sản xuất, tình trạng giá thức ăn chăn nuôi “neo cao” sẽ còn kéo dài đến quý III/2023. Giá thức ăn chăn nuôi đi xuống hay không còn phụ thuộc vào cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu.

Để ứng phó với “bão giá” của thức ăn công nghiệp, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân Hà Tĩnh nên sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên để giảm chi phí sản xuất.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Ngư dân Hà Tĩnh tất bật mưu sinh dịp cuối năm

Ngư dân Hà Tĩnh tất bật mưu sinh dịp cuối năm

Trong cái giá lạnh của những ngày cuối năm, ngư dân Hà Tĩnh vẫn nỗ lực vươn khơi với hy vọng mang về nhiều lộc biển để trang trải cuộc sống, đón một cái Tết ấm no bên gia đình.
Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.