Dù Trung thu trong mùa dịch không được tổ chức như những năm trước nhưng trẻ em Hà Tĩnh vẫn được chăm lo chu đáo
Trung thu đặc biệt
Khi cái nắng oi bức của mùa hè nhường chỗ cho sự dịu mát của khí thu, bầu trời cao và trong xanh hơn, trong lòng con trẻ và cả người lớn khắp mọi miền lại rộn ràng mong đến tết Trung thu - đêm hội trăng rằm rước đèn, phá cỗ. Không biết tự bao giờ, tết Trung thu đã trở nên thân thương gắn liền với tuổi thơ mỗi người dân Việt Nam đến vậy.
Trong ký ức bao thế hệ người Việt, tết Trung thu còn gắn với hình ảnh thân thương của vị Cha già dân tộc: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”. Sinh thời, mỗi dịp Trung thu, Bác đều dành cho thiếu nhi cả nước sự quan tâm ân cần với mong muốn thế hệ tương lai có một mùa Trung thu ấm no, hạnh phúc.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu
Đặc biệt, trong 8 bức thư được Bác gửi cho thiếu nhi dịp Trung thu đều gắn liền với những mùa Trung thu đặc biệt. Đó là những năm tháng đất nước còn chiến tranh…, thiếu nhi là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi. Bởi vậy, đau đáu một tình thương bao la dành cho con trẻ, dịp tết Trung thu, Người lại viết thư hỏi han, ân cần chia sẻ.
52 năm qua, dù Bác đã đi xa nhưng dòng suối yêu thương bao la ấy của Người vẫn còn chảy mãi. Từ sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là những năm tháng đổi mới, cuộc sống khang trang và no ấm hơn, tết Trung thu mỗi năm lại càng thêm rộn ràng. Ước mong của Bác đã thành hiện thực khi trẻ em trên cả nước từ thành thị tới nông thôn, miền núi đến đồng bằng đều được sống trong bầu không khí của đêm hội trăng rằm vui tươi, no đủ.
Bố mẹ đi làm ăn xa nhưng tết Trung thu của em Phạm Bá Kiên - học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Hồng Lộc (Lộc Hà) vẫn vui khi được cùng các bạn đến trường và nhận được món quà từ bà nội.
Mùa thu năm nay thật đặc biệt khi cả nước đang phải chiến đấu với dịch bệnh COVID-19. Vẫn còn đó những khu cách ly, vùng phong tỏa; nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vẫn còn cao. Lực lượng trên tuyến đầu hằng ngày, hằng giờ vẫn căng mình chống dịch.
Trong muôn vàn khó khăn, để đảm bảo an toàn cho con trẻ, tết Trung thu này sẽ thiếu đi không khí của những lễ hội phá cỗ ngắm trăng, múa lân, rước đèn… Dẫu vậy, giữa thiên nhiên hiền hòa, cấp ủy, chính quyền và toàn dân vẫn cố gắng bằng mọi cách để thế hệ tương lai của đất nước có ngày tết Trung thu đầy đủ, ấm cúng và ý nghĩa.
Đêm trăng rằm. Ảnh tư liệu
Ấm áp đêm trăng tròn
Mong muốn mang đến cho các em thiếu nhi một mùa Trung thu ấm áp trong bối cảnh dịch bệnh, những ngày đầu tháng 8, Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em, tư vấn, giáo dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hà Tĩnh đã vận động các tổ chức và mạnh thường quân trao hàng trăm phần quà có giá trị cho trẻ em nghèo, khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đó không chỉ là những món quà vật chất hỗ trợ các em có điều kiện tốt hơn để học tập, sinh sống mà còn là sự động viên về mặt tinh thần để mỗi thiếu niên, nhi đồng vươn lên trong cuộc sống, thêm nhiều niềm vui trong dịp tết Trung thu.
Với những trẻ em kém may mắn đang được cưu mang ở Làng trẻ mồ côi Hà Tĩnh, tết Trung thu năm nay sẽ không rộn ràng như mọi năm nhưng các tổ chức, cá nhân vẫn dành cho các em sự quan tâm đặc biệt.
Nhân dịp đầu năm học mới và tết Trung thu, Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em, tư vấn, giáo dục nghề nghiệp, phục hồi chức năng cho người khuyết tật Hà Tĩnh huy động 499 suất quà trao tặng cho trẻ em nghèo Hà Tĩnh.
Chị Bùi Thị Na (phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Hai người bạn của tôi dù đang trong tâm dịch TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn đau đáu khi nghĩ về những đứa trẻ mồ côi ở quê nhà. Trung thu này, các em càng thiệt thòi hơn khi không được vui chơi, phá cỗ, rước đèn. Không thể đến trực tiếp, chúng tôi đã thống nhất cùng nhau đặt tặng các cháu một mâm cỗ Trung thu và 78 suất quà chuyển đến làng trẻ trong dịp tết Trung thu này”.
Trung thu là tết đoàn viên, nhưng Trung thu năm nay vẫn còn đó nhiều trẻ em chịu thiệt thòi, bởi bố mẹ bận công tác trên tuyến đầu chống dịch hoặc những em có bố mẹ phải đi cách ly. Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp nỗ lực dành những gì tốt nhất để các em có được một đêm rằm ấm áp, ý nghĩa.
Em Nguyễn Duy Trung Hậu - học sinh lớp 4C Trường Tiểu học Tân Lộc (Lộc Hà) phấn khởi khi nhận được học bổng nhân dịp đầu năm học mới và quà tết Trung thu.
Bà Lê Thị Mai Hoa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Dựa trên chủ trương và kế hoạch của UBND tỉnh, hiện, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương quan tâm nhiều hơn đến trẻ em trong dịp Trung thu năm nay. Do điều kiện dịch bệnh, việc tổ chức các chương trình tập trung đông người sẽ không thực hiện, thay vào đó, sở và các đơn vị sẽ thành lập các đoàn đến trao quà cho các em tại từng địa bàn”.
Niềm vui lớn lao với người lớn và trẻ em Hà Tĩnh là từ sự nỗ lực của chính quyền các cấp và toàn dân, dịch bệnh đang dần được đẩy lùi. Đêm rằm tháng 8 năm nay, trẻ em trên khắp mọi miền quê Hà Tĩnh vẫn được đón đêm trăng rằm trong khung cảnh yên bình bên gia đình. Đó là món quà ý nghĩa nhất có được từ thành quả chống dịch của các cấp, ngành tỉnh nhà.
Với sự nỗ lực cùng chung tay chống dịch của chính quyền các cấp và Nhân dân, chúng ta có quyền tin tưởng Trung thu năm sau, thiếu nhi Hà Tĩnh và cả nước sẽ có những đêm hội trăng rằm rộn ràng...
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, Trung thu năm nay không có những đêm hội rước đèn đông vui, không có những hội múa lân cùng tiếng trống tùng rinh trên mọi nẻo đường nhưng hạnh phúc chính là sự bình yên, là ánh trăng rằm vẫn lấp lánh, tỏa sáng đến mỗi sân nhà, mỗi ô cửa sổ…
Và niềm tin về một tết Trung thu rộn rã tiếng cười trẻ thơ, niềm hân hoan của người lớn ở ngày mai khi dịch bệnh sớm được đẩy lùi càng trở nên mãnh liệt khi tôi đọc lại bức thư của Bác Hồ gửi các cháu thiếu nhi ở mùa thu đầu tiên đất nước giành độc lập (1945): “Đến Trung thu năm sau, chúng ta sẽ tổ chức một cuộc vui cả già lẫn trẻ. Các em nghĩ thế nào?”.