Huyện Lộc Hà có 1.500 cơ sở sản xuất CN-TTCN, năm 2008, giá trị sản xuất đạt 380 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân là 15%/năm. Thời gian qua, huyện tiếp tục có nhiều chính sách để phát triển CN - TTCN, tận dụng lợi thế về đánh bắt, chế biến thuỷ sản, từng bước phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Đến thời điểm hiện tại, cụm công nghiệp Thạch Kim có 70 cơ sở sản xuất đăng ký hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 75,65 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đạt 86% trong đó, khu cấp đông 29%, khu kho đông - dịch vụ 4,4%, khu chế biến ruốc nước mắm 20%, khu sân phơi ruốc 23,6%, khu nướng cá 2,6%, bến xe cá 6,4%.
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng UBND huyện Lộc Hà - Lê Hồng Cơ báo cáo tình hình phát triển CN - TTCN trên địa bàn thời gian qua.
Cụm công nghiệp Thạch Kim hiện đang giải quyết việc làm cho gần 850 lao động tại địa phương với doanh thu hơn 250 tỷ đồng/năm, đóng góp vào cơ cấu kinh tế của huyện và tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế địa phương.
Phó Giám đốc sở KH&ĐT tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Văn Sơn: Lộc Hà cần quản lý chặt chẽ quy hoạch, vệ sinh môi trường, xây dựng thương hiệu cho các nhà đầu tư hoạt động tại các CCN tại địa phương.
Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt đồ án "Quy hoạch phân khu xây dựng cụm công nghiệp Thạch Bằng và vùng phụ cận" (tỷ lệ 1/2.000) với diện tích 10ha, cụm công nghiệp Thạch Bằng đang trong quá trình tiến hành công bố, cắm mốc quy hoạch, kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để sớm đi vào hoạt động, tạo điều kiện phát triển ngành nghề chế biến thuỷ hải sản, đóng tàu, hậu cần nghề cá.
Phó Giám đốc sở Công thương Hà Tĩnh Lê Xuân Từ: Đề nghị UBND huyện phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng bộ đơn giá sử dụng các dịch vụ công cộng, tiện tích đối với CCN phù hợp với tình hình thực tế tại CCN Thạch Kim để gửi các sở, ngành thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Ngoài ra, trên địa bàn Lộc Hà hiện có 2 làng nghề truyền thống là chế biến thuỷ sản Thạch Kim và chổi đót thôn Hà Ân (Thạch Mỹ), góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Lê Trung Phước: Đề nghị UBND tỉnh xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông đấu nối tỉnh lộ 9 và khu neo đậu tàu thuyền cảng cá Thạch Kim bao quanh CCN Thạch Bằng, tạo điều kiện mời gọi nhà đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng, ngoài cụm công nghiệp Thạch Kim đã đi vào hoạt động thì phần lớn các cơ sở CN - TTCN trên địa bàn huyện còn mang tính chất phân tán, nhỏ lẻ; các cơ sản xuất, đóng tàu tuyền, chế biến thuỷ hải sản xen lẫn vào khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, đe doạ đến sức khoẻ của cộng đồng dân cư; chưa có sản phẩm tiêu biểu tương xứng với tiềm năng của địa phương…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng cho rằng Lộc Hà cần nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó quan tâm đến việc điều chỉnh lại cơ cấu sử dụng đất phù hợp với thực tế.
UBND tỉnh sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ, ưu tiên địa phương nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp Thạch Bằng, phát triển sản xuất kinh doanh; xem xét chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông đấu nối Tỉnh lộ 9 vào cụm công nghiệp Thạch Bằng và tuyến đường cho xe tải trọng lớn dẫn vào cụm công nghiệp Thạch Kim.
* Trước đó, Phó Chủ tịch UBND Dương Tất Thắng cùng đoàn đã có chuyến khảo sát thực tiễn tình hình sản xuất tại cụm công nghiệp Thạch Bằng và khu may gia công của Công ty TNHH May Tôn Trần (An Lộc).
Đoàn trao đổi về vấn đề thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, hệ thống giao thông tại CCN Thạch Bằng...
... tìm hiểu một số vấn đề tại khu may gia công của Công ty TNHH May Tôn Trần (An Lộc).
Tại chuyến thực địa, đoàn đã xem xét các vấn đề đặt ra với sự phát triển CN - TTCN tại địa phương, đặc biệt là vấn đề quy hoạch chi tiết CCN, hệ thống đường giao thông, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, vệ sinh môi trường…