>> “Ma trận” nước uống đóng chai trên địa bàn Hà Tĩnh
“Lỏng” trong quản lý
Muốn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giấy tiếp nhận công bố hợp quy, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) phải gửi mẫu nước tới các trung tâm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… để kiểm tra và có khi phải mất hàng tháng trời mới cho kết quả. Trong lúc chờ kết quả, không ít cơ sở lấy lý do sản xuất thử nhưng do thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng nên sản phẩm chưa kiểm nghiệm vẫn được “tuồn” ra thị trường.
Cơ sở Thảo Dung (xã Kỳ Tiến - Kỳ Anh) là ví dụ điển hình khi ngang nhiên hoạt động trong quá trình “đang chờ hoàn thiện hồ sơ pháp lý về ATVSTP” để được cấp phép. Một cán bộ Phòng Thanh tra, Chi cục ATVSTP cho biết thêm, không chỉ cơ sở Thảo Dung, mà còn rất nhiều cơ sở cũng có hành vi tương tự.
Nước tinh khiết Thành Sen được sản xuất, đóng gói theo quy trình công nghệ tiên tiến...
Theo quy định, tổ chức, cá nhân chỉ được SXKD nước đóng chai khi đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, nhưng không phải cơ sở nào cũng có đủ thủ tục này. Thậm chí, có cơ sở không được cấp phép vẫn “ăn nên làm ra” mà không bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.
Thêm vào đó, vấn đề kiểm tra sau cấp phép, kiểm tra sau vi phạm chưa bao quát dẫn đến nhiều vi phạm. Theo Bộ Y tế, với những cơ sở sản xuất không có phòng xét nghiệm thì cơ quan quản lý phải đến kiểm tra ít nhất 6 tháng 1 lần và cơ sở đó phải tự lấy mẫu kiểm tra chất lượng định kỳ. Thế nhưng, tại Hà Tĩnh, việc lấy mẫu kiểm tra ở các cơ sở sản xuất chưa được quan tâm thực hiện.
Với việc buông lỏng công tác hậu kiểm như hiện nay, người tiêu dùng sử dụng sản phẩm nước đóng bình trong tình trạng “may nhờ rủi chịu” vì còn tùy vào cái... máy lọc nước chạy tốt hay không - một khách hàng ở phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) nêu quan điểm!
Trở lại với 3 vụ vi phạm vừa được Chi cục ATVSTP phát hiện, mỗi cơ sở chỉ bị phạt từ 3-4 triệu đồng. Theo Phòng Thanh tra - Chi cục ATVSTP thì không phải vi phạm nào cũng bị tước giấy phép kinh doanh. Với việc xử phạt hành chính nhẹ như hiện nay, liệu có đủ sức răn đe để các cơ sở khắc phục vi phạm, thực hiện SXKD đảm bảo ATVSTP?
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Hùng - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: “Lực lượng mỏng, trong khi số cơ sở SXKD nước đóng chai trên địa bàn tương đối nhiều nhưng chủ yếu quy mô nhỏ (hộ gia đình) nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý, nhất là công tác hậu kiểm sau cấp phép. Bên cạnh đó, một số điều kiện kiểm soát chất lượng, cơ sở - năng lực kiểm nghiệm sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu cũng ảnh hưởng phần nào. Đó là chưa kể trường hợp những cơ sở không hợp tác trong quá trình hậu kiểm…”.
Bảo vệ doanh nghiệp chính thống
Hà Tĩnh hiện có 50 cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng chai được cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy. Tuy nhiên, trên thực tế, số cơ sở SXKD mặt hàng này còn lớn hơn, đồng nghĩa nhiều cơ sở đang hành nghề “chui”. Rõ ràng, nước tinh khiết đóng chai không đảm bảo ATVSTP không chỉ tác động đến sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược SXKD của các doanh nghiệp chính thống.
Nhiều cơ sở nước đóng chai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật. Trong khi không ít cơ sở sản xuất “chui” ở TP Hà Tĩnh vẫn ngang nhiên hoạt động thu lợi bất chính
Ông Trần Quốc Việt - Giám đốc Công ty TNHH Việt Thái (TP Hà Tĩnh) bức xúc: “Tham gia SXKD nước tinh khiết đóng chai, chúng tôi thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật, kể cả việc đóng thuế cho Nhà nước. Trong khi không ít cơ sở sản xuất “chui” ở TP Hà Tĩnh vẫn ngang nhiên hoạt động thu lợi bất chính. Điều này là thiếu công bằng trong môi trường SXKD hiện nay”.
Chung quan điểm, ông Lê Viết Cường - Phó Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh cho hay: “Là doanh nghiệp nhà nước, chúng tôi luôn lấy uy tín sản phẩm làm thước đo. Nước tinh khiết Thành Sen được sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, với nguồn đầu tư trên 5 tỷ đồng. Từ nguồn nước sạch của công ty chứa sẵn trong bể 5.000 m3 sẽ chuyển qua hệ thống cấp nước về nhà máy sản xuất.
Nước được xử lý qua hệ thống thiết bị lọc cặn ACF, thiết bị lọc thanh hoạt tính ACF, thiết bị làm mềm nước CWF, hệ thống lọc tinh, hệ thống lọc tạo vị ngọt, hệ thống tiệt trùng bằng ozon và tia cực tím, qua hệ thống đường ống khép kín chuyển về dây chuyền để chiết rót ra sản phẩm. Sản phẩm được công ty bán ra với mức giá phù hợp, trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất nước đóng chai kém chất lượng lại phá giá với mức thấp hơn nên những doanh nghiệp kinh doanh chính thống như chúng tôi chịu không ít thiệt thòi”.
Để xây dựng thị trường lành mạnh, khuyến khích và tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp chính thống, rất cần những giải pháp mạnh mẽ hơn. Phó Giám đốc Công ty CP Cấp nước Hà Tĩnh mong muốn: “Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn để phát hiện, xử lý triệt để những cơ sở sản xuất “chui” hoặc kém chất lượng nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp chân chính”.
Trước sự bát nháo của thị trường, người tiêu dùng cũng cần nâng cao nhận thức, tẩy chay sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Thạc sĩ - bác sỹ Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo: “Người tiêu dùng nên trang bị những hiểu biết nhất định về nước tinh khiết đóng chai và lựa chọn, sử dụng sản phẩm uy tín, chất lượng. Nếu nghi ngờ nước đóng chai không đảm bảo, người tiêu dùng có thể yêu cầu đơn vị cung cấp sản phẩm xuất trình các giấy tờ chứng minh nguồn gốc như: bản công bố sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, giấy xét nghiệm nước định kỳ. Khi phát hiện sản phẩm kém chất lượng hoặc cơ sở sản xuất không được cấp phép vẫn hoạt động thì báo cho cơ quan chức năng để được kiểm tra, xử lý kịp thời”.
Sở Y tế cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền cho đối tượng SXKD thực hiện đầy đủ các quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước tinh khiết đóng chai; tăng cường thanh kiểm tra, kiên quyết không để cơ sở không đạt yêu cầu, điều kiện an toàn thực phẩm hoạt động; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, cần xây dựng kế hoạch, chủ động giám sát, lấy mẫu để xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn theo quy định nhằm phát hiện sớm tình trạng sản phẩm vi phạm và cung cấp thông tin, cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.