Quỹ đất lớn, nguồn lao động dồi dào, sản xuất liên kết với doanh nghiệp đầu ra ổn định, cây chè hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển bền vững, giúp người dân làm giàu trên vùng đất khó.
Cây chè đã có mặt ở huyện Kỳ Anh từ năm 1976 gắn với sự ra đời của Nông trường 12/9 Hà Tĩnh. Những năm sau đó, sản phẩm chè chủ yếu cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng tại chỗ nên quy mô chậm được mở rộng và giá trị kinh tế cũng chưa cao. Cho đến năm 1997, Nông trường 12/9 đổi tên thành Xí nghiệp Chè 12/9 và trực thuộc Công ty CP Chè Hà Tĩnh, phong trào phát triển cây chè nguyên liệu ở các xã vùng thượng Kỳ Anh bắt đầu có bước phát triển mới. Diện tích chè không ngừng được mở rộng theo từng năm. Từ dăm bảy ha trên địa bàn xã Kỳ Trung, chè đã phủ xanh nhiều diện tích đồi rừng của xã Kỳ Thượng rồi mở rộng sang Kỳ Sơn, Kỳ Lạc, Kỳ Tây và sắp tới là Lâm Hợp. Đến nay, cây chè đã được trồng trên 400 ha của các xã vùng thượng.
Cùng với mở rộng quy mô, người trồng chè Kỳ Anh cũng không ngừng đổi mới phương thức sản xuất; sản phẩm chè vùng thượng được nâng cao về chất lượng với đầu ra ổn định và vươn tới thị trường xuất khẩu. Nhiều hộ, nhiều cá nhân ở đây đã trở thành những điển hình về làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hường ở thôn Đất Đỏ, xã Kỳ Trung là một trong những hộ có diện tích trồng chè lớn nhất xã.
Thời điểm này, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hường (thôn Đất Đỏ, xã Kỳ Trung) là một trong những hộ có diện tích trồng chè lớn nhất xã. Chị Hường cho biết, sau khi lập gia đình, được thừa hưởng diện tích trồng chè của bố mẹ chồng, cộng với mở rộng diện tích sau này, vợ chồng chị đang sở hữu hơn 1,3 ha chè. Hiện nay, ngoài 3 sào trồng mới, 1 ha còn lại đang cho thu hoạch thường xuyên với năng suất trung bình mỗi năm khoảng 20 tấn, thu trên 150 triệu đồng. Với nguồn thu nhập này, ngoài khoản kinh phí dành ra để tái đầu tư sản xuất, gia đình chị còn tích góp để trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học. “Ở vùng đất này, về hiệu quả kinh tế thì tôi chắc rằng không có loại cây nào có thể vượt qua cây chè. Nếu như trước đây chè là cây xóa đói giảm nghèo, thì nay có thể làm giàu và làm giàu bền vững” - chị Hường khẳng định.
Anh Phan Đình Lâm (áo xanh) ở thôn Trung Sơn có 10 sào chè nguyên liệu liên kết với Xí nghiệp Chè 12/9 và trên 10 sào chè xanh bán ra thị trường có thu nhập quanh năm.
Cũng ở xã Kỳ Trung, nhiều người biết đến anh Phan Đình Lâm (thôn Trung Sơn) là một chủ vườn đồi với 4 ha trồng nhiều loại cây hiệu quả kinh tế cao, nhất là điển hình về thâm canh cây chè. Ngoài 10 sào chè nguyên liệu liên kết với Xí nghiệp Chè Kỳ Trung, anh còn có hơn 10 sào chè xanh bán trên thị trường tạo thu nhập quanh năm. Với năng suất và chất lượng đảm bảo, sau khi trừ chi phí, tổng thu từ cây chè đạt trên 150 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều so với các loại cây ăn quả trong vườn.
Ở xã Kỳ Thượng, gia đình chị Lê Thị Lệ (thôn Tiến Quang) là một trong những điển hình về trồng chè nguyên liệu. Ngay từ năm 2010, khi xã có chủ trương đưa cây chè vào phát triển đại trà trên địa bàn, chị là một trong những hộ tiên phong. Mặc dù kinh tế khó khăn nhưng gia đình đã mạnh dạn triển khai trồng 12 sào chè. Với sự đầu tư đồng bộ từ kỹ thuật, phân bón và đặc biệt là chủ động được việc tưới nước cho 100% diện tích nên chè phát triển tốt, cho sản lượng trên 10 tấn/năm. “2 năm gần đây, giá chè có thấp hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng người trồng vẫn có thu nhập đều đặn và đặc biệt không phải lâm vào cảnh sản phẩm không tiêu thụ được như nhiều nông sản khác. Chỉ mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để giá chè búp tươi tăng lên giúp người trồng chè yên tâm đầu tư thâm canh, phát triển sản xuất” - chị Lệ bày tỏ.
Video: Chị Lê Thị Lệ nói về hiệu quả kinh tế cao của cây chè mang lại cho người dân Kỳ Thượng.
Với hiệu quả đã được khẳng định, cây chè được xác định là 1 trong 3 loại cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế ở vùng thượng Kỳ Anh. Trong 5 năm gần đây, từ nguồn hỗ trợ chính sách khuyến khích phát triển của tỉnh, huyện và Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh do Canada tài trợ, chè Kỳ Anh có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Theo đó, từ năm 2015-2021, huyện đã hỗ trợ cho các địa phương trồng chè tổng số tiền 680,97 triệu đồng để trồng mới 183,51 ha; mua phân vi sinh và giống.
Cây chè được xác định là 1 trong 3 loại cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế ở vùng thượng Kỳ Anh với tổng diện tích gần 400 ha thời điểm hiện nay.
Theo ông Nguyễn Xuân Mến - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, 5 năm qua, xã đã tập trung lãnh đạo, hỗ trợ người dân tận dụng tối đa chính sách để đầu tư trồng mới 80 ha chè, nâng tổng diện tích toàn xã đến thời điểm này lên 140 ha, trong đó có trên 100 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. “Sau nhiều năm chỉ đạo phát triển kinh tế vườn đồi, Kỳ Thượng xác định, chè là cây trồng chủ lực, cây “xóa” nghèo và làm giàu bền vững. Với sự ra đời của Nhà máy Chế biến chè Kỳ Thượng, đầu ra rộng mở, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động và khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng theo hướng VietGAP, RA, nhằm nâng cao chất lượng, khẳng định uy tín thương hiệu chè Kỳ Thượng nói riêng và chè vùng thượng Kỳ Anh nói chung, hướng đến đăng ký sản xuất sản phẩm OCOP” - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng chia sẻ.
.....
Ông Trần Bá Toàn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh chia sẻ, năm 2015, diện tích chè nguyên liệu ở các xã vùng thượng đạt khoảng 100 ha, đến thời điểm này đã đạt trên 400 ha, trong đó có 80% được sản xuất theo quy trình VietGAP; 280 ha chè đã cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi đạt 2.800 tấn/năm.
Cùng với phát triển về diện tích, cây chè trồng mới ở Kỳ Anh từ năm 2008 đến nay đều được Xí nghiệp Chè 12/9 và các địa phương chỉ đạo sử dụng các bộ giống mới như: PH1, PH8 có năng suất, chất lượng cao và áp dụng quy trình sản xuất VietGap, nhờ đó đảm bảo quy chuẩn để cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Riêng đối với vùng chè lâu năm, trước đây đã sử dụng giống cũ ở xã Kỳ Trung, trong 5 năm qua, địa phương đã từng bước thay thế được 30% diện tích bằng các loại giống mới. Trong chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn mới, huyện đặt mục tiêu trong 5 năm (2021-2025) trồng mới 250 ha chè (mỗi năm trồng khoảng 50 ha) đồng thời tiếp tục tập trung nâng cao giá trị sản phẩm, hướng đến sản xuất sản phẩm OCOP trên phạm vi vùng thượng.
Cán bộ kỹ thuật Xí nghiệp chè 12/9 hướng dẫn kỹ thuật trồng chè cho người dân trong vụ trồng mới tháng 10/2020. Ảnh tư liệu
Cũng theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh, mục tiêu nêu trên có tính khả thi cao, bởi việc phát triển cây chè trên địa bàn vùng thượng hội tụ khá nhiều điều kiện thuận lợi: đất đai rộng lớn, thổ nhưỡng đảm bảo, khí hậu phù hợp; nguồn lao động dồi dào; cây chè cũng đã gắn bó khá lâu năm với người dân và đã khẳng định được hiệu quả kinh tế vượt trội... Đặc biệt, yếu tố quan trọng để phát triển bền vững cây chè, đó là đầu ra ổn định, ngoài Nhà máy Chè Kỳ Trung, năm 2021, Xí nghiệp Chè 12/9 đưa Nhà máy Chè Kỳ Thượng đi vào hoạt động, tạo thuận lợi cho người dân vùng thượng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh có đội ngũ kỹ thuật lành nghề của Xí nghiệp Chè 12/9, lãnh đạo các địa phương luôn sát sao chỉ đạo, hướng dẫn người dân trong quá trình trồng và chăm sóc chè.
Người dân thu hái chè tại xã Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh).
Video: Trải nghiệm tại đồi chè xã Kỳ Trung. Video tư liệu
Hiệu quả kinh tế của cây chè đã được khẳng định và trong hướng phát triển tương lai của vùng thượng, Kỳ Anh xác định, tiếp tục chuyển đổi diện tích trồng keo tràm sang trồng chè nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn. Tuy nhiên, những năm gần đây, hạn hán khốc liệt cùng với sự hạn chế trong đầu tư sản xuất thâm canh của bà con khiến việc thực hiện mục tiêu phát triển diện tích và nâng cao năng suất sản phẩm đang chững lại, đòi hỏi địa phương sớm có chiến lược phát triển bài bản để chè trở thành “cây làm giàu” cho người dân vùng thượng Kỳ Anh.
thiết kế: huy tùng