Phục dựng không gian diễn xướng - hướng đi trong bảo tồn di sản dân ca ví, giặm

(Baohatinh.vn) - Gắn với không gian lao động của người dân xứ Nghệ, không gian diễn xướng của dân ca ví, giặm đã bị mất đi trong bối cảnh mới. Điều đó đòi hỏi, các cấp chính quyền Hà Tĩnh cần có biện pháp để bảo tồn và phát huy di sản.

Giá trị của không gian diễn xướng ví, giặm

Giá trị nghệ thuật độc đáo của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là “không gian, hình thức diễn xướng” mang đậm chất thổ sản, bản sắc văn hóa, con người xứ Nghệ. Không gian diễn xướng là thể loại không phụ thuộc vào thời gian nhưng có quy cách và thủ tục nghiêm ngặt. Đối tượng hát là đa số Nhân dân lao động, mọi người trong cộng đồng, từ già trẻ, trai gái, sỹ, nông, công, thương đều có thể tham gia.

a1-960-6914.jpg
Nghệ nhân Ưu tú Trọng Tuấn (thứ 2 từ trái sang) cùng các thành viên CLB dân ca ví, giặm xã Xuân Giang (Nghi Xuân) biểu diễn trong không gian vườn đào tại xã Cổ Đạm.

Không gian diễn xướng ví, giặm rất đa dạng và phong phú với rất nhiều hình thức như: hát đối đáp tập thể các phường hát với nhau hoặc một người cũng có thể tạo ra không gian riêng ví như là lời tự sự, khuyên nhủ, bảo ban của người bà, người mẹ khuyên con hoặc đôi trai gái thổ lộ, tỏ tình cảm với nhau…

Không gian diễn xướng dân ca ví, giặm có nội dung đa dạng, miêu tả cuộc sống, phản ánh tập quán xã hội, lịch sử, tình yêu quê hương, đất nước, con người, mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện sự kính trọng cha mẹ, chung thủy, nghĩa tình, góp phần gìn giữ các tập tục, truyền thống tốt đẹp trong ứng xử xã hội ở làng xã, thể hiện những khả năng sáng tạo trong lời ca và giai điệu phong phú. Bởi thế, không gian diễn xướng của ví, giặm trong đời sống đương đại rất cần thiết để tiếp cận, gần gũi với cuộc sống hiện tại nhưng cũng không tách rời những quy cách chặt chẽ mang tính giá trị của nó.

Không gian diễn xướng ví, giặm trong đời sống đương đại

Hiện nay, làng quê xứ Nghệ mất dần những làng nghề. Ví, giặm trở nên ít “đất” để “trưng trổ” những tinh tế, người mê ví, giặm ít còn chỗ chơi. Không gian cho ví, giặm vốn đã ít nay lại càng trở nên hiếm hoi. Vì thế, chúng ta ngày càng phải trăn trở để tìm cách sáng tạo ra những không gian diễn xướng phù hợp với thời đại hiện nay.

Trước đây, trong các buổi sinh hoạt CLB, các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn dân ca ví, giặm có rất ít không gian diễn xướng mới mà chủ yếu là các không gian diễn xướng cũ gọi là “ăn sẵn của ông cha”. Các đơn vị phục dựng lại một cách chắp vá, tam sao thất bản bởi nhiều lý do khác nhau cho nên thiếu sự tinh tế. Việc thực hành hát dân ca ví, giặm không chỉ ở từng cá nhân, từng nhóm người, mà chủ yếu là ở các CLB được thành lập tại các cơ sở, đội văn nghệ cơ quan, đơn vị và trường học... Người ta thường hát theo bài có sẵn, với sự hỗ trợ của nhạc cụ hiện đại.

bqbht_br_z6078652056672-0482808216401c7f38ade7a12173cd4a.jpg
Trong bối cảnh mới, không gian diễn xướng ví, giặm thường chỉ được phục dựng trên sân khấu các kỳ liên hoan.

Thời gian gần đây đã có nhiều tác giả trên địa bàn Nghệ - Tĩnh soạn mới hoặc biên tập lại những không gian diễn xướng cổ dân ca ví, giặm. Tuy nội dung mới, ca từ mới với cuộc sống đương đại nhưng các tác phẩm này vẫn giữ được những nguyên tắc cơ bản trong diễn xướng dân ca ví, giặm, có nhiều tiếng cười dí dỏm, mang tính hài hước trong cách đối đáp giao duyên hợp lý, giàu hình ảnh, phong phú về ca từ, đố tục giảng thanh, mang lại nhiều nét mới trong phong cách trình diễn.

Phục dựng những không gian diễn xướng cổ (vốn quý của ông cha để lại) nhưng phải thật sự phù hợp với sân chơi đương đại và cũng không thể phá vỡ những tinh hoa của nó. Trang phục cần tinh tế, thanh tao, mộc mạc, tránh lòe loẹt, kim sa, kim tuyến không phù hợp với bản chất của con người xứ Nghệ; không lạm dụng nhạc của đàn điện tử làm lấn át luyến láy giọng hát của các nghệ nhân, diễn viên…

Đạo cụ là thiết chế cần thiết cho một không gian diễn xướng nên tránh rườm rà, mang những vật dụng đời thường hiện đại vào những tác phẩm diễn xướng cổ để rồi nửa cổ nửa kim gây phản cảm giữa cũ và mới, vô hình trung nhìn vào đó là sự khập khiễng về mặt không gian và thời gian của tác phẩm.

Phục dựng không gian diễn xướng ví, giặm trong cuộc sống đương đại

Để phục dựng không gian diễn xướng ví, giặm trong cuộc sống đương đại, chúng ta cần xác định tính cộng đồng trong việc bảo tồn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, đưa loại hình này về với cộng đồng để họ giữ gìn và phát triển. Bảo tồn cần gắn với sự kết hợp sưu tầm và lưu giữ để truyền lại cho thế hệ sau.

bqbht_br_e22.jpg
Phục dựng những không gian diễn xướng cổ phải thật sự phù hợp với sân chơi đương đại.

Cần tiếp tục tổ chức các hoạt động liên hoan dân ca ví, giặm hằng năm. Tăng thời lượng bắt buộc cho không gian diễn xướng ví, giặm vào thể lệ của hội thi, hội diễn; ưu tiên khuyến khích phục dựng không gian diễn xướng cổ nhưng phải chặt chẽ các quy cách và thủ tục của hát giao duyên ví, giặm. Bên cạnh đó, quan tâm đến công tác sưu tầm các làn điệu gốc, lời cổ và không gian diễn xướng cổ. Đặc biệt, hằng năm, ưu tiên mở các trại sáng tác, soạn lời mới tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Việc đăng tải và quảng bá các tác phẩm dân ca ví, giặm trên các nền tảng số cũng như hỗ trợ kinh phí in ấn phẩm sách dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cho các tác giả cũng là một giải pháp thiết thực. Các cấp, ngành cần quan tâm, tạo điều kiện cho các nghệ nhân có sân chơi nhiều hơn, đặc biệt là các sự kiện lớn ở địa phương và tỉnh, vừa để họ thể hiện, cống hiến khả năng, vừa tạo động lực khích lệ thế hệ trẻ đến với dân ca ví, giặm và yêu dân ca ví, giặm hơn nữa.

Các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và thành viên của các CLB cần phải phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình bằng các hoạt động thiết thực hơn nữa nhằm bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca ví, giặm có hiệu quả đích thực tại địa phương.

bqbht_br_a1-9657.jpg
Nghệ nhân Ưu tú Trọng Tuấn và Nghệ sỹ Thái Bảo phục dựng không gian diễn xướng cổ trong một chương trình quảng bá di sản dân ca ví, giặm trên nền tảng số.

Để tiếp tục lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản quý báu của ông cha, các cấp, ngành và mỗi người dân xứ Nghệ phải chung tay vượt qua những khó khăn, thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, góp phần làm phong phú đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tỉnh nhà nói riêng và cộng đồng người Nghệ nói chung để ví, giặm mãi lung linh trường tồn.

Video: Nghệ nhân Ưu tú Trọng Tuấn biểu diễn tiết mục Bài ca dâng Bác.

Chủ đề 10 năm Dân ca ví, giặm được UNESCO ghi danh

Đọc thêm

Hạnh phúc, tự hào và thương nhớ khôn nguôi

Hạnh phúc, tự hào và thương nhớ khôn nguôi

Sự kiện lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã đi qua trọn vẹn nửa thế kỷ nhưng trong tâm cảm của hàng chục triệu người dân Việt Nam và những người con Hà Tĩnh, vẫn vẹn nguyên niềm hạnh phúc, tự hào và nỗi nhớ thương đồng đội, người thân không trở về.
Những con đường huyền thoại tiếp nối tương lai

Những con đường huyền thoại tiếp nối tương lai

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hà Tĩnh là điểm trọng yếu trên tuyến chi viện miền Nam, hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn. Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, những con đường huyền thoại năm xưa vẫn tràn đầy sức sống, góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh nhà.
Xanh lại những "tọa độ lửa" ở Hà Tĩnh

Xanh lại những "tọa độ lửa" ở Hà Tĩnh

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những tọa độ lửa như núi Nài, Ngã ba Đồng Lộc, Làng K130… của Hà Tĩnh đã cùng quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân 1975.
 Thạch Hà - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và khoa bảng

Thạch Hà - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và khoa bảng

Với lịch sử 1020 năm phát triển, các thế hệ người dân Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã chinh phục thiên nhiên, chung lưng đấu cật, gắn bó đoàn kết, xây dựng mảnh đất này ngày càng phát triển, trở thành vùng quê giàu bản sắc văn hóa, có nhiều người đỗ đạt khoa bảng.
Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Người miệt mài tìm “cái đẹp” của văn chương

Với nhiều tâm huyết, nhà nghiên cứu Hà Quảng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam duy nhất ở Hà Tĩnh đạt nhiều giải thưởng lớn cấp tỉnh và cấp Trung ương về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học.
Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động Sài Gòn quê Hà Tĩnh là ai?

Đại tá Tư Chu - Chỉ huy trưởng lực lượng biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định là một người con của quê hương Hà Tĩnh. Ông là người kiến tạo các cách đánh “xuất quỷ nhập thần”, là cái tên đứng đằng sau nhiều chiến công huyền thoại của biệt động Sài Gòn.
Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Trung úy công an đam mê nghiên cứu khoa học

Bằng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Trung úy Phạm Minh Hiếu - Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Tĩnh đã biến rác hữu cơ thành tài nguyên, giải quyết bài toán khó về xử ý ô nhiễm môi trường
Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Thiêng liêng tiếng gọi cội nguồn

Từ chỗ là hoạt động tín ngưỡng của người dân địa phương, lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ở TX Hồng Lĩnh đã trở thành lễ hội được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh quan tâm, thu hút đông đảo người dân tham gia.