Sâu lạ, bệnh sương mai “tấn công”, nhiều vựa dưa ở Hà Tĩnh nguy cơ mất trắng

(Baohatinh.vn) - Nếu như thời điểm này năm trước, nông dân các vựa dưa lê ở Thạch Hà, Lộc Hà (Hà Tĩnh) chuẩn bị vào vụ thu hoạch thì năm nay nhiều diện tích đã bị sâu bệnh, thời tiết bất lợi khiến người trồng dưa nơi đây đứng ngồi không yên…

Sâu lạ, bệnh sương mai “tấn công”, nhiều vựa dưa ở Hà Tĩnh nguy cơ mất trắng

Nhiều diện tích dưa lê trên địa bàn Thạch Liên đến thời kỳ phát triển thì gặp sâu bệnh tấn công

Trên cánh đồng dưa lê thôn Thọ - xã Thạch Liên, thay vì quả chồng quả trắng ruộng như những mùa trước, thì năm nay dưa héo rũ, nhiễm bệnh hàng loạt, quả còi cọc, xác xơ...

“Nhà tôi canh tác 5 sào dưa, năm ngoái thu về 40 triệu đồng, nhưng năm nay dưa bị sâu bệnh tàn phá nghiêm trọng. Dù chúng tôi đã cố gắng cứu chữa nhưng không hiệu quả. Cây dưa cứ héo và chết dần, còn quả dưa lê lớn bằng nắm tay rồi rụng đầy gốc, xót xa lắm” - ông Đinh Văn Hùng ở thôn Thọ buồn nói.

Sâu lạ, bệnh sương mai “tấn công”, nhiều vựa dưa ở Hà Tĩnh nguy cơ mất trắng

Dưa lê cứ đến kỳ ra hoa, đậu quả thì lá lại cháy vàng, cây héo úa rồi chết dần

Ông Lê Hữu Trung - Trưởng thôn Thọ cho biết: “Vùng trồng dưa lê Thạch Liên với khoảng 8 ha, trên 70 hộ gia đình sản xuất. Những năm trước, trung bình mỗi ha mang về thu nhập cho người trồng dưa khoảng 300 triệu đồng thì năm nay, thời tiết bất lợi, mưa nắng thất thường nên dưa không phát triển được lại còn bị sâu bệnh tấn công. Hiện nay, dưa mới cho quả bói nhưng một số nơi cây đã bắt đầu chết ẻo vì sâu, quả không phát triển được. Với thực trạng này, sản lượng dưa may lắm chỉ bằng một nửa so với vụ dưa 2019, thậm chí nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ mất trắng”.

Qua tìm hiểu, loại sâu bệnh gây hại dưa lê ở Thạch Liên lần này chưa từng xuất hiện trước đó nên việc phòng, trừ của người dân gặp nhiều khó khăn khó khăn.

Sâu lạ, bệnh sương mai “tấn công”, nhiều vựa dưa ở Hà Tĩnh nguy cơ mất trắng

Bên cạnh việc tấn công cây, sâu bệnh còn gây hại làm cho quả thì bị thối

Trước thực trạng trên, Trung tâm Ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Thạch Hà đã cử người xuống kiểm tra, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm đi kiểm nghiệm.

Tại xã Thịnh Lộc (Lộc Hà), chỉ sau 1 tuần, bệnh sương mai kèm mưa lớn đã khiến 15ha dưa lê sắp bước vào vụ thu hoạch của nông dân hư hại không thể cứu vãn, ước tính tổn thất lớn.

Sâu lạ, bệnh sương mai “tấn công”, nhiều vựa dưa ở Hà Tĩnh nguy cơ mất trắng

Sâu bệnh tấn công nhanh cùng mưa lớn đợt vừa qua khiến nhiều ruộng dưa chuẩn bị thu hoạch bị hư hỏng

Anh Nguyễn Văn Đàn ở thôn Nam Sơn (Thịnh Lộc, Lộc Hà) cho biết: “Hơn 1 tuần trước khi 2 sào ruộng dưa lê bắt đầu chín bói. Ước tính mỗi gốc có thể đạt năng suất 4,5 kg, chỉ riêng 2 sào gồm 350 gốc này tôi ước tính đạt 1,5 tấn quả, thu 35 - 40 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 1 tuần, ruộng dưa bỗng vàng úa, chưa kịp xử lý thì mưa lớn trong 2 ngày 10 - 11/4 vừa qua đã khiến công sức gần 3 tháng nay mất trắng”.

Anh Đàn cho biết, vụ dưa lê này, anh gieo trồng 5 sào. Ngoài 2 sào đang bước vào thời kỳ thu hoạch, số diện tích còn lại đang thời kỳ tỉa ngọn cũng bị bệnh sương mai và mưa lớn làm hư hại nặng, khó phục hồi.

Sâu lạ, bệnh sương mai “tấn công”, nhiều vựa dưa ở Hà Tĩnh nguy cơ mất trắng

Vụ dưa xuân 2020, anh Nguyễn Văn Đàn ở thôn Nam Sơn (Thịnh Lộc, Lộc Hà) bị thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.

Không chỉ anh Đàn, nhiều hộ trồng dưa khác tại thôn Nam Sơn cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Được biết, hiện nay, tại xã Thịnh Lộc có 3 thôn (Nam Sơn, Yên Định, Hòa Bình) với 150 hộ gia đình lấy cây dưa lê làm cây trồng chủ lực trong vụ xuân; riêng thôn Nam Sơn có 90 hộ trồng dưa, chiếm 70% diện tích trồng toàn xã.

Thời tiết thất thường cùng sâu bệnh khó kiểm soát khiến người trồng dưa xã Thịnh Lộc gặp khó.

Sâu lạ, bệnh sương mai “tấn công”, nhiều vựa dưa ở Hà Tĩnh nguy cơ mất trắng

Dưa lê Thịnh Lộc bị bệnh sương mai lại gặp mưa lớn nên nông dân không kịp ứng phó.

Dịch bệnh tấn công, thời tiết không thuận lợi không chỉ khiến các ruộng dưa trồng đại trà của người dân bị thiệt hại mà hơn 2 ha nằm trong dự án mô hình sản xuất dưa an toàn của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi của huyện Lộc Hà tại đây cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Sâu lạ, bệnh sương mai “tấn công”, nhiều vựa dưa ở Hà Tĩnh nguy cơ mất trắng

Ruộng dưa trong dự án mô hình trồng dưa an toàn của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà.

Ông Phan Trọng Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà, cho biết: “Qua khảo sát, kiểm tra, chúng tôi phát hiện dịch bệnh tấn công cây dưa lê trên địa bàn xã Thịnh Lộc là bệnh sương mai, một bệnh thường gặp trên loại cây trồng này. Tuy nhiên, diễn biến của bệnh dịch nhanh lại gặp thời tiết bất thường nên dù đã hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ vẫn không thể khắc phục kịp thời”.

Sâu lạ, bệnh sương mai “tấn công”, nhiều vựa dưa ở Hà Tĩnh nguy cơ mất trắng

Những ruộng dưa trồng gần bãi biển, nơi được xem là có tính kháng bệnh cao cũng không thoát khỏi dịch bệnh và thời tiết thất thường.

Theo ông Nguyễn Khắc Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc: Với 15 ha trồng dưa, mỗi ha thu nhập khoảng 400 triệu đồng, dự kiến nông dân Thịnh Lộc sẽ thu về khoảng 3 tỷ đồng trong vụ xuân. Tuy nhiên, dịch bệnh và mưa lớn vừa qua khiến toàn bộ diện tích bị hư hại 80%, với 20% còn lại có thể phục hồi nhưng năng suất sẽ giảm hơn 1 nửa.

Về giải pháp sắp tới, UBND xã Thịnh Lộc khuyến khích các hộ phá bỏ số diện tích bị hư hại, xử lý đất kỹ để diệt mầm bệnh và gieo trồng lứa mới hoặc trồng các giống cây ngắn ngày khác nhằm giảm bớt thiệt hại trong vụ xuân.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.