Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống mức thấp kỷ lục

(Baohatinh.vn) - Dịch Covid-19 có ảnh hưởng tiêu cực mạnh mẽ lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 3/2020. Các điều kiện kinh doanh đã suy giảm với mức độ mạnh nhất kể từ khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011 khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm ở mức kỷ lục.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm xuống mức thấp kỷ lục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Các công ty cũng giảm hoạt động mua hàng và lượng hàng tồn kho, trong khi sự gián đoạn nghiêm trọng của chuỗi cung ứng đã được nhắc đến. Trong khi đó, mức độ lạc quan trong kinh doanh cũng giảm về mức đáy mới.

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã giảm mạnh từ 49,0 điểm của tháng 2 về 41,9 điểm trong tháng 3. Dữ liệu mới nhất báo hiệu mức giảm mạnh của sức khỏe lĩnh vực sản xuất và là kết quả đáng chú ý nhất trong hơn chín năm thu thập dữ liệu tính đến nay. Mức độ giảm đã mạnh hơn mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 7/2012.

Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói: “Không có gì ngạc nhiên khi đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng nghiêm trọng lên lĩnh vực sản xuất của Việt Nam trong tháng 3, với dữ liệu PMI cho thấy mức giảm tồi tệ nhất của các điều kiện kinh doanh kể từ khi khảo sát bắt đầu khoảng hơn chín năm trước. Nhiều trong các tham số khảo sát đã đạt mức thấp lỷ lục và mức độ lạc quan trong kinh doanh đã giảm. Vấn đề then chốt hiện tại là sẽ mất bao lâu để cộng đồng quốc tế có thể kiểm soát đại dịch. Khi điều này xảy ra, các nhà sản xuất dự báo sản lượng sẽ tăng trở lại”.

Tương tự Việt Nam, tình trạng suy giảm được ghi nhận ở tất cả 6 quốc gia ASEAN khác được khảo sát. Tình trạng suy thoái đáng kể nhất ở Singapore với chỉ số toàn phần giảm mức kỷ lục 18,1 điểm từ mức của tháng 2 xuống còn 27,7 điểm, là mức thấp nhất trong lịch sử kéo dài gần tám năm.

Philippines cũng ghi nhận tình trạng suy giảm trong tháng 3 với chỉ số toàn phần (39,7) nằm dưới ngưỡng không thay đổi 50 điểm lần đầu tiên kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 1/2016.

Myanmar có các điều kiện hoạt động suy giảm tháng thứ hai liên tiếp. Chỉ số toàn phần (45,3 điểm) là thấp nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 12/2015 khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và hàng tồn kho đều giảm ở mức kỷ lục.

Đồng thời, Indonesia đã rơi trở lại vào vùng suy giảm sau khi có ghi nhận tăng trưởng trong tháng 2. Chỉ số toàn phần trong tháng 3 (45,3 điểm) là mức thấp nhất từ trước đến nay và cho thấy sự suy giảm mạnh của sức khỏe lĩnh vực sản xuất.

Thái Lan cũng có các điều kiện hoạt động giảm ở mức đáng kể khi cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm nhanh hơn. Chỉ số toàn phần (46,7) cũng là một mức thấp kỷ lục.

Cuối cùng, tình trạng suy thoái của Malaysia tiếp tục diễn ra trong tháng 3 với các điều kiện hoạt động suy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 9/2019. Tuy nhiên, mức độ giảm nhìn chung chỉ là nhỏ.

(Theo Nikkei)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast