Lan tỏa phong trào hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới ở Nghi Xuân

(Baohatinh.vn) - Khi cán bộ tuyên truyền, Nhân dân đồng thuận, phong trào hiến đất mở đường đã thực sự lan tỏa trong xây dựng nông thôn mới (NTM) tại huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) với mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng khang trang, người dân thuận tiện sinh hoạt.

Lan tỏa phong trào hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới ở Nghi Xuân

Đầu năm 2022 tới nay, người dân huyện Nghi Xuân đã hiến hơn 3.700m2 đất, trị giá khoảng 13 tỷ đồng để mở rộng đường giao thông.

Hưởng ứng phong trào mở rộng đường giao thông nông thôn, gia đình ông Trần Văn Long (SN 1958, thôn Thịnh Mỹ, xã Xuân Mỹ) đã tự nguyện phá bỏ 170m tường rào, hiến đất 2 lần với tổng diện tích 500m2 để mở rộng lòng đường.

Ông Long chia sẻ: “Con đường đi qua nhà tôi ngày trước chỉ rộng hơn 3m, xe cộ đi lại tránh nhau khó khăn. Khi được cán bộ thôn và xã tuyên truyền về những lợi ích xây dựng NTM, đầu năm 2021, tôi đã tự nguyện cắt một phần đất của gia đình để mở đường. Đến đầu năm 2022, tôi tiếp tục hiến thêm một phần đất nữa để làm lề đường. Giờ đây, con đường được làm mới, đổ bê tông rộng gần 7m, ô tô tránh nhau thoải mái, cảnh quan xanh - sạch - đẹp nên người dân ai cũng phấn khởi”.

Lan tỏa phong trào hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới ở Nghi Xuân

Lãnh đạo huyện Nghi Xuân biểu dương gia đình ông Trần Văn Long đã tích cực trong phong trào hiến đất.

Tại thôn 3 xã Xuân Lĩnh, nhờ các hộ dân đồng loạt ủng hộ hiến đất, những ngày này, không khí mở đường xây dựng NTM đang diễn ra sôi nổi.

Để tuyến đường trục thôn dài 600m đảm bảo đủ chiều rộng từ 3,5 - 5m, vừa qua, 20 hộ dân sinh sống dọc 2 bên đường đã tình nguyện hiến gần 800m2 đất trị giá gần 3 tỷ đồng. Trong đó, hộ hiến ít nhất 40m2, hộ nhiều nhất là 120m2.

Ông Võ Xuân Trường (thôn 3, xã Xuân Lĩnh) bày tỏ: “Hiện nay, thôn đang tập trung xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Để hiện thực hóa được mục tiêu này thì chúng tôi hiểu cần phải Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Vì vậy, khi thôn, xã vận động đến đâu, chúng tôi ủng hộ đến đó. Gia đình tôi đã tự nguyện hiến 120m2 đất, phá tường rào cùng với bà con mở đường”.

Lan tỏa phong trào hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới ở Nghi Xuân

20 hộ dân sinh sống dọc 2 bên đường tại thôn 3, xã Xuân Lĩnh đã tình nguyện hiến gần 800 m2 đất trị giá gần 3 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND xã Xuân Lĩnh Hà Văn Bình cho hay: “Chúng tôi rất vui mừng khi được bà con Nhân dân đồng thuận trong các hoạt động xây dựng NTM. Nếu không có sự chung tay của người dân thì việc xây dựng NTM, làm đường cực kỳ khó khăn. Trong quá trình mở rộng tuyến đường, các lực lượng chức năng và người dân đã phải giải phóng, phá dỡ 550m tường rào, 6 cổng nhà, cắt 5 cây xanh cổ thụ, di dời 7 cột điện với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng. UBND xã cũng đã trích ngân sách hơn 1 tỷ đồng để hỗ trợ các gia đình tự nguyện hiến đất làm lại những công trình đã phá dỡ trước đó và thi công toàn bộ tuyến đường”.

Đất đai là tài sản giá trị lớn, rõ ràng hiến đất là quyết định không hề dễ dàng khi cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, hơn thế nữa, việc cắt đi một phần đất đai cha ông để lại cũng là điều trăn trở của không ít người. Thế nhưng, ý thức được hiến đất làm đường xây dựng NTM là xây dựng cho cộng đồng và cho chính bản thân gia đình nên nhiều người dân Nghi Xuân đã sẵn sàng chặt cây, nhường đất, phá bỏ công trình để làm đường giao thông.

Lan tỏa phong trào hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới ở Nghi Xuân

Nhờ được người dân hiến đất, nhiều con đường trên địa bàn huyện được mở rộng, khang trang hơn.

Được biết, từ đầu năm 2022 đến nay, người dân huyện Nghi Xuân đã hiến hơn 3.700m2 đất, trị giá khoảng 13 tỷ đồng. Nhờ đó, các tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm đã được mở rộng, trồng cây xanh thoáng mát, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đi lại của người dân.

Trong năm 2021, Nhân dân các địa phương trên địa bàn huyện cũng đã hiến hơn 9.500m2 đất để mở rộng các tuyến đường giao thông. Trong đó, nhiều địa phương có diện tích hiến đất lớn như xã Xuân Thành 4.500m2, Đan Trường 2.100m2, Xuân Hội 1.350m2….

Hiện nay, huyện Nghi Xuân đang tập trung nâng cao các tiêu chí để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2024. Trong năm 2022, các xã Xuân Viên, Xuân Phổ đang phấn đấu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; xã Xuân Hồng, Xuân Yên, Xuân Hải, Xuân Mỹ phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Vì vậy, việc người dân hiến đất mở đường đã góp phần thực hiện tiêu chí giao thông và đưa huyện đến gần hơn với mục tiêu NTM kiểu mẫu.

Lan tỏa phong trào hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới ở Nghi Xuân

Cụ bà Trần Thị Xoan (xã Đan Trường) 2 lần hiến đất để mở rộng đường.

Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM huyện Nghi Xuân Lê Thanh Bình cho biết: “Dẫu tấc đất, tấc vàng, nhưng các gia đình đã tự nguyện hiến đất khi xã hội cần để làm đường giao thông, đó là điều rất đáng quý. Sự đóng góp của người dân đã góp phần quan trọng giúp các địa phương mở rộng được nhiều tuyến đường giao thông trở nên rộng rãi, khang trang. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, ý Đảng hợp lòng dân, tin rằng phong trào hiến đất mở đường sẽ tiếp tục được lan tỏa trong mỗi người dân, góp phần đưa Nghi Xuân có kết cấu hạ tầng giao thông phát triển, tiến tới xây dựng đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2024”.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.