Sâu nặng tình yêu nghề chữa bệnh cứu người

(Baohatinh.vn) - Khi sắc xuân ngập tràn khắp đất trời, người người nô nức sắm sửa đón tết thì tại các cơ sở y tế ở Hà Tĩnh, đội ngũ y, bác sỹ vẫn miệt mài trong phòng bệnh, phòng xét nghiệm để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Với họ, niềm vui lớn nhất là khi bệnh nhân được hồi phục để sớm trở về quây quần bên gia đình.

Đêm đã về khuya nhưng chị Phạm Thị Huyền - Trưởng khoa Vi sinh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) vẫn cùng các đồng nghiệp cần mẫn bên labo xét nghiệm để kịp thời cung cấp kết quả phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị cho người bệnh.

Sâu nặng tình yêu nghề chữa bệnh cứu người

Cán bộ Khoa Vi sinh (BVĐK tỉnh) nỗ lực thực hiện tốt công tác xét nghiệm phục vụ cho chẩn đoán, điều trị.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Huyền chia sẻ, từ năm 2021 đến những tháng đầu năm 2022 là thời điểm vô cùng áp lực với anh chị em làm xét nghiệm khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Tưởng chừng khi dịch tạm lắng sẽ có những phút giây nghỉ ngơi, nhưng nhiều loại dịch bệnh khác như: sốt xuất huyết, cúm A, cúm B, Adenovirus… lại diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân gia tăng đột biến so với nhiều năm trước.

“Số mẫu xét nghiệm COVID-19 giảm nhưng số lượng mẫu xét nghiệm các loại bệnh dịch khác gia tăng không ngừng nên guồng quay công việc gần như không thay đổi nhiều so với thời điểm chống dịch. Thêm vào đó là vật tư, sinh phẩm thiếu thốn nên khó khăn lại thêm phần khó khăn. Chúng tôi đã nỗ lực vượt qua những giây phút yếu mềm bằng tình yêu nghề, đưa đến cho người bệnh những kết quả xét nghiệm chính xác, chất lượng nhất - chị Huyền tâm sự.

Sâu nặng tình yêu nghề chữa bệnh cứu người

Các y, bác sỹ luôn đồng hành với người bệnh.

Với bác sỹ Nguyễn Mạnh Cường - Khoa Nội I (Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh), tình yêu nghề đối với anh là được đồng hành, sát cánh cùng với người bệnh và các đồng nghiệp trong mọi hoàn cảnh. Bác sỹ Cường nhớ lại: “Giữa năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh, là một trong những người đi đầu vào khu điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, gặp gỡ, tiếp xúc và nhìn thấy sự hoang mang, lo lắng, sợ hãi của bệnh nhân, mình đã thầm nghĩ và quyết tâm ngay trong hoàn cảnh này, người thầy thuốc phải là điểm tựa vững chắc cho người bệnh”.

Bác sỹ Trương Hồng Lĩnh - Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh bộc bạch: “Trong đại dịch, bệnh viện thành trung tâm chữa trị nhiều nhất cho bệnh nhân COVID-19. Anh em phải ở lại đơn vị hằng tháng trời, xa gia đình, làm việc trong môi trường áp lực khủng khiếp. Đại dịch đi qua, bệnh viện lại phải đối mặt với nhiều thiếu thốn về vật tư, trang thiết bị, chế độ, chính sách chưa được chi trả kịp thời... Điều kiện ngặt nghèo như vậy nhưng các y, bác sỹ trong đơn vị vẫn không ai dứt áo ra đi, dẫu cho thời điểm đó có không ít lời mời gọi”.

Sâu nặng tình yêu nghề chữa bệnh cứu người

Hệ thống y tế cơ sở đang nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân.

Ở tuyến cơ sở, trong điều kiện làm việc còn thiếu thốn, các y, bác sỹ cũng thầm lặng cống hiến, dành tình yêu thương, sự sẻ chia cho người bệnh. Với bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hòa Hải (Hương Khê), được đón bệnh nhân, chăm sóc sức khỏe cho người dân tốt nhất tại nơi khám chữa bệnh ban đầu là niềm hạnh phúc mỗi ngày ở địa bàn biên giới của huyện miền núi Hương Khê.

Năm 2006, bác sỹ Dũng tốt nghiệp Trường Đại học Y Thái Bình. Thay vì lựa chọn cho mình một cơ hội làm việc ở những bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thì anh lại chọn về với Trạm Y tế xã Hương Bình. Sau 11 năm công tác tại đây, đến năm 2017, anh tiếp tục chuyển đến công tác tại Trạm Y tế xã Hòa Hải.

Bác sỹ Dũng tâm sự: “Nhiều bạn học của tôi đang công tác tại các bệnh viện lớn vẫn thắc mắc vì sao tôi lại chọn về với y tế cơ sở. Thế nhưng, trong thâm tâm, tôi chưa bao giờ hối hận vì quyết định của mình. Có thể về với trạm y tế thu nhập không bằng các bệnh viện tuyến trên, cơ hội để phát huy, nâng cao năng lực chuyên môn cũng hạn chế nhưng cái được lớn nhất của tôi là được gần gia đình, được cống hiến cho quê hương và hơn hết là được sử dụng những kiến thức đã học để chăm sóc cho người dân ở địa bàn vùng xa, vốn còn nhiều khó khăn”.

Sâu nặng tình yêu nghề chữa bệnh cứu người

Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết 71/2022/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025 để chia sẻ, đồng hành cùng các cơ sở y tế.

Theo quan điểm của bác sỹ Dũng, ở những vùng khó khăn, nhận thức của bà con còn hạn chế thì việc cần bác sỹ để hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết chăm sóc sức khỏe, biết phòng bệnh là hết sức quan trọng, từ đó sẽ hạn chế được nhiều ca bệnh phải nhập viện, chuyển tuyến trên. Gắn bó với sứ mệnh người thầy thuốc đã gần 17 năm, người trạm trưởng ấy đã lặn lội đến từng thôn, xóm, tận hộ gia đình bất kể mưa, nắng, đêm hôm với mong muốn ai cũng được chăm sóc, tư vấn về y tế và sức khỏe.

Dẫu phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách và áp lực nhưng mỗi cán bộ ngành y tế Hà Tĩnh vẫn kiên lòng, bền gan, đoàn kết, đồng lòng vượt khó để đồng hành cùng người bệnh. Tình yêu nghề chân chính, mãnh liệt, niềm yêu thương, sẻ chia với người bệnh là sức mạnh để mỗi cán bộ y tế vượt qua được từng thời khắc đầy khó khăn, vất vả.

Hiện nay, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ nâng phụ cấp lên 100% cho hệ thống y tế cơ sở. Về phía tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 71/2022/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế công lập trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022-2025. Đây là nguồn động viên, khích lệ để các y, bác sỹ vững vàng hơn với sự nghiệp chữa bệnh cứu người, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Bác sỹ Lê Chánh Thành - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.