Thêm sắc thắm ngày xuân...

(Baohatinh.vn) - Giữa màu nắng hanh hao những ngày cuối năm, vườn đào, cúc, mai... đang “trở mình” khoe sắc, mang theo niềm hy vọng, đợi chờ của những người nông dân Hà Tĩnh về một mùa hoa xuân thắng lợi sau bao tháng ngày cần mẫn trên ruộng vườn.

Chuyện người trồng hoa bên bờ sông Nghèn

Đã gần 5 năm nay, cứ vào tháng cận tết Nguyên đán, khu vườn bên dòng sông Nghèn của ông Võ Văn Ràn (thôn Tây Hương, xã Tùng Lộc, Can Lộc) lại thêm mướt xanh những luống hoa cúc bước vào kỳ hé nụ. Dù mới bén duyên với nghề trồng hoa phục vụ tết nhưng đối với ông Ràn, công việc này là niềm say mê được ông dồn hết cả tâm huyết.

Thêm sắc thắm ngày xuân...

Vườn hoa cúc trong nhà màng bên bờ sông Nghèn của ông Võ Văn Ràn ở thôn Tây Hương (Tùng Lộc, Can Lộc).

Ông Ràn cho biết: “Dù yêu thích việc trồng hoa từ rất lâu nhưng trước đây tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm được. Thế rồi như một cơ duyên, sông Nghèn được ngọt hóa, đất đai mảnh vườn ven sông của gia đình ngày thêm màu mỡ. Cô con gái của tôi tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Đại học Huế ra trường, lại có thời gian làm việc ở các nhà vườn Đà Lạt trở về, biết mong muốn của bố, đã bàn tôi xây dựng mô hình”.

Với hướng dẫn của con gái và sự chịu khó tìm tòi học hỏi, đầu năm 2020, ông Ràn đầu tư xây dựng nhà màng trên mảnh vườn của mình với diện tích 500 m2. Vụ hoa đầu tiên dù chưa như mong đợi nhưng đã mở ra cho ông một triển vọng về công việc yêu thích. Kiên trì học hỏi từ sách vở lẫn kinh nghiệm thực tế, vụ hoa thứ 2 vào tết năm 2021 đã mang lại cho gia đình ông thắng lợi lớn. Vườn hoa không chỉ có tỷ lệ phát triển cao mà còn có bông to, dày, màu sắc đẹp... Vụ hoa tết Nguyên đán năm 2022 và 2023, ông mở rộng diện tích nhà màng lên 1.000 m2”.

Thêm sắc thắm ngày xuân...

Ông Võ Văn Ràn bọc lưới nụ cúc đại đóa phục vụ dịp tết Nguyên đán 2024

Ông Ràn kể: “Nghề trồng hoa nhìn tưởng nhàn nhưng thật ra rất bận rộn. Để chăm được cây phát triển, nở hoa như dự kiến là một kỳ công, đòi hỏi quá trình chăm sóc người trồng gần như dành hết tâm sức cho vườn. Bên cạnh kiến thức sách vở thì kinh nghiệm rất quan trọng. Với tôi, từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch đều chú ý từng biến chuyển của cây, hễ thấy cây có sâu bệnh, có biểu hiện bất thường, tôi đều ghi chép, tra cứu, tham khảo con gái cùng các chuyên gia... Nhờ đó, tôi biết được cách để kịp thời điều chỉnh, chăm sóc hoa phát triển đạt yêu cầu”.

Dù vụ hoa năm 2023 này, 2 lần trồng dịp đầu tháng 10 đều gặp mưa lụt, nhiều luống bị sâu bệnh... nhưng ông Ràn đã sớm khắc phục thành công. Thời điểm này, hơn 1.500 m2 vườn (bao gồm 1.000 m2 diện tích nhà màng và 500 m2 ở bên ngoài) với hơn 50.000 cây hoa cúc các loại như: đại đóa, kim cương... phát triển xanh tốt đang hé nụ chờ ngày xuất bán. Biết tin ông Ràn trồng hoa đẹp, nhiều nhà vườn trong tỉnh đã đến học hỏi kinh nghiệm. Ông không những chia sẻ mà còn tận tình đến với mọi người thăm vườn, chỉ rõ cho họ những lỗi về cách chăm sóc...

“Nghề trồng hoa mang lại cho gia đình tôi thu nhập mỗi vụ khoảng 140 triệu đồng, trừ chi phí còn 100 triệu đồng. Tuy nhiên niềm vui tinh thần rất ý nghĩa với tôi, đó là bản thân phát huy được niềm đam mê, học hỏi và sáng tạo trên ruộng vườn. Đặc biệt, mỗi dịp tết đến xuân về, thành quả của mình mang sắc xuân đến với mọi nhà là điều khiến tôi rất hạnh phúc” - ông Ràn chia sẻ.

Thêm sắc thắm ngày xuân...

Nông dân xã Hồng Lộc (Lộc Hà) chăm hoa phục vụ tết

Nghề trồng các loại hoa như cúc, ly... phục vụ tết ở Hà Tĩnh phát triển chưa lâu nhưng đã nhanh chóng được nhân rộng ở nhiều địa phương. Hiện nay ở Thạch Hà có làng hoa Xuân Sơn (Lưu Vĩnh Sơn); TP Hà Tĩnh có phường Thạch Quý; Lộc Hà có các hộ dân ở xã Hồng Lộc; các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ... cũng có một số hộ chuyên trồng. Bên cạnh mang lại lợi ích kinh tế, nghề trồng hoa phát triển cho thấy đời sống tinh thần của người dân ngày một nâng cao.

“Nhật ký” làng đào phai ở thôn Bàu Am

Thôn Bàu Am (xã Lưu Vĩnh Sơn) được xem là một trong những làng trồng đào phai phục vụ tết Nguyên đán hình thành sớm nhất ở Hà Tĩnh. Hiện, toàn thôn có trên 200 hộ chuyên trồng đào với hàng ngàn gốc xuất bán mỗi năm. Nghề trồng đào đã mang lại cho người dân nơi đây thu nhập khá, giúp kinh tế ổn định nhưng ít ai biết được nguồn gốc ra đời của cây đào phai ở vùng đất này.

Thêm sắc thắm ngày xuân...

Người dân thôn Bàu Am (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) tuốt lá đào, chờ bung nụ.

Bén duyên với nghề trồng đào phai phục vụ tết đến nay đã được 20 năm, với ông Võ Văn Trung (55 tuổi, thôn Bàu Am), mỗi mùa hoa đều lưu dấu vào ký ức như những trang nhật ký. Ông Trung kể: “Thời điểm những năm 2000, gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên trồng đào tết ở thôn Bàu Am. Lúc đó, từ cây đào bố tôi trồng lâu năm trong vườn hằng năm đều nở hoa rất đẹp, sau đó thì đậu quả rất nhiều, tôi đã nghĩ: đất đai, khí hậu quê mình phù hợp với cây đào mà mình chưa biết biến nó thành cây có giá trị kinh tế như nhiều nơi khác. Vậy là tôi bắt tay vào việc tự học hỏi, ươm giống rồi trồng. Sau 2 năm chăm sóc, vụ tết đầu tiên đưa lại nhiều kết quả, tôi bắt đầu nhân rộng mô hình. Sau đó, cây đào phai bắt đầu được nhiều hộ dân khác phát triển”.

Thêm sắc thắm ngày xuân...

Ông Võ Văn Trung - một trong những người trồng đào tết đầu tiên ở thôn Bàu Am năm nay sẽ đưa 100 gốc đào phục vụ thị trường.

Kể từ đó, mỗi mùa xuân về, đào phai Bàu Am (Thạch Vĩnh) nay là Lưu Vĩnh Sơn lại khoe sắc làm đẹp cho mỗi gia đình, cơ quan trong ngày tết Nguyên đán. Dịp tết này, trong hàng nghìn gốc đào của hơn 200 hộ dân Bàu Am bán ra thị trường có 100 gốc đào gia đình ông Võ Văn Trung.

Ông Trung ước tính, 100 gốc đào dự kiến xuất bán sẽ mang về thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Điều đặc biệt, dù đến nay đã hơn 20 năm gắn bó với nghề nhưng các lứa đào đều được ông Trung lấy hạt giống từ cây đào “cổ thụ” mà bố ông để lại. Đó là cây đào có tuổi đời khoảng 60 năm.

“Cây đào ấy dù bị mối mọt trong thân nhưng vẫn còn xanh tốt, cho hoa, quả đều đặn mỗi năm. Đào giống ươm từ nó vẫn cho kết quả vượt trội, vì vậy, anh em tôi cũng như nhiều bà con vẫn chăm sóc, thu hoạch quả từ cây đào bố tôi để lại, dùng ươm giống hằng năm. Mỗi mùa xuân về, khi làng tràn ngập sắc hoa, tôi lại nhớ đến những mùa đào đầu tiên được mình và người dân ươm trồng” - ông Võ Văn Trung bày tỏ.

Lan hồ điệp bén duyên vùng đất khó

Dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn này, cùng với chờ đợi những loài hoa truyền thống, người dân Hà Tĩnh còn háo hức với hoa lan hồ điệp. Bởi, đây là năm đầu tiên có một cơ sở trồng loài hoa này với số lượng lớn xuất bán ra thị trường. Đó là mô hình trồng lan trong nhà màng của anh Phạm Văn Huy (xã Thạch Khê, Thạch Hà). Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao có diện tích 2.500 m2, được đầu tư 7,5 tỷ đồng với nhiều hệ thống phục vụ việc trồng lan hiện đại như: nhà màng có 5 lớp, hệ thống điều hòa công nghiệp phục vụ hoa nở tại chỗ... Sau thời gian đưa vào vận hành, dịp tết năm nay, mô hình sẽ xuất bán 60 vạn gốc lan hồ điệp ra thị trường, ước tính doanh thu đạt 8 tỷ đồng.

Thêm sắc thắm ngày xuân...

Người dân tham quan vườn lan hồ điệp trong nhà màng của anh Phạm Văn Huy tại xã Thạch Khê (Thạch Hà).

Anh Phạm Văn Huy - chủ mô hình cho biết: “Tôi sinh ra ở một làng quê Thái Bình nhưng từ năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, tôi đã vào Hà Tĩnh lập nghiệp. Vốn yêu thích nghề trồng lan nên cùng với kiến thức sách vở, tôi tự mày mò tham khảo kinh nghiệm từ nhiều nhà vườn và quyết định thành lập mô hình từ đầu năm 2023. Mang cây lan về với nơi có khí hậu khắc nghiệt như Hà Tĩnh là một sự mạo hiểm nhưng đến lúc này, tôi có thể khẳng định hướng đi của mình là đúng. Tôi cảm thấy phấn khởi khi sau nhiều nỗ lực chăm sóc thì những cây hoa tôi trồng sẽ góp thêm sắc xuân cho mỗi gia đình”.

Thêm sắc thắm ngày xuân...

Anh Phạm Văn Huy (bên trái) dẫn khách xem lan hồ điệp trong mô hình trồng lan của gia đình.

Cùng với kinh tế ngày càng đi lên, đời sống tinh thần của người dân Hà Tĩnh không ngừng được nâng cao. Dịp tết đến xuân về, mỗi gia đình đều chộn rộn sắm sửa những cành đào, cây mai, chậu cúc, dò lan... để mang tết đến nhà mình. Và cùng với niềm háo hức đó, những người trồng hoa lại phấn khởi, nỗ lực hơn trong chăm bón để mùa hoa xuân thêm phần tươi thắm...

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.