Video: Chị Lê Thị Nguyên nói về hiệu quả của sản xuất sắn nguyên liệu
Với 5 ha vườn đồi trước đây trồng keo tràm giá trị thấp, những năm gần đây, gia đình chị Lê Thị Nguyên (thôn Sơn Minh 2, xã Kỳ Sơn) chuyển sang trồng sắn nguyên liệu cho Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh đóng trên địa bàn. Những ngày này, chị phải thuê thêm nhân công thu hoạch để kịp xuất bán cho nhà máy.
Vườn sắn của chị Nguyên đang thu hoạch đại trà
Theo chị Nguyên, những năm trước, sắn bị bệnh khảm lá khiến năng suất, sản lượng và đặc biệt là hàm lượng tinh bột đều đạt thấp, kéo theo giá thu mua không cao. Bình quân mỗi ha chỉ đạt 16 tấn củ, hàm lượng tinh bột đạt 29%; nhà máy thu mua 2.300 đồng/kg.
Năm nay, nhờ thực hiện chủ trương và chính sách của huyện về chuyển đổi bộ giống mới, bệnh khảm lá đã giảm hẳn, năng suất đạt trên 20 tấn/ha. Đặc biệt, hàm lương tinh bột tăng cao, đạt gần 30%; nhà máy thu mua gần 2.700 đồng/kg.
Chị Lê Thị Nguyên tham gia cùng các nhân công thu hoạch sắn tránh đợt gió mùa mới.
“Năm nay, sắn vừa được mùa, vừa được giá nên chúng tôi rất phấn khởi. Với giá thu mua khá cao, trừ hết chi phí, chúng tôi còn lãi trên 200 triệu đồng; cao gấp hàng chục lần so với trồng keo”, chị Nguyên khẳng định.
Chị Nguyên cũng mong muốn thời gian tới, để sản xuất ổn định, các ngành chức năng và địa phương thường xuyên quan tâm giúp đỡ bà con, đặc biệt là theo dõi, hỗ trợ cung ứng nguồn giống sạch bệnh để yên tâm đầu tư cho cây sắn.
Năm nay sắn được mùa, hàm lượng tinh bột cao và giá bán cũng cao hơn nhiều các năm trước
Là xã có điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất cây sắn công nghiệp, đặc biệt có nhà máy chế biến đóng trên địa bàn, thời gian qua, xã Kỳ Sơn đã có nhiều giải pháp phát triển cây sắn, coi đây là cây trồng chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Xã tạo mọi điều kiện để tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng, đồng thời tranh thủ chính sách khuyến khích của huyện để mở rộng diện tích.
Năm 2022, tổng diện tích trồng sắn của xã trên 270 ha, năng suất bình quân đạt hơn 20 tấn/ha; sản lượng gần 5.500 tấn, tăng hơn 1.000 tấn so với năm 2021. Doanh thu bình quân 54 triệu đồng/ha, tăng 13 triệu đồng/ha so với năm 2021.
Một năm người trồng sắn Kỳ Anh phấn khởi nhờ sắn vừa được mùa vừa được giá
Không chỉ xã Kỳ Sơn, năm nay, người trồng sắn ở huyện Kỳ Anh đều rất phấn khởi bởi sắn vừa được mùa, vừa được giá. Với 10 sào đất đồi trước đây trồng nhiều loại cây màu kém hiệu quả, gần đây, gia đình chị Lê Thị Dung ở xã Kỳ Tân chuyển sang trồng sắn và năm 2022 này được mùa nhất.
Chị Dung cho biết: “Sau 2 năm sản xuất sắn, đây là năm gia đình phấn khởi nhất vì năng suất và hàm lượng tinh bột đạt cao nên nhà máy thu mua với giá tốt, trên dưới 2.700 đồng. Trừ các chi phí, người trồng còn có lãi khá”.
Người dân Kỳ Tân thu hoạch sắn
Giá sắn tăng cao, thu nhập đảm bảo, đây là điều kiện quan trọng để các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tập trung mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập và đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu tại chỗ cho nhà máy.
Theo ông Nguyễn Xuân Mến - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, năm nay, tổng diện tích sắn toàn xã chỉ đạt 250 ha, giảm trên 50 ha so với trước đây, tuy nhiên, nhờ ngăn chặn được bệnh khảm lá nên năng suất và chất lượng được nâng cao, giá bán cũng tăng khá nên người trồng sắn rất phấn khởi. Nếu tiếp tục giữ được đà này thì thời gian tới, diện tích trồng sắn của Kỳ Thượng sẽ được khôi phục và mở rộng thêm.
Cây sắn nguyên liệu Kỳ Anh đang đứng trước cơ hội khôi phục và mở rộng diện tích
Huyện Kỳ Anh từng có diện tích trồng sắn đạt gần 2.000 ha. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như: liên kết sản xuất không chặt chẽ với doanh nghiệp, bệnh khảm lá hoành hành… nên người trồng giảm dần diện tích theo từng năm. Hiện toàn huyện chỉ còn lại khoảng 1.300 ha sắn, tập trung ở các xã: Kỳ Sơn, Kỳ Thượng, Lâm Hợp, Kỳ Tây, Kỳ Tân, Kỳ Trung…
Theo ông Trần Bá Toàn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh, vụ sắn 2022 được mùa, được giá, sẽ khuyến khích người trồng đầu tư sản xuất, mở rộng diện tích.
Một góc Nhà máy Chế biến sắn Kỳ Anh
Ngay từ vụ sắn 2023, huyện sẽ xây dựng kế hoạch sản xuất, quy hoạch các vùng trồng nguyên liệu tập trung; tổ chức tập huấn, tuyên truyền về các chủ trương chính sách của các cấp, phổ biến quy trình trồng, chăm sóc và phòng bệnh, nhất là bệnh khảm lá. Cùng đó, phối hợp với Nhà máy Chế biến tinh bột sắn cung cấp giống sạch bệnh cho Nhân dân; tạo mối liên kết chặt chẽ để người trồng có thu nhập ổn định, từng bước mở rộng vùng nguyên liệu. Nhà máy cũng chủ động được nguồn nguyên liệu, ổn định sản xuất, kinh doanh.