Ra khơi mùa biển động, ngư dân Hà Tĩnh “trúng đậm” nhiều loại hải sản

(Baohatinh.vn) - Tuy phải thường xuyên làm việc giữa cái rét cắt da cắt thịt, đối mặt với nguy hiểm mùa biển động nhưng ngư dân Hà Tĩnh vẫn đang nỗ lực vươn khơi mang về nhiều loại hải sản có giá trị để chuẩn bị cho tết Nguyên đán đủ đầy hơn.

Ra khơi mùa biển động, ngư dân Hà Tĩnh “trúng đậm” nhiều loại hải sản

Ngư dân vận chuyển những khay ruốc biển, cá cơm đầy ắp lên bờ tại cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà).

Trong gần 1 tuần trở lại đây, tàu cập cảng Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà) mang về số lượng khá lớn ruốc biển, cá cơm. Mặc cho nền nhiệt độ lúc 4-5h sáng xuống rất thấp, ngư dân vẫn cố gắng nhanh tay, nhanh chân chuyển những khay đầy ắp hải sản lên bờ, xuất cho thương lái để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho chuyến ra khơi mới.

Ông Nguyễn Bá Đông (xã Thạch Kim, Lộc Hà) cho biết: “Trong 3 ngày hôm nay, thuyền của tôi được khoảng 12 tấn ruốc biển, giá xuất bán tại chỗ là 13.000 - 15.000 đồng/kg. Đi biển mùa này vất vả vì sóng to, thời tiết rét mướt nhưng được “lộc biển” thế này thì cũng không bõ công, anh em chúng tôi phấn khởi lắm".

Để đảm bảo an toàn cho người và tàu cá thì việc kiểm tra kỹ máy móc trước khi ra khơi là hết sức cần thiết, đồng thời, ngư dân phải thường xuyên cập nhật các bản tin dự báo thời tiết để có biện pháp xử lý kịp thời.

Ra khơi mùa biển động, ngư dân Hà Tĩnh “trúng đậm” nhiều loại hải sản

Ngư dân khẩn trương lau chùi, cọ rửa tàu thuyền để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới.

Cách đó không xa, anh Nguyễn Vân Nam (xã Thạch Long, Thạch Hà) đang hối hả bốc xếp bổ sung thêm dầu, đá lạnh, vệ sinh thuyền... chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo thắng lợi.

Anh Nam cho biết: “Mùa này nhiệt độ thường xuống thấp, ra biển gió thổi mạnh, càng giá buốt thêm, phải mặc áo thật ấm và trùm mũ len lên đầu, khoác thêm áo mưa phía ngoài mới trụ được. Đợt này, thuyền của tôi đánh vùng lộng được cá cơm, bạc má... Riêng cá cơm ngày hôm nay thuyền về gần 3 tấn, với giá bán trung bình là 60.000 đồng/kg”.

Ra khơi mùa biển động, ngư dân Hà Tĩnh “trúng đậm” nhiều loại hải sản

Những ngày qua, thuyền cập cảng Cửa Sót được nhiều cá cơm...

Ra khơi mùa biển động, ngư dân Hà Tĩnh “trúng đậm” nhiều loại hải sản

... và ruốc biển, mang lại thu nhập khá cao cho người dân.

Cùng với đó, các thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ của ngư dân Hà Tĩnh cũng tranh thủ vươn khơi mang về nhiều loại hại sản có giá trị kinh tế cao.

Đang phấn khởi rao bán thành quả của chuyến đi biển, chị Nguyễn Thị Hoa (xã Thạch Kim, Lộc Hà) cho biết: “Thuyền của gia đình chỉ đi biển độ 4 - 5 tiếng, cách bờ 3 - 5 hải lý và thường trở về vào buổi sáng sớm. Thời gian ngắn nên hải sản vẫn còn tươi sống, giá bán cao và rất nhanh hết hàng. Chuyến này, thuyền tôi được gần 3 kg tôm biển loại lớn, một số loại cá nhỏ khác… thu được hơn 1,5 triệu đồng”.

Ra khơi mùa biển động, ngư dân Hà Tĩnh “trúng đậm” nhiều loại hải sản

Tôm mùa biển động thường có kích cỡ lớn, bán được giá rất cao, từ 430.000 - 450.000 đồng/kg.

“Mặc dù rất lạnh và mệt mỏi, thuyền vừa cập bến, chúng tôi cũng phải nhanh chóng phân loại hải sản ngay trên cảng để kịp bán cho thương lái tỏa đi các chợ. Vất vả là thế nhưng kiếm thêm thu nhập và chuẩn bị cho cái tết đang cận kề nên anh em ai cũng cố gắng hơn” - anh Trần Văn Chuân (thị trấn Lộc Hà) chia sẻ.

Ra khơi mùa biển động, ngư dân Hà Tĩnh “trúng đậm” nhiều loại hải sản

Hoạt động buôn bán tấp nập tại cảng Cửa Sót từ 4 - 6h sáng mặc cho thời tiết giá rét, cung ứng lượng lớn thủy hải sản cho thị trường.

Những ngày này, vượt lên cái rét “chính đông”, ngư dân xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên) vẫn tích cực bám biển, thu nguồn lợi lớn từ nghề bóng ghẹ.

Ngư dân Nguyễn Văn Hào (thôn Tân Trung Thủy) cho biết: “Đang vào mùa biển động nhưng chúng tôi đánh bắt được khá nhiều ghẹ và ốc hương trong gần chục ngày hôm nay. Có những chuyến đi biển mang về được 5 - 6 tạ ghẹ ba mắt, 30 kg ốc hương. Hiện nay, ghẹ có giá 50 - 60 nghìn đồng/kg, 400 nghìn đồng/kg ốc hương, anh em thu “tiền tươi” tại chỗ nên càng yên tâm duy trì nghề trong thời tiết khắc nghiệt”.

Ra khơi mùa biển động, ngư dân Hà Tĩnh “trúng đậm” nhiều loại hải sản

Đang vào mùa biển động nhưng ngư dân Cẩm Lộc vẫn đánh bắt được khá nhiều ghẹ và ốc hương.

Theo ông Nguyễn Công Hoàng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, đây đang là thời điểm đánh bắt của vụ cá Bắc, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng ngư dân phải thường xuyên đối mặt với nguy hiểm do thời tiết gây ra, làm việc trong điều kiện giá rét, nền nhiệt độ xuống thấp.

Do đó, để đảm bảo an toàn cho các chuyến biển, ngành chuyên môn cùng chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các chủ tàu cá triển khai tu sửa tàu thuyền, kiểm tra lại máy móc, ngư lưới cụ, các trang thiết bị hàng hải; đề nghị các thuyền trưởng, chủ tàu cá tuân thủ nghiêm các quy định như bật thiết bị giám sát hành trình tàu cá, nộp nhật kí khai thác thủy sản, theo dõi thông tin thời tiết để chủ động ra khơi…

Ra khơi mùa biển động, ngư dân Hà Tĩnh “trúng đậm” nhiều loại hải sản

Hải sản lên bờ luôn được phân loại, hoàn thành trả giá ngay để kịp cho thương lái vận chuyển đi tiêu thụ.

“Thông tin từ các địa phương ven biển, trong những ngày đầu năm 2021, ngư dân Hà Tĩnh tranh thủ thời tiết khá thuận lợi bám biển, vươn khơi đem về nhiều loài có giá trị như cá cơm, cá đù, cá bạc má, cá cháo, tôm, ghẹ, ruốc… Nhiều thuyền cập bến với sản lượng từ 4-5 tấn ruốc, 2-3 tấn cá cơm/chuyến, mang về thu nhập cao” - ông Hoàng cho biết thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 6 (bão Tramy) sau khi đổ bộ vào bờ, thay vì suy yếu, sẽ quay trở lại ra biển nên các địa phương, đơn vị cần cảnh báo người dân, nhất là ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Để giúp hoa sinh trưởng tốt, đảm bảo khung thời vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp tết, nhiều hộ dân trồng hoa cúc trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung xuống giống.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tăng giai đoạn cuối năm đã đẩy dư nợ lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.
Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.