Nhờ thời tiết thuận lợi từ đầu vụ, bà Lê Thị Mai (thôn Tân Phú, Thạch Mỹ, Lộc Hà) đã bắc được 5 thước mạ giống X32, đủ để cấy 5 sào. Bà cho biết: “Đây là loại đầu tiên xuống giống, hiện nay, trà mạ đã đủ lá để đưa ra đồng cấy. Năm nay, nhà tôi làm hơn 1 mẫu, XT32 dành cho vùng ruộng trũng sâu, còn lại các giống VTNA2, thiên ưu 8 thì tôi dành bố trí ở những chân ruộng thâm canh”.
Nông dân Thạch Mỹ (Lộc Hà) xuống cấy luấ xuân trung
Suốt dọc từ Thạch Mỹ, Phù Lưu sang Ích Hậu (Lộc Hà), những cánh đồng đã được cày tơi đất, nước đầy kênh, những luống mạ nhiều nơi được trùm phủ ni lông cẩn thận. Năm nay, xã Ích Hậu sản xuất 515 ha lúa xuân, chủ đạo vẫn là trà xuân muộn (85% diện tích). Vào thời điểm này, bà con nông dân đã ra quân bắc hơn 2 ha mạ trà xuân trung, cơ cấu giống lúa Xi23 và X30 cho vùng lúa sâu trũng.
Ông Nguyễn Xuân Quân - Chủ tịch UBND xã Ích Hậu cho biết: “Hôm nay là ngày cấy đầu tiên của trà xuân trung, cũng thời gian này, bà con bắt đầu xuống giống gieo mạ xuân muộn. Để ứng phó với thời tiết, tránh không để mạ bị chết rét như vụ xuân 2015, năm nay, bà con đã chủ động che phủ ni lông theo đúng quy trình. Dự kiến, lúa xuân muộn sẽ bắt đầu xuống cấy vào mùng 6 Tết Nguyên đán”.
Bà Lê Thị Mai (Thạch Mỹ, Lộc Hà) đã chuẩn bị những thước mạ đầu tiên để xuống giống
Những cánh đồng no nước, khắp các địa phương của Cẩm Xuyên, nước được đưa về các chân ruộng giúp bà con nông dân làm đất dễ dàng hơn. Những chiếc máy cày chạy băng lồng xới đất, “là phẳng” cánh đồng chỉ trong chốc lát. Trên bờ vùng, bờ thửa, bà con nông dân tranh thủ dọn sạch cỏ, vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cho mùa xuống giống mới. Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Trung Trạm, Cẩm Bình) cho biết: “Từ một tuần nay, tôi đã ra đồng làm cỏ, dọn bờ. Năm nay, tôi chỉ sản xuất 3 giống: VTNA2, thiên ưu 8 và VTNA6, thuộc cánh đồng mẫu của xã nên tranh thủ làm đất sớm, sẵn sàng cho ngày xuống giống”.
Ở Thạch Hà, phong trào làm đất cấy lúa vụ xuân đã được nhiều vùng bắt đầu cách đây gần 1 tháng. Từ nửa tháng 12/2016, tiến độ làm đất của xã Thạch Sơn đã đạt 60-70%, đến nay, gần như toàn bộ diện tích sản xuất lúa xuân đã được cày ải. Theo bà con nông dân, ruộng đồng để không cả mấy tháng trời từ cuối vụ hè thu đến nay, nên phải làm kỹ khâu làm đất mới phòng trừ tốt sâu bệnh và sản xuất hiệu quả.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, thời điểm này, toàn tỉnh đã bắc hơn 505 ha mạ (tương đương trên 7.000 ha lúa cấy), trong đó, 188 ha mạ xuân trung và hơn 317 ha mạ xuân muộn. Cùng với đó, một số địa phương đã tiến hành gieo thẳng xuân trung với 330 ha, tập trung ở 2 địa phương Nghi Xuân (300 ha) và TP Hà Tĩnh (30 ha).
Người dân Ích Hậu (Lộc Hà) phủ nilon cho mạ đề phòng thời tiết xấu.
Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Thời vụ xuống giống tập trung từ đầu tháng 1 đến 6/2/2017. Thời điểm này, các địa phương bắt đầu gieo mạ với các trà lúa chủ lực như: thiên ưu 8, nếp 87, nếp 98, HT1, VTNA2… Năm nay, các địa phương có phương án chỉ đạo sản xuất sớm, do vậy, từ khâu giống đến làm đất, gieo mạ đều được quản lý chặt chẽ, chủ động, đúng khung lịch đề ra”.
Được biết, ngành nông nghiệp đã vào cuộc khảo sát, lấy mẫu kiểm định chất lượng tất cả các lô giống trước khi xuất kho tại các điểm cung ứng, sản xuất từ khoảng hơn 1 tháng trước khi vụ xuân chính thức bắt đầu. Theo cơ quan chức năng, nguồn cung năm nay được kiểm soát chặt chẽ, kể cả đối với đơn vị cung ứng ngoài tỉnh, nhờ vậy, chất lượng giống đảm bảo. Bên cạnh đó, các công ty cũng chủ động nguồn cung nên số lượng khá dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của nông dân…