Tết Đoan Ngọ “mùa Covid” ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) ở Hà Tĩnh quê tôi vốn là tết của tình thân, của niềm vui sum họp. Vậy nhưng, năm nay, chúng tôi đón ngày này với những nỗi niềm tiếc nuối, bâng khuâng.

Từ bé, tôi đã quen với việc, tối ngày mùng 4/5 âm lịch, mẹ chuẩn bị sẵn cơm rượu nếp và một vài thứ quả có vị chua như: xoài, mận, chanh. Những thứ quả mà theo giải thích của ông bà, bố mẹ là vị chua sẽ giúp thanh lọc, làm sạch đường tiêu hóa để... “diệt giun sán, sâu bọ”.

Tết Đoan Ngọ “mùa Covid” ở Hà Tĩnh

Những thức quả quen thuộc mang ý nghĩa tâm linh trong lễ tết Đoan Ngọ. (Ảnh minh họa internet).

Sáng mùng 5, mẹ thức chúng tôi dậy sớm hơn mọi ngày. Trước khi bước chân xuống giường, mỗi đứa được mẹ cho ăn một thìa cơm rượu nếp hoặc một thức quả chua. Sau cái “nghi thức” mở đầu ngày mới ấy, mẹ sẽ nấu nước lá thơm để chúng tôi tắm gội sạch sẽ, thơm tho.

Sau này lớn lên, dù không còn sống cùng với bố mẹ nhưng mỗi trưa ngày mùng 5/5, chị em chúng tôi lại tụ họp về nhà để được ăn cơm rượu nếp, xoài mận và quây quần bên mâm cỗ của mẹ.

Năm nay, người dân Hà Tĩnh nói chung, người Lộc Hà quê tôi nói riêng đón một cái tết Đoan Ngọ trong nỗi buồn mang tên Covid-19. Chỉ một thời gian ngắn mà cuộc sống của người dân Hà Tĩnh như đảo lộn, mọi thứ đang yên lành bỗng trở nên “bất thường”.

Tết Đoan Ngọ “mùa Covid” ở Hà Tĩnh

Cuộc sống của người dân Hà Tĩnh bị đảo lộn khi trên địa bàn liên tục xuất hiện các ca dương tính Covid-19.

Chưa bao giờ thành phố Hà Tĩnh và nhiều địa phương trong tỉnh phải trải qua những ngày khủng khiếp như hiện nay. 51 ca bệnh Covid-19 đã được ghi nhận từ ngày 4/6 đến hết ngày 13/6. Nhiều phường xã, tổ dân phố bị phong tỏa. Hàng vạn con người trở thành nạn nhân gián tiếp, phải thực hiện các biện pháp cách ly, tự theo dõi sức khỏe. Nhiều hoạt động của cuộc sống thường ngày bị gián đoạn, ngưng trệ.

Tết Đoan Ngọ “mùa Covid” ở Hà Tĩnh

Chợ dân sinh vắng vẻ, thưa thớt người bán, người mua. (Ảnh Ngọc Loan).

Lẽ ra giờ này, ở các chợ dân sinh, người bán, người mua đã tấp nập để chuẩn bị thực phẩm cho những mâm cỗ mùng 5 thịnh soạn cúng tổ tiên. Lẽ ra, ngày hôm nay, nhà nhà đã tấp nập, vui vầy con cháu về “tết ông bà, cha mẹ” với những thức quà quen thuộc, dân dã đúng vị “mùng 5” như: bánh đa vừng, bánh rán, giò lụa... Lẽ ra, trưa mùng 5, dù giàu nghèo, sang hèn thì nhà nào cũng nghe tiếng vịt kêu, sẵn sàng cho nồi bún vịt xáo măng.

Tết Đoan Ngọ “mùa Covid” ở Hà Tĩnh

Tết Đoan Ngọ năm nay, nhiều gia đình có thể thiếu bún vịt xáo măng - món ăn quen thuộc trong dịp lễ này.

Thế nhưng, tất cả những phong tục truyền thống quen thuộc và tốt đẹp đó đã chẳng thể thực hiện được trong điều kiện nhiều nơi bị phong tỏa và dịch bệnh có nguy cơ lan rộng.

Dù nhà bố mẹ chỉ cách có một đoạn đường nhưng vì quy định giãn cách, chị em chúng tôi không ai đưa con cái về thăm ông bà như lệ mỗi trưa mùng 5/5 âm lịch. Bố gọi điện cho tôi báo rằng: “Nhà chỉ làm mâm cỗ đơn giản cúng ông bà tổ tiên, các con ở đâu cứ ở yên đấy, không được về!”.

Tết Đoan Ngọ “mùa Covid” ở Hà Tĩnh

Người dân Hà Tĩnh mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để trở về với nhịp sống yên bình. (Ảnh Nam Giang).

Lòng không khỏi nỗi buâng khuâng, tôi chợt nhớ về những cái tết Đoan Ngọ vui tươi và ấm áp của ngày chưa có Covid-19. Thắp nén tâm nhang lên ban thờ tổ tiên, trong phảng phất mùi thơm của hương trầm, tôi cầu mong sức khỏe, bình an cho tất cả mọi người, dịch bệnh sớm được đẩy lùi và người dân quê tôi trở về với nhịp sống bình yên như vốn có.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Vị Tể tướng nào quê Hà Tĩnh từng phụng sự 3 triều vua Lê?

Ông quê ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, chính trực, lập được nhiều công trạng. Ông phụng sự trong 3 triều vua Lê (Lê Thế Tông, Lê Kính Tông và Lê Thần Tông) và 2 đời chúa là Trịnh Tùng, Trịnh Tráng.
Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Người "dẫn đường" của phụ nữ xã Trường Sơn

Với 28 năm bền bỉ gắn bó với công tác hội, chị Trần Thị Khuyên - Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) luôn là người "dẫn đường" cho phong trào của chị em ở địa phương ngày càng phát triển.
Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Phục dựng đền Nhà Ông ở Hương Sơn

Lễ khởi công phục dựng đền Nhà Ông ở xã Sơn Bằng (Hương Sơn – Hà Tĩnh) nhằm tri ân bậc tiền nhân có công lao với quê hương và người dân trong vùng.
Gìn giữ nếp nhà

Gìn giữ nếp nhà

“Nước có quốc pháp, nhà có gia phong” - câu thành ngữ về nếp nhà ấy đang được mỗi gia đình người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng giữ gìn, phát huy, kiến tạo tổ ấm hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng.
Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Người quản đốc yêu nghề, mê sáng tạo

Anh Hoàng Xuân Quý - Quản đốc Phân xưởng cơ điện của Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải (Công ty CP Môi trường và công trình đô thị Hà Tĩnh) đã có nhiều ý tưởng sáng tạo góp phần làm lợi cho đơn vị hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lan tỏa những điển hình học và làm theo Bác

Lan tỏa những điển hình học và làm theo Bác

Tại Hà Tĩnh, ngày càng nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã xuất hiện và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng bằng những việc làm thiết thực nhất.
Phố trong lòng sông...

Phố trong lòng sông...

Tôi vẫn thường nghĩ về sự ưu ái của thiên nhiên khi trong những biến đổi địa chất đã để lại cho thành phố Hà Tĩnh địa hình ba mặt sông bao quanh...
Nhớ tết Đoan ngọ xưa…

Nhớ tết Đoan ngọ xưa…

Dù không phải là lễ trọng như tết Nguyên đán nhưng từ lâu, tết Đoan ngọ (mồng 5/5 âm lịch) vẫn là nét văn hóa truyền thống được nhiều người dân Hà Tĩnh gìn giữ, phát huy.