Rộn ràng mùa lúa mới

(Baohatinh.vn) - Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.

Những đợt gió mùa đầu tiên tràn về báo hiệu mùa đông đến, cũng là lúc bà con nông dân Hà Tĩnh lại khấp khởi, lo toan, chuẩn bị cày ải, chọn giống lúa, tính toán phân bón cho một mùa gieo trồng mới.

Nhiều ngày nay, ông Đặng Hữu Hoàng (thôn Phúc Lộc, xã Việt Tiến, huyện Thạch Hà) đã nhẩm tính thuê máy làm đất cho hơn 5 ha lúa của gia đình. Ông Hoàng chia sẻ: “Vụ lúa xuân luôn là vụ mùa quan trọng nhất trong năm nên bà con nông dân chúng tôi phải chuẩn bị kỹ lưỡng, từ khâu làm đất, chọn giống, căn lịch thời vụ mới mong có một vụ mùa bội thu. Theo kế hoạch, ít ngày nữa tôi bắt đầu lấy nước vào ruộng, cày ải đợt 1, dọn dẹp, khơi thông hệ thống kênh mương dẫn nước”.

bqbht_br_img-0013.jpg
Tiếng máy làm đất vụ mới đã bắt đầu rền vang trên các cánh đồng ở Hà Tĩnh.

Đối với bà con nông dân thôn Vân Cửu, xã Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc), các cuộc họp bàn để đi đến thống nhất phương án sản xuất, giống lúa, sử dụng mạ khay máy cấy trong vụ xuân đã hoàn thành. Chị Nguyễn Thị Mai - Tổ phó Tổ hợp tác thôn Vân Cửu chia sẻ: “Đây là vụ sản xuất thứ 5 chúng tôi canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Với sự đồng hành của các cấp chính quyền, bà con nông dân đang rất phấn khởi, sẵn sàng bước vào vụ sản xuất mới. Sau nhiều lần họp bàn, chúng tôi đã lựa chọn sử dụng giống ST25 để triển khai trong vụ xuân tới”.

Thời điểm này, nhiều địa phương cũng đang chạy đua tiến độ san ủi mặt bằng để sớm bàn giao cho bà con sản xuất vụ xuân sau đợt chuyển đổi, tích tụ ruộng đất. Là địa phương thực hiện chuyển đổi, tích tụ 100% diện tích đất trồng lúa trong năm nay, xã Thạch Kênh (Thạch Hà) đang tập trung cao độ, huy động máy móc để hoàn thành san ủi, làm mặt bằng ruộng.

Ông Nguyễn Thiện Chung - Chủ tịch UBND xã Thạch Kênh cho biết: “Với quyết tâm cao, chúng tôi cố gắng hoàn thành dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất vào đầu tháng 12 với tổng diện tích gần 400 ha để bà con sẵn sàng bước vào vụ lúa xuân năm nay. Công tác quy hoạch vùng, bố trí giống lúa đã được địa phương tính toán phù hợp và lên kế hoạch cụ thể với kỳ vọng về một mùa vụ bội thu với những đột phá trong sản xuất”.

bqbht_br_img-4910.jpg
Bà con nhân dân huyện Cẩm Xuyên bàn bạc về việc sử dụng giống lúa trên cánh đồng sau chuyển đổi, tích tụ ruộng đất.

Căn cứ các chỉ tiêu, định hướng sản xuất vụ xuân năm 2025 của tỉnh, các địa phương đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, tổ chức đề án sản xuất vụ xuân phù hợp với điều kiện thực tiễn, đảm bảo hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đề ra. Thời điểm này, “vựa lúa” Cẩm Xuyên đã có những chuẩn bị kỹ lưỡng về khung thời vụ, kế hoạch, cơ cấu giống cho vụ sản xuất mới.

Theo đó, huyện phấn đấu gieo cấy 9.560 ha, năng suất dự kiến 62 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 59.200 tấn. Huyện tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, hữu cơ…), ứng dụng KHKT để từng bước xây dựng thương hiệu gạo Cẩm Xuyên, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích... Những cánh đồng bằng phẳng, đồng bộ về hạ tầng sau các đợt chuyển đổi, tích tụ ruộng đất tiếp tục tạo thuận lợi cho địa phương trong cơ giới hóa sản xuất, đẩy nhanh tiến độ làm đất. Hiện nay, các địa phương đã bắt đầu ra quân làm thủy lợi nội đồng; đào đắp, nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh; làm đất lần 1. Dự kiến, thời vụ xuống giống tập trung của huyện Cẩm Xuyên bắt đầu từ ngày 10/1 - 5/2/2025 với các giống chủ lực như N98, Khang dân 18, Khang dân đột biến, Bắc Thịnh,...

bqbht_br_z6054372665601-2816f631d5557d9f320fb34c9d787d52.jpg
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh tập trung làm thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất vụ xuân 2025.

Cùng với các địa phương, các doanh nghiệp thủy nông trên địa bàn cũng đang đẩy mạnh công tác làm thủy lợi nội đồng, chuẩn bị kế hoạch cấp nước tưới cho mùa vụ sản xuất quan trọng nhất năm. Ông Trần Mạnh Cường - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho hay: “Công ty đang quản lý, vận hành 38 hồ chứa, 4 đập dâng, 1 cống ngăn mặn giữ ngọt, 438 km kênh mương nội đồng và hơn 1.000 cống tưới tiêu trên địa bàn các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, TX Kỳ Anh và TP Hà Tĩnh. Đơn vị đã bố trí tối đa nhân lực để ra quân làm thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện cấp nước tưới cho 22.000 ha lúa vụ xuân 2025. Công ty phấn đấu đến giữa tháng 12/2024 sẽ hoàn thành 100% khối lượng công việc, bắt đầu mở nước phục vụ bà con gieo cấy lúa xuân”.

Vụ xuân năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 59.097 ha lúa (giảm 221 ha so với vụ xuân 2024 do thu hồi đất trồng lúa để thực hiện các dự án); sản lượng phấn đấu đạt trên 35,5 vạn tấn; năng suất dự kiến đạt trên 60,14 tạ/ha.

bqbht_br_z6083056125039-6339b162094d3b3c28915730b09d580f.jpg
Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed đã tổ chức hội nghị khách hàng, triển khai kế hoạch cung ứng giống lúa năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Các địa phương cần chuẩn bị tốt các điều kiện, trước mắt là đảm bảo tiến độ làm đất, thủy lợi nội đồng, tuân thủ khung thời vụ xuống giống (từ ngày 10/1 - 5/2/2025). Theo đó, cần củng cố bờ vùng, bờ thửa giữ nước; bón cân đối và đúng quy trình kỹ thuật các loại phân vô cơ, tận dụng tối đa phân hữu cơ, bổ sung các chế phẩm sinh học để tăng khả năng phân giải các chất hữu cơ trong đất; chủ động thành lập các đoàn chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức sản xuất; làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự báo và phòng trừ kịp thời sâu bệnh; chủ động phương án, giải pháp bổ cứu sản xuất trong các tình huống bất thường như: rét đậm, rét hại, dịch bệnh; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, cấp mã số vùng trồng; phát triển liên kết theo chuỗi giá trị”.

Với sự chuẩn bị kỹ càng từ khâu làm đất, chọn giống, chủ động cơ giới hóa của bà con nông dân và các địa phương cùng sự chỉ đạo bám sát khung thời vụ, tuân thủ quy trình kỹ thuật, phòng ngừa sâu - bệnh hại lúa của ngành chuyên môn, vụ lúa xuân 2025 hứa hẹn tiếp tục giành thắng lợi, tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 2,5%, sản lượng lương thực đạt trên 65 vạn tấn trong năm 2025.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Phấn đấu gỡ "thẻ vàng IUU" trong năm 2025

Phấn đấu gỡ "thẻ vàng IUU" trong năm 2025

Đây là một trong những yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra với ngành Nông nghiệp tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 của Bộ NN&PTNT.
Nỗ lực mở rộng mạng lưới nước sạch cho vùng nông thôn

Nỗ lực mở rộng mạng lưới nước sạch cho vùng nông thôn

Để tăng tỷ lệ hộ nông thôn được tiếp cận với nước sạch đạt chuẩn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh không ngừng triển khai các giải pháp, mở rộng mạng lưới, cung cấp và cải thiện chất lượng nước phục vụ người dân.
Chống rét cho thủy sản nuôi ở Hà Tĩnh

Chống rét cho thủy sản nuôi ở Hà Tĩnh

Trước dự báo thời tiết còn nhiều đợt rét đậm, rét hại, các cơ sở và hộ nuôi trồng thủy sản ở Hà Tĩnh đã chủ động thực hiện các giải pháp chống rét cho tôm, cá.
Ngư dân Hà Tĩnh tất bật mưu sinh dịp cuối năm

Ngư dân Hà Tĩnh tất bật mưu sinh dịp cuối năm

Trong cái giá lạnh của những ngày cuối năm, ngư dân Hà Tĩnh vẫn nỗ lực vươn khơi với hy vọng mang về nhiều lộc biển để trang trải cuộc sống, đón một cái Tết ấm no bên gia đình.
Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.