Say mê điệu ví, câu hò

(Baohatinh.vn) - Được tắm mình trong những làn điệu dân ca ví, giặm từ câu hát của bà, của mẹ nên tình yêu với điệu ví, câu hò luôn cháy bỏng trong nhiều nghệ nhân trẻ Nghệ An và Hà Tĩnh. Với họ, được góp sức để gìn giữ làn điệu dân ca ví, giặm của quê hương là một sứ mệnh đặc biệt.

Say mê điệu ví, câu hò

Chị Phạm Thị Huyền (SN 1988, CLB Dân ca ví, giặm xã An Hòa Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh): Tâm huyết trao truyền làn điệu dân ca.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nguyễn Du, chị Phạm Thị Huyền trở thành giáo viên dạy âm nhạc. Hiện chị là giáo viên Trường THCS Nguyễn Khắc Viện (xã An Hòa Thịnh). Từ đây, chị có thêm điều kiện để trao truyền tình yêu ví, giặm cho học trò. Chị Huyền chia sẻ: “Dân ca ví, giặm là một “món ăn” đặc sản của người Nghệ Tĩnh. Theo thời gian, giới trẻ ít mặn mà với loại hình nghệ thuật này. Vì thế, là một giáo viên, tôi đã và đang cố gắng để dân ca ví giặm được học sinh tiếp nhận”.

Để truyền lửa cho các em, chị Huyền đã lồng ghép hát dân ca vào trong các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt đội, hội thi hay các tiết học âm nhạc. Với nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực của chị Huyền, phong trào hát dân ca ví, giặm tại Trường THCS Nguyễn Khắc Viện nói riêng và xã An Hòa Thịnh nói chung ngày càng phát triển, được người dân đón nhận.

Say mê điệu ví, câu hò

Em Lê Hữu Trường (SN 2001, CLB Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh): Mong muốn cống hiến những làn điệu dân ca.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Cẩm Mỹ, từ nhỏ, Hữu Trường đã được mẹ, bà hát ru bằng những làn điệu ví, giặm của quê hương. Cứ thế, tình yêu với âm nhạc quê nhà đã lớn lên trong trái tim Hữu Trường và em chọn thi vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Sau 4 năm rèn giũa, Hữu Trường trở về Hà Tĩnh với mong muốn cống hiến giọng hát của mình cho người dân quê nhà.

Hữu Trường chia sẻ: “Với em, quê hương là cái nôi ngọt ngào và ấm áp đã nuôi nấng em trưởng thành, vun đắp cho em tình yêu với làn điệu dân ca ví, giặm trữ tình, sâu lắng. Thế nên, có cơ hội được hát để người dân quê mình nghe, em cảm thấy vui và tự hào. Em hy vọng bản thân sẽ có thêm nhiều cơ hội để tiếp tục cống hiến tại quê hương và lan tỏa tình yêu ví, giặm tới mọi người”.

Tại CLB Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ, Hữu Trường đang là nhân tố trẻ, có nhiều hoạt động tích cực và thành tích nổi bật. Với sự nỗ lực của bản thân, hi vọng Hữu Trường sẽ sớm đạt nhiều thành công hơn trên con đường theo đuổi làn điệu dân ca ví, giặm.

Say mê điệu ví, câu hò

Em Nguyễn Thị Thu Hà (SN 2002, CLB Dân ca ví, giặm Nguyễn Công Trứ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh): Nỗ lực trau dồi để thể hiện tốt nhất làn điệu ví, giặm.

Vốn yêu thích những làn điệu dân ca ví, giặm ngọt ngào, lại được sinh ra và lớn lên trên quê hương danh nhân Nguyễn Công Trứ nên Thu Hà đã yêu làn điệu này từ thuở thơ bé. Với Thu Hà, khi được cất lên giọng hát, hòa mình với điệu ví, giặm là lúc em cảm thấy tâm hồn an yên lạ kỳ.

Thu Hà bộc bạch: “Mê dân ca ví, giặm nên từ lúc 5 tuổi, em đã được gia đình tạo điều kiện để tập hát. Khi tham gia các sân khấu lớn, em mong muốn được rèn giũa để có thể hát hay nhất làn điệu dân ca ví, giặm quê mình”.

Tại CLB Dân ca ví, giặm Nguyễn Công Trứ, Thu Hà cũng là một thành viên sôi nổi. Em đã cùng CLB đi biểu diễn tại nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, giành được nhiều phần thưởng lớn. Đặc biệt, mới đây, tại Liên hoan dân ca ví, giặm toàn tỉnh, Thu Hà đã cùng CLB giành giải nhất toàn đoàn.

Say mê điệu ví, câu hò

Em Lê Thảo Nhi (SN 2015, CLB Dân ca ví, giặm Đông Hiếu, TX Thái Hòa, Nghệ An): Em yêu ví, giặm quê mình!

Là thành viên nhỏ tuổi nhất tham gia Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ V, cụm IV - năm 2023, Lê Thảo Nhi đã đạt giải “Diễn viên ít tuổi trình diễn xuất sắc nhất”. Bên cạnh đó, em còn đạt giải A với tiết mục “Lời mẹ hát”.

Được đánh giá có năng khiếu bẩm sinh, khả năng cảm thụ âm nhạc tốt, tiếp thu nhanh nên Thảo Nhi sớm bộc lộ tài năng của mình. Dù mới 8 tuổi nhưng Thảo Nhi cũng đã có trong tay nhiều thành tích nổi bật tại các cuộc thi hát dân ca ví, giặm.

Thảo Nhi cho biết: “Nghệ nhân Ưu tú Trần Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao và Truyền thông TX Thái Hòa đã phát hiện ra khả năng và rèn dạy cho em thêm nhiều kỹ năng hát dân ca, truyền lửa đam mê cho em, dẫn dắt em theo đuổi dân ca ví, giặm. Giờ đây, em có thể khẳng định bản thân rất yêu làn điệu ví, giặm quê mình”.

Say mê điệu ví, câu hò

Em Lê Anh Quân (SN 2007, CLB Dân ca ví, giặm phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, Nghệ An): Quê hương và gia đình đã vun đắp tình yêu với dân ca ví, giặm.

Có bố là Nghệ nhân Ưu tú Lê Tiến Huy - người đã dành rất nhiều tình cảm cho dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh nên từ nhỏ, Lê Anh Quân đã được bố chỉ dạy để học hát những làn điệu đặc biệt này. Anh Quân đã tham gia nhiều chương trình, cuộc thi hát dân ca, từ đây, em đã tích lũy được cho bản thân nhiều kinh nghiệm.

Hiện Anh Quân đang là học sinh lớp 11 - Trường THPT Hà Huy Tập (TP Vinh). Bên cạnh việc học tốt các môn văn hóa, Anh Quân cũng đang theo học chương trình trung cấp thanh nhạc tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An.

Anh Quân chia sẻ: “Quê hương và gia đình, đặc biệt là bố đã truyền động lực và vun đắp tình yêu dân ca ví, giặm cho em. Vì thế, em luôn mong muốn bản thân được học tập thanh nhạc một cách chuyên nghiệp. Dù sau này em có thể tlàm công việc khác, song, tình yêu và sự đam mê với âm nhạc, với làn điệu dân ca ví, giặm sẽ không bao giờ tắt trong trái tim em”.

Say mê điệu ví, câu hò

Chị Nguyễn Thị Thu (SN 1989, CLB Dân ca ví, giặm xã Châu Nhân, Hưng Nguyên, Nghệ An): Mãi là cầu nối văn hóa của Nghệ An và Hà Tĩnh.

Vốn có năng khiếu âm nhạc nên sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An với chuyên ngành thanh nhạc, chị Nguyễn Thị Thu đã tham gia các hoạt động, chương trình hát dân ca ví, giặm.

Là Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm xã Châu Nhân với 36 thành viên, chị Thu mong muốn bản thân có thể cống hiến thật nhiều cho sự phát triển của ví, giặm. Cùng với các thành viên trong CLB, chị Thu đã vực dậy phong trào hát dân ca ví, giặm tại địa phương.

Chị Thu chia sẻ: “Những tinh hoa của làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã truyền cho tôi ngọn lửa đam mê với loại hình nghệ thuật này. Tôi mong muốn bản thân cùng các nghệ nhân trẻ tuổi ở đôi bờ sông Lam sẽ là những cầu nối tích cực để gắn kết văn hóa 2 tỉnh, từ đó, khơi dậy tình yêu dân ca trong các tầng lớp nhân dân, giúp ví, giặm được trao truyền tới các thế hệ sau”.

Chủ đề Nghệ thuật dân gian

Đọc thêm

Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Thắp sáng giá trị gia đình Việt giữa nhịp sống mới

Bằng nhiều cách tiếp cận và truyền tải linh hoạt, ngành VH-TT&DL Hà Tĩnh đang nỗ lực làm mới công tác gia đình, để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp tiếp tục được khơi dậy và lan tỏa trong cộng đồng.
Khi ví, giặm "chạy show"…

Khi ví, giặm "chạy show"…

Không còn đơn thuần xuất hiện trên sân khấu hội diễn tuyên truyền, dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh từng bước hiện diện trong các show diễn giải trí, chuyển hóa thành sản phẩm của công nghiệp văn hóa.
Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Anh Nghĩa làm nhiều việc nghĩa

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như hiến đất mở đường, giúp đỡ người nghèo, tích cực trong các hoạt động của địa phương, anh Trương Quang Nghĩa, thôn Bắc Thượng, xã Thạch Đài (TP Hà Tĩnh) đã góp sức làm cho quê hương thay da đổi thịt.
Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Đình làng - nơi lưu giữ những giá trị truyền thống

Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng quê trong tâm thức bao thế hệ. Trong đó, đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mỗi làng quê, đang cần được khôi phục và phát huy.
Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Người gieo "hạt giống" đoàn kết

Ông Hồ Duy Lý - Bí thư Chi bộ thôn Song Hải, xã Thạch Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) luôn là tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì dân, sống trọn nghĩa đạo - đời.
Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Cô gái trẻ Hà Tĩnh 22 tuổi, 21 lần hiến máu

Hơn 4 năm kể từ lần đầu tiên hiến máu, đến nay, ở độ tuổi 22, Hoàng Thị Hồng Thương (xã Đan Trường, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã có đến 21 lần tham gia hiến máu và hiến tiểu cầu.
Thuyết minh viên Đào Anh Tuân: Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Người “kết nối” lịch sử và hiện tại

Học Bác từ những điều bình dị, giản đơn để làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, hơn 20 năm nay, anh Đào Anh Tuân - Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng (Hà Tĩnh) trở thành người “kết nối” lịch sử nơi “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc.
Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Ông bí thư bán cả gia tài giúp làng quê đổi mới

Nhận trọng trách Bí thư Chi bộ thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), ông Mai Văn Tường gương mẫu đi đầu, "thắp lửa" cho phong trào xây dựng nông thôn mới bằng quyết tâm cao, nghị lực lớn và cả những hy sinh để biến một làng quê khó khăn thành điểm sáng.
Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Biến hàng rào thành điểm nhấn xanh: Xu hướng mới tại TP Hà Tĩnh

Những hàng rào bằng tường gạch khô cứng hay thép gai sắc nhọn được thay thế bằng cây xanh kết hợp với bồn hoa. Đây là cách mà một số cơ quan, đơn vị, nhà văn hóa hay nhà dân trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh làm mới hàng rào, xanh hóa không gian, tạo cảnh quan thoáng đãng, sạch đẹp.
Lửa nguồn thắp sáng khát vọng vươn mình

Lửa nguồn thắp sáng khát vọng vươn mình

Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn tiền nhân... chính là mạch nguồn bền bỉ, kiến tạo và nuôi dưỡng sức mạnh dân tộc, đưa đất nước Việt Nam không ngừng đi tới.