Đường sá lầy lội ngày xưa nay đã được thay bằng những tuyến đường bê tông phẳng lỳ, hai bên hoa thơm khoe sắc
Theo ông Lê Văn Lợi - Bí thư Đảng ủy xã Đức Hương, cách đây chưa đầy dăm năm, thôn Hương Phố là một vùng quê nghèo, đường sá lầy lội, cuộc sống khó khăn nên người dân quen gọi là thôn Rúi Lội. Dù chỉ mới nghe nhắc đến tên thôi đã cảm thấy buồn, thấy khổ, thấy hoang vu như chính tên gọi của nó...
Nhờ ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường của người dân được nâng lên nên những con đường ở thôn Hương Phố ngày càng xanh-sạch-đẹp
Thế nhưng, khi thực hiện tiêu chí thứ 20 trong xây dựng NTM, người dân nơi đây đã ý thức cao và cùng nhau chung tay xây dựng xóm làng sạch đẹp, giàu mạnh. Những còn đường chật hẹp, dơ bẩn ngày xưa nay đã nhường chỗ cho đường bê tông rộng mở, dài tít tắp đến tận nhà dân.
Những bờ bụi rậm, lau lách trước đây nay đã được phá bỏ để trồng đủ các loại hoa và cây cảnh
Những hàng tre hóp, lau lách, bụi rậm đã được chặt phá để trồng cây cảnh, cây bóng mát. Hai bên đường cờ đỏ tung bay phấp phới, băng rôn, khẩu hiệu treo chỉnh tề, đủ các loại hoa đang khoe sắc, đua hương...
Hội quán thôn được nhà nước cùng nhân dân chung tay, góp sức xây dựng khá khang trang, bên ngoài được trồng đầy hoa và đặt nhiều ghế đá như một công viên thu nhỏ...
Không chỉ có cảnh sắc thay đổi mà cuộc sống của những người dân nơi đây cũng đã đổi thay từng ngày. Cái đói, cảnh nghèo đã không còn đeo đẳng quanh năm như trước. Trên con đường đi sâu vào thôn Hương Phố hôm nay, mọi người đều thấy ruộng đồng xanh mướt, xóm làng trù phú, dân cư đông đúc, cuộc sống ấm no được thể hiện rõ trong từng ngôi nhà, sân phơi, vườn tược...
Trước cổng nhà của nhiều hộ dân luôn ngập tràn sắc hoa, điểm tô thêm cho một vùng quê đáng sống và khiến những người ghé thăm bị hút hồn...
Theo thống kê, hiện nay, thôn Hương Phố đã xóa bỏ 100% vườn tạp để trồng cây ăn quả, nhất là cam và chanh. Hầu hết các hộ gia đình đều có ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, cảnh quan vườn hộ xanh-sạch-đẹp. Và chỉ trong thôn nhỏ này nhưng đã có đến 5 hộ đạt vườn mẫu cấp tỉnh, 3 hộ đạt vườn mẫu cấp huyện, 5 hộ đạt vườn mẫu cấp xã...
Vườn mẫu của anh Lê Viết Toàn cho thu nhập cao nhất thôn với gần 700 triệu đồng/năm, trong đó cây cam đóng góp 2/3 tổng thu nhập
Từ một vùng thuần nông, quanh năm thiếu ăn, thì nay thu nhập bình quân đầu người lên đến trên 38 triệu đồng/năm. Nhờ chăm lo lao động sản xuất, biết tận dụng các tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển kinh tế trang trại, gia trại nên đã có 15 hộ có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; cá biệt có những hộ thu nhập từ 300-700 triệu đồng như hộ anh Lê Viết Toàn, Nguyễn Văn Hòa, Phan Thị Tuyết...
Kinh tế đi lên, đời sống tinh thần của người dân Hương Phố cũng đã có nhiều cải thiện. Ngoài nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp thì các thiết chế văn hóa đi kèm cũng đã cơ bản đáp ứng được mức độ hưởng thụ của bà con. Mấy năm liên tục thôn đã giữ vững được danh hiệu “Thôn văn hóa”, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 97%, tất cả đều có phương tiện đi lại, nghe nhìn...