“Sức bật” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã sau sáp nhập ở Thạch Hà

(Baohatinh.vn) - Chưa đầy 2 năm, phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao đã và đang làm thay đổi diện mạo các xã sau sáp nhập tại Thạch Hà (Hà Tĩnh).

“Sức bật” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã sau sáp nhập ở Thạch Hà

Ông Nguyễn Đăng Hà (thôn Trằm, xã Việt Tiến) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.

Khu vườn rộng 1.300 m2 của ông Nguyễn Đăng Hà (thôn Trằm, xã Việt Tiến) đa dạng các loại cây ăn quả như: bưởi, hồng xiêm, na, táo, chanh... là một trong những vườn mẫu đẹp ở địa phương. Đây cũng là 1 trong 5 hộ có vườn mẫu được công nhận đạt chuẩn của xã Việt Tiến trong đợt 1 (tháng 6/2021).

Ông Hà chia sẻ: “Kết quả mà chúng tôi có được là công sức sau 2 năm chăm sóc của cả gia đình. Vườn được quy hoạch khu trồng cây ăn quả, trồng chè, rau màu, chăn nuôi, khu vệ sinh.. khá hợp lý nên không chỉ có giá trị về mặt kinh tế, mà còn được ghi nhận về mặt thẩm mỹ. Đó cũng là cách gia đình chúng tôi đóng góp vào phong trào NTM nâng cao, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Từ những mô hình xây dựng vườn mẫu như gia đình ông Hà, người dân Việt Tiến đang tích cực, phấn đấu xây dựng thêm 5 vườn nữa, nhằm đạt mục tiêu đề ra đến cuối năm nay.

“Sức bật” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã sau sáp nhập ở Thạch Hà

Một góc khu vườn đã được “quy hoạch” của gia đình ông Hà.

Thời điểm mới sáp nhập 3 xã Việt Xuyên, Phù Việt và Thạch Tiến thành xã Việt Tiến (đầu năm 2020), toàn xã mới chỉ có 4 khu dân cư kiểu mẫu, 10 vườn mẫu. Địa bàn rộng, cán bộ mỏng, đòi hỏi việc thực hiện phong trào xây dựng NTM nâng cao phải quyết liệt hơn nhiều.

“Giải pháp chúng tôi đưa ra là thành lập đoàn công tác của xã gồm 10 người, phân công chỉ đạo chéo địa bàn 3 xã cũ. Cách làm này không chỉ giúp cán bộ xã am hiểu địa bàn sau sáp nhập mà cũng có điều kiện gần dân, hiểu dân, thẳng thắn, khách quan hơn trong công tác chỉ đạo, góp phần thúc đẩy phong trào tại địa phương”, Bí thư Đảng ủy xã Việt Tiến Phạm Nam Anh phân tích.

“Sức bật” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã sau sáp nhập ở Thạch Hà

Đường vào thôn Long Minh (xã Việt Tiến) hôm nay.

Với cách làm hiệu quả này, gần 2 năm sau sáp nhập, xã Việt Tiến hiện có 70 vườn mẫu, 13/15 khu dân cư kiểu mẫu; 100% đường giao thông nội đồng được bê tông hóa. Trong năm 2021, toàn xã có thêm 2,7km đường rải nhựa Carboncor Asphalt. Thành quả này là “đòn bẩy” để xã tăng tốc, phấn đấu về đích NTM nâng cao vào năm 2022.

“Sức bật” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã sau sáp nhập ở Thạch Hà

Không gian xanh - sạch - đẹp ở vùng quê Lưu Vĩnh Sơn.

Tại xã Lưu Vĩnh Sơn, sau khi sáp nhập từ 3 xã (Thạch Lưu, Thạch Vĩnh, Bắc Sơn), cấp ủy, chính quyền đã sớm ổn định tổ chức bộ máy, ban hành quy chế hoạt động chung để tạo sự thống nhất trong 18 thôn và tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực nhằm xây dựng xã NTM nâng cao.

Xã đã tập trung xây dựng thêm các khu dân cư kiểu mẫu, trong đó tập trung chỉnh trang vườn hộ, san đắp lề đường, xây dựng rãnh thoát nước, làm hàng rào xanh ở các khu dân cư. Đây là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi phải huy động nguồn lực lớn. Để kịp thời triển khai thực hiện, HĐND xã đã ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM năm 2020.

“Sức bật” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã sau sáp nhập ở Thạch Hà

Thôn Vĩnh An - một trong những khu dân cư NTM kiểu mẫu của xã Lưu Vĩnh Sơn.

Từ 4 khu dân cư kiểu mẫu, 8 vườn mẫu năm 2020, đến nay, toàn xã đã có 11/18 khu dân cư kiểu mẫu; 60 vườn mẫu; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%; thu nhập bình quân đầu người gần 41 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm, địa phương tiếp tục hoàn thành xây dựng thêm 4 khu dân cư mẫu, 20 vườn mẫu để phấn đấu về đích NTM nâng cao.

“Nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền tăng cường phát động phong trào thi đua và tổ chức cán bộ về thôn trực tiếp tham gia vào 2 ngày thứ 4 và thứ 7. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền các gương điển hình, các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phong trào xây dựng NTM nâng cao để người dân tham khảo, học hỏi. Sự chỉ đạo quyết liệt, gắn bó, trách nhiệm của cán bộ xã cùng những cách làm quyết liệt, kịp thời đã tạo niềm tin, khí thế cho phong trào, khơi dậy nội lực trong Nhân dân”, Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn Dương Anh Dũng chia sẻ.

Ở xã Nam Điền, sau gần 2 năm sáp nhập (xã Nam Hương và Thạch Điền), vùng đất phía Tây Nam huyện Thạch Hà cũng đang ngày càng khởi sắc. Một trong những giải pháp quan trọng được Chủ tịch UBND xã Nam Điền Nguyễn Sỹ Quý đề cập là huy động nguồn lực (chủ yếu là từ nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, tiền cấp đất) và kêu gọi đầu tư.

“Tính từ năm 2020 đến nay, xã đã đầu tư 12 tỷ đồng cho xây dựng NTM nâng cao. Nguồn kinh phí này cùng với sự đóng góp của người dân, con em xa quê và các chính sách hỗ trợ của huyện, của tỉnh, chúng tôi tập trung vào nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông. Trong 2 năm, xã đã nâng cấp mặt đường, rải thảm nhựa Carboncor Asphalt thêm 10 km; đầu tư các thiết chế văn hóa như lát gạch, công trình vui chơi cho người già, trẻ em tại 15/15 nhà văn hóa thôn”, ông Nguyễn Sỹ Quý chia sẻ.

“Sức bật” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã sau sáp nhập ở Thạch Hà

Vườn nho Hạ Đen của gia đình anh Phan Văn Dần ở thôn Lâm Hưng (xã Nam Điền) là mô hình trồng nho đầu tiên của Hà Tĩnh. (Ảnh chụp tháng 11/2020).

Hiện, thu nhập bình quân đầu người ở Nam Điền ở mức 42 triệu/người/năm, tiêu chí này cũng đang được địa phương tiếp tục chú trọng thực hiện. Nam Điền cũng là 1 trong 5 xã của huyện Thạch Hà đăng ký về đích NTM nâng cao trong năm 2021.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực NTM huyện Thạch Hà Lê Minh Sơn đánh giá: “Sau sáp nhập, các xã đã kiện toàn bộ máy và thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM; có sự phân công nhiệm vụ cho các thành viên theo từng tiêu chí, theo từng địa bàn. Đồng thời, sớm rà soát, xây dựng kế hoạch theo tiêu chí NTM nâng cao; tập trung thực hiện và phát động các đợt cao điểm chỉnh trang khu dân cư; duy trì được các cuộc đối thoại với Nhân dân để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.... Với sự quyết liệt của các cấp chính quyền cùng với sự đồng thuận của Nhân dân, hy vọng năm 2021, các xã đã đăng ký về đích sẽ NTM nâng cao của huyện sẽ đạt các tiêu chí đề ra”.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.