"Chúng tôi muốn nhấn mạnh vào những gì có thể xảy ra với các nước dễ bị tổn thương, như nhóm nước kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển. Những gì đang xảy ra với họ khiến chúng tôi lo lắng", Rebeca Grynspan, người đứng đầu Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), nói ngày 10/4.
Bà Grynspan thêm rằng các quốc gia nghèo chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô sang Mỹ và không góp phần gây ra thâm hụt thương mại. "Họ không phải đối thủ cạnh tranh hay mối đe dọa an ninh quốc gia đối với Washington. Do đó, có thể tránh bắt đầu các thỏa thuận và đàm phán song phương mới, giúp họ không phải hứng chịu nỗi đau thuế quan", bà nói.
Lãnh đạo UNCTAD cũng đề cập cuộc đấu thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Khi hai nền kinh tế lớn của thế giới áp đặt thuế quan với nhau, điều đó sẽ ảnh hưởng tới tất cả, chứ không chỉ là các bên tham gia cuộc chiến thuế. Chúng ta đang ở trong trạng thái 'bình thường mới' với tăng trưởng thấp và nợ cao. Chúng tôi lo ngại nền kinh tế toàn cầu sẽ đình trệ", bà cho hay.
Quan chức LHQ cảnh báo rằng tình hình bất ổn hiện tại đang đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu. "Nếu biết trước mọi thứ sẽ đi về đâu, chúng ta sẽ có chiến lược điều chỉnh và thích ứng. Thời gian dài bất ổn, khi mọi thứ thay đổi liên tục, sẽ gây thiệt hại vì chúng ta không biết phải làm gì", bà nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/4 thông báo hoãn áp thuế đối ứng với hầu hết đối tác thương mại trong 90 ngày, nhưng mức thuế chung 10% đối với hầu hết các nhà xuất khẩu vẫn giữ nguyên. Ông nói hơn 75 đối tác đã bày tỏ quan tâm đến đàm phán các thỏa thuận thương mại với Mỹ.
Ông Trump cũng tuyên bố nâng mức thuế với Trung Quốc lên 125% bởi "sự thiếu tôn trọng của nước này với thị trường toàn cầu". Nhà Trắng ngày 10/4 làm rõ mức thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc hiện ở mức 145%.
Trung Quốc đã áp thuế 84% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ từ ngày 10/4 để đáp trả.