“Núi Nài đó hiên ngang, trận đầu ta thắng Mỹ”

(Baohatinh.vn) - Không có di tích, không có những cuộc trở về chiến trường xưa như những địa danh khác nhưng mỗi dịp tháng 4 lịch sử của dân tộc, nhiều người lại bâng khuâng nhớ về núi Nài, nhớ trận đầu thắng Mỹ và những con người đã làm nên chiến công hiển hách trên mảnh đất thị xã Hà Tĩnh năm xưa...

Địa phương nào ở Hà Tĩnh cũng có ít nhất một ngọn núi tiêu biểu cho vùng đất của mình. Không kỳ vỹ, không sừng sững, uy nghi như nhiều ngọn núi nổi tiếng khác, núi Nài hay còn gọi là Cảm Sơn (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) chỉ là một ngọn núi nhỏ mang dáng vóc của một hòn non bộ giữa phố thị Thành Sen nhưng lại ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Mỗi thời kỳ, con người lại khắc tạc vào nó những giá trị mới.

“Núi Nài đó hiên ngang, trận đầu ta thắng Mỹ”

Núi Nài nằm lặng lẽ trong lòng thành phố Hà Tĩnh. Ảnh Đình Nhất

Từ hàng chục năm trước, tôi đã biết đến địa danh núi Nài qua những câu chuyện về cụ Nguyễn Công Trứ. Lúc bấy giờ, núi Nài trong nhận biết của tôi chỉ là nơi có khung cảnh hữu tình, có ngôi chùa Cảm Sơn - nơi cụ Nguyễn Công Trứ thường lưu lại mỗi lần ra Bắc vào Nam khi còn làm quan và là nơi cụ chọn để dung dưỡng tinh thần sau khi nghỉ hưu.

Về sau, khi có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về ngọn núi này, tôi mới biết đây còn là nơi cư trú của người tiền sử, là đồn binh trong các trận chiến lịch sử. Đặc biệt, ngày 26/3/1965, núi Nài được bồi đắp thêm những vỉa tầng giá trị mới khi tại đây, quân dân Hà Tĩnh đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 9 máy bay Mỹ, làm nên chiến thắng đầu tiên có ý nghĩa về chính trị, quân sự đối với quân dân Hà Tĩnh cũng như cả nước trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Ngày nay, khi nhắc đến núi Nài, nhiều người vẫn băn khoăn vì sao tại đây lại không có bất kỳ một công trình nào nhắc nhớ về những năm tháng chống Mỹ hào hùng, xa hơn nữa là không có bất kỳ một dấu tích nào về sự gắn bó của cụ Nguyễn Công Trứ. Thế nhưng, như cách nói của nhà nghiên cứu Võ Hồng Huy (1925-2016): “Cả núi và sông đã được thiên nhiên cấu trúc, tôn tạo thành một “bảo tàng” lộ thiên, khách tham quan không cần gõ cửa”, thì núi Nài chính là một “bảo tàng” tự nhiên, mỗi người sẽ tự có những cách cảm, cách thẩm thấu riêng của mình. Với nhiều người dân phường Đại Nài nói riêng, Thành Sen nói chung, kể từ sau sự kiện 26/3/1965 đến nay, núi Nài được mặc định là nơi ghi dấu trận đầu thắng Mỹ.

“Núi Nài đó hiên ngang, trận đầu ta thắng Mỹ”

Trận địa dưới chân núi Nài. Ảnh tư liệu

Mỗi dịp tháng 4 lịch sử của dân tộc trở về, lòng người lại xôn xao nhớ và âm thầm đọc lên những câu thơ đầy tự hào của nhà thơ Duy Thảo: “Quê hương ơi! Chiều hôm nay náo nức/ Đài truyền đi tin chiến thắng vang lừng/ Hà Tĩnh quê ta trận đầu diệt Mỹ/ Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng”.

Tôi đã mang theo những câu thơ ấy khi đến thăm bà Lê Thị Yên - nguyên Tiểu đội trưởng 10 nữ dân quân núi Nài, người đã góp phần vào trận đầu thắng Mỹ năm 1965 ấy. Bà Lê Thị Yên năm nay gần 90 tuổi, sức khỏe và việc đi lại đã bị hạn chế nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Bà kể, khi giặc Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc thì bà tham gia lực lượng dân quân. Lúc đó, ở xã Thạch Hòa (phường Đại Nài ngày nay) có 2 trung đội dân quân, bà thuộc Trung đội Dân quân tự vệ Hòa Hợp. Về sau kiện toàn lại thì bà là Tiểu đội trưởng 10 nữ dân quân núi Nài.

Thời điểm bà Yên tham gia lực lượng dân quân là lúc giặc Mỹ mở chiến dịch trở lại oanh tạc miền Bắc, tập trung phá hoại hệ thống ra-đa, thần kinh điện tử đầu não của ta ở miền Bắc. Và hệ thống ra-đa khu vực miền Trung cũng là một trong những mục tiêu bắn phá của chúng.

Lúc bấy giờ, Quân chủng Phòng không - Không quân bố trí 1 trạm ra-đa tại núi Nài. Đây là trạm ra-đa có tính chất rất quan trọng trong việc bảo vệ thị xã Hà Tĩnh cũng như bảo đảm huyết mạch giao thông của hậu phương ra tiền tuyến. Đó chính là lý do núi Nài trở thành mục tiêu đánh phá của địch.

“Núi Nài đó hiên ngang, trận đầu ta thắng Mỹ”

Bà Lê Thị Yên (bên phải) kể chuyện về trận núi Nài năm 1968.

“Năm ấy, khi Mỹ huy động hàng chục máy bay tấn công các trạm ra-đa ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình thì ta đã xây dựng phương án tác chiến đánh máy bay địch, bảo vệ trạm ra-đa ở núi Nài. Tôi nhớ, công tác chuẩn bị chiến đấu diễn ra rất khẩn trương, lực lượng dân quân của chúng tôi cũng tham gia. Chỗ tháp nước bây giờ chính là trạm ra-đa năm xưa.

Để bảo vệ hệ thống ra-đa này, phương án di chuyển trạm về xã Thạch Quý được triển khai, song song với đó là việc khẩn trương xây dựng trạm ra-đa giả bằng gỗ tại núi Nài nhằm đánh lừa địch. Từ đêm 24/3 đến 12h trưa 25/3, Bộ CHQS tỉnh, lực lượng dân quân tự vệ và công nhân xí nghiệp gỗ, thợ mộc Thái Yên đã tích cực chế tác và hoàn tất trạm ra-đa giả. Lúc này, Nhân dân tại các khu vực trọng điểm của thị xã được sơ tán đến nơi an toàn, xã Thạch Hòa chỉ còn lại các lực lượng chiến đấu” - bà Yên nhớ lại.

“Núi Nài đó hiên ngang, trận đầu ta thắng Mỹ”

Chùa Cảm Sơn tọa lạc trên núi Nài là nơi thanh tịnh để người dân trong vùng lễ Phật, cầu nguyện cho quốc thái dân an. Ảnh Đình Nhất

Đúng như dự đoán, trạm ra-đa giả tại núi Nài đã thu hút quân địch. Đế quốc Mỹ đã huy động 26 máy bay, chia thành nhiều tốp nhỏ bắn phá xối xả vào núi Nài và khu vực xung quanh. Ngày 26/3/1965, cả thị xã Hà Tĩnh rung chuyển trong tiếng bom rền, đạn réo. Nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ta, sự chiến đấu dũng cảm của các lực lượng, 9 máy bay địch đã bị bắn hạ. Mỹ thất bại thảm hại buộc phải rút quân. Bây giờ, khi trở lại núi Nài, tôi chỉ có thể xác định được vị trí trạm ra-đa chứ không còn mường tượng được hệ thống giao thông hào, chiến lũy năm xưa nữa. Ở những nơi đó, cây đã lên xanh, bình lặng trong tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh của sư sãi và phật tử; không còn có thể cảm nhận được sự khốc liệt như lời kể của bà Yên hay sự mô tả trong những trang sử hào hùng của mảnh đất Thành Sen nữa.

Đi cùng tôi đến núi Nài hôm ấy còn có anh Phan Văn Vũ - công chức văn hóa phường Đại Nài. Vũ thuộc thế hệ 9X, rất am hiểu về lịch sử địa phương. Vũ cho biết: “Mặc dù tại đây chưa có công trình nào nhắc nhớ lại trận đầu thắng Mỹ của quân và dân Hà Tĩnh nhưng những câu chuyện chiến đấu anh dũng của thế hệ cha ông vẫn được truyền lại cho nhau.

Vào những dịp lễ, tết, chúng tôi thường đến thăm các cựu chiến binh, thăm những nữ dân quân trong Tiểu đội 10 cô gái dân quân Núi Nài năm xưa để nghe về những câu chuyện chiến đấu. Trong các cuộc sinh hoạt của tuổi trẻ, chiến công ấy vẫn luôn được thế hệ trẻ nhắc đến với lòng tự hào sâu sắc. Tuổi trẻ Đại Nài cũng lấy chiến công đó làm động lực để cống hiến, xây dựng quê hương”.

“Núi Nài đó hiên ngang, trận đầu ta thắng Mỹ”

Toàn cảnh vùng sông Phủ - núi Nài, nơi đang có các dự án phát triển kinh tế, du lịch phía Đông thành phố Hà Tĩnh. Ảnh Đình Nhất

Chiến tranh và những vết thương chiến tranh đã qua đi trong sự bao dung của con người. Trên ngọn Cảm Sơn, mỗi mạch đất, mỗi mầm cây lại âm thầm vun xanh cho dáng núi. Những thế hệ công dân nơi đây đều có ý thức gìn giữ và phát huy những vỉa tầng văn hóa trầm tích trong bóng núi, để hôm nay, trong nhịp sống mới, cư dân nơi đây biết hài hòa những lợi ích cá nhân và lợi ích chung, cùng nhau khai thác các tiềm năng, lợi thế bằng những dự án phát triển kinh tế, xây dựng diện mạo mới cho vùng đất phía Đông thành phố.

Chủ đề CHIẾN THẮNG 30/4 VÀ QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.
Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Tuổi cao nêu gương sáng

Tuổi cao nêu gương sáng

Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng.
Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.