Trung tâm được đầu tư đồng bộ với diện tích trên 33.000m2
Năm học 2014 - 2015, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Hương Khê chuyển từ thị trấn Hương Khê về xã Hương Bình, trên diện tích 33.820m2, trong đó diện tích xây dựng trên 5.226 m2 với 10 phòng học lý thuyết, 4 xưởng thực hành và có đầy đủ các công trình phụ trợ khác như: hội trường, thư viện, khu thể thao, nhà ăn, 24 phòng ký túc xá. Tổng mức đầu tư của trung tâm là trên 39 tỷ đồng, từ nguồn vốn hỗ trợ theo Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Với cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, Trung tâm GDNN - GDTX Hương Khê được kỳ vọng sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, vững vàng tay nghề. Tuy nhiên, sau 4 năm về địa điểm mới, công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn, số lượng học sinh giảm sút "thảm hại".
Theo báo cáo tổng hợp của trung tâm, năm học 2013-2014 (thời điểm trung tâm chưa chuyển về địa điểm mới), số lượng học sinh bổ túc văn hóa là 215 em, nghề phổ thông 117 em, nghề ngắn hạn 460 học viên, ngoại ngữ - tin học 148 em...
Thế nhưng, năm học 2018-2019, số lượng học sinh, học viên bổ túc văn hóa của trường là 63 em (lớp 10: 42 em, lớp 11: 7 em, lớp 12: 14 em), nghề ngắn hạn 70 học viên. Các hệ như: nghề phổ thông, đại học vừa làm vừa học, ngoại ngữ - tin học... từ khi chuyển xuống địa điểm mới đều không tuyển sinh được lớp nào!.
Giám đốc Đoàn Văn Dương trao đổi với phóng viên về tình hình hoạt động của Trug tâm.
Lý giải về tình trạng trên, ông Đoàn Văn Dương - Giám đốc trung tâm cho biết: Thời gian qua, dù trung tâm rất quyết liệt trong công tác tuyển sinh nhưng do vị trí mới xa nguồn tuyển sinh nên việc mở các hệ đào tạo khó thực hiện. Các xã lân cận trung tâm, hầu hết học sinh học xong THCS đều vào trường THPT Hàm Nghi. Còn những nguồn học sinh có nguyện vọng vào học trung tâm thì lại ở quá xa, việc đi lại khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân lý giải cho việc từ khi chuyển đến nơi ở mới, nhà trường chưa thể mở được các lớp tin học, ngoại ngữ.
Qua tìm hiểu, nếu các em học sinh ở các xã vùng thượng của Hương Khê như: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Hương Lâm, Hương Liên... vào học ở trung tâm phải mất một quãng đường rất xa. Điểm gần nhất cũng cách trung tâm khoảng 10km.
Các phòng học không được sử dụng nên bàn ghế dần bị bụi phủ lấp, trở nên cũ kỹ; tường xây ẩm mốc, rêu phong
Theo ông Dương, trước tình trạng công tác tuyển sinh ngày một khó khăn, trung tâm đã phải tập trung phối hợp với các trường THPT trên địa bàn liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp mở các hệ đào tạo trung cấp. Theo đó, tổ chức dạy lý thuyết tại các trường THPT còn dạy thực hành tại trung tâm. Với cách làm này, số lượng học viên hệ trung cấp có tăng lên, tuy nhiên, công tác quản lý học sinh gặp vô vàn khó khăn, vất vả.
Hương Khê xây dựng trung tâm ở địa điểm mới có cơ sở vật chất đồng bộ với kỳ vọng đáp ứng yêu cầu việc dạy học cũng như đào tạo nghề cho học sinh, người lao động trên địa bàn huyện. Thế nhưng ,thực trạng tại đây đang gây lãng phí lớn về nguồn lực đầu tư của nhà nước.