Về làng mộc truyền thống ở Thạch Châu

(Baohatinh.vn) - Nghề mộc truyền thống đang được người dân ở thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) tích cực phát triển, mang lại nguồn thu nhập cao, mở ra cơ hội làm giàu.

Từ nhiều năm nay, cơ sở sản xuất đồ gỗ của ông Phan Công Hiền (thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu) đã trở thành một trong điểm đến quen thuộc của các tiểu thương “săn” đồ nội thất thủ công tinh xảo. Cơ sở ông có khá nhiều sản phẩm, mẫu mã đáp ứng thị hiếu của thị trường với chất lượng tốt.

Về làng mộc truyền thống ở Thạch Châu

Ông Phan Công Hiền có thâm niên hơn 40 năm trong nghề mộc

Cẩn thận sắp xếp những kệ tủ gỗ đủ kích cỡ, ông Hiền chia sẻ: "Tôi đã làm nghề mộc hơn 40 năm. Hiện, khu xưởng của tôi có diện tích hơn 2.000 m2, sản xuất đầy đủ các mặt hàng dân dụng như bàn ghế, tủ, kệ, bàn thờ,...

Hiện chúng tôi tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương trên 15 triệu đồng/người/tháng; doanh thu đạt gần chục tỷ đồng/năm. Nhiều gia đình trong thôn cũng giàu lên từ nghề mộc."

Về làng mộc truyền thống ở Thạch Châu

Ông Lê Văn Tương chăm chút cho từng sản phẩm.

Gần với cơ sở ông Hiền, tại xưởng sản xuất rộng gần 200 m2 của ông Lê Văn Tương, các công nhân cũng đang tất bật đục đẽo, lắp ráp, đánh giấy nhám hoàn thiện sản phẩm. Ông Tương cho biết: “Xưởng của gia đình tôi thuê 4 - 5 thợ nhưng có khi phải tăng ca cả ban đêm mới kịp trả hàng cho khách. Bình quân mỗi tháng, tôi nhận từ 3 - 5 đơn đặt hàng, chủ yếu là bàn ghế với nhiều loại gỗ".

Sát bên cơ sở của ông Tương là xưởng mộc do ông Phan Công Sửu làm chủ với hàng chục năm trong nghề. Ông Sửu bày tỏ: “2 năm trở lại đây, hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mộc của thôn Kim Ngọc khá ổn định. Để ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tôi đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc hỗ trợ nhằm giảm tải khối lượng công việc, tiết kiệm thời gian và cho ra những mẫu mã đa dạng, tinh xảo và giá thành cạnh tranh hơn. Xưởng sản xuất của tôi đạt lợi nhuận trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng".

Về làng mộc truyền thống ở Thạch Châu

Máy móc giúp giảm tải khối lượng công việc và tiết kiệm thời gian.

Theo các hộ dân, xu hướng của người tiêu dùng ngày nay đã thay đổi rất nhiều. Nếu như trước kia, ưu tiên hàng đầu của khách hàng khi mua là giá cả thì giờ đây họ quan tâm hơn đến tính đa dụng, thiết kế của sản phẩm. Vì thế, các cơ sở không những tập trung tạo ra số lượng sản phẩm mà còn liên tục cập nhật và sáng tạo nhiều mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Đối tượng khách hàng của làng mộc Kim Ngọc giờ đây cũng không chỉ ở phân khúc thị trường bình dân mà còn hướng tới tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập cao trong và ngoài tỉnh.

Về làng mộc truyền thống ở Thạch Châu

Người lao động hối hả làm việc để kịp hoàn thành đơn hàng.

Ông Nguyễn Văn Huy (thị trấn Lộc Hà) cho biết: “Gia đình vừa hoàn thành ngôi nhà mới nên tôi đang đi tham khảo giá cũng như mẫu mã bộ bàn ghế bày trí trong phòng khách. Chất lượng của sản phẩm mộc tại thôn Kim Ngọc đã nổi tiếng gần xa nên tôi rất yên tâm khi chọn lựa đồ dùng tại đây”.

Từ hướng đi mới, những năm gần đây, nghề mộc tại thôn Kim Ngọc được duy trì và ngày càng phát triển mở rộng. Hiện tại, xã Thạch Châu có hơn 12 xưởng mộc, trung bình doanh thu đạt từ 1 - 1,2 tỷ đồng/cơ sở; giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, với thợ chính 10 - 15 triệu đồng/tháng, thợ phụ từ 4 - 5 triệu đồng/ tháng.

Nghề mộc truyền thống đã mở ra hướng đi giúp nhiều hộ dân trong thôn Kim Ngọc nói riêng và xã Thạch Châu nói chung nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 46,4 triệu đồng/năm.

Ông Phan Anh Đức
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Châu

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast