Trung thu đong đầy yêu thương

(Baohatinh.vn) - Tết Trung thu đang về trên mỗi miền quê Hà Tĩnh trong niềm háo hức, mong chờ của trẻ thơ. Ánh trăng rằm càng thêm tỏa rạng, lấp lánh khi mang theo tình yêu thương đong đầy, sự sẻ chia của cộng đồng đến với những trẻ em thiếu may mắn.

Trung thu đong đầy yêu thương

Tiết mục múa lân trong chương trình "Vầng trăng yêu thương” tại bản Phú Lâm (Phú Gia, Hương Khê) do Báo Hà Tĩnh và Bụi Cafe phối hợp với Huyện đoàn Hương Khê, Văn phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tổ chức vào tối 17/8.

Ngày hội trông trăng trên bản làng vùng biên

Nằm ở khu vực biên giới Việt - Lào, bản Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê) cách trung tâm xã hơn 12 km. Những năm qua, tết Trung thu với những đứa trẻ ở bản chỉ đơn giản là bữa tiệc nhỏ với ít bánh kẹo và thức quà quê. Ước mơ về lễ hội phá cỗ đêm rằm hay những trò chơi, xem biểu diễn văn nghệ đối với các em là điều xa vời.

Tuy nhiên, năm nay, trẻ em nơi đây đã được đón ngày hội Trung thu rộn ràng, đầy sắc màu vui tươi, ý nghĩa.

Trung thu đong đầy yêu thương

Trẻ em bản Phú Lâm háo hức tham gia chương trình “Vầng trăng yêu thương”.

Em Phan Thị Sao Mai (lớp 2, Trường Tiểu học Phú Gia) hào hứng: “Trước đây, em chỉ thấy chương trình tết Trung thu rực rỡ trên ti vi. Hôm nay, em rất vui khi được tận mắt xem chị Hằng, chú Cuội biểu diễn, xem múa lân, được phá cỗ. Chúng em còn được nhận học bổng và những món quà ý nghĩa”.

Chương trình mà Sao Mai và các bạn trong bản của mình được tham dự là “Vầng trăng yêu thương” do Bụi Cafe và Báo Hà Tĩnh phối hợp với Huyện đoàn Hương Khê, Văn phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tổ chức vào tối 17/8 vừa qua.

Trung thu đong đầy yêu thương

Các đơn vị: Báo Hà Tĩnh, Bụi Cafe, Văn phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh và đơn vị đồng hành, nhà hảo tâm trao tặng 160 suất quà cho 160 em thiếu nhi bản Phú Lâm.

Anh Trần Xuân Vũ - Chủ quán Bụi Cafe (TP Hà Tĩnh), đại diện các đơn vị tổ chức, tài trợ cho biết: “Trung thu là tết đoàn viên, là ngày hội để các bậc phụ huynh, người thân trong gia đình quan tâm đến con trẻ. Tuy nhiên, đối với nhiều trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn, các em thường chịu thiệt thòi. Do vậy, chúng tôi muốn mang đến cho trẻ em nghèo ở bản Phú Lâm một không khí ấm áp, ý nghĩa, giúp các em có những ký ức đẹp về tuổi thơ và tết Trung thu...”.

Được chuẩn bị chu đáo, chương trình “Vầng trăng yêu thương” đã mang tới cho trẻ em nghèo ở bản Phú Lâm nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc với sự tham gia của các nghệ sỹ như: Thái Học, Khánh Hà cùng với ảo thuật gia, đội múa lân... Bên cạnh đó, chương trình cũng đã dành 470 suất quà và học bổng trao tặng các em học sinh nghèo vượt khó và người dân trên địa bàn.

Lấp lánh sẻ chia từ cộng đồng

Dẫu ngày rằm tháng Tám chưa đến nhưng trên khắp các miền quê Hà Tĩnh, âm vang của tiếng trống ếch đón tết Trung thu đã vang vọng khắp mọi nẻo đường. Ấy là khi các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, các tổ chức thiện nguyện... đang chuẩn bị tết Trung thu cho con trẻ.

Trung thu đong đầy yêu thương

Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Tĩnh tổ chức chương trình vui tết Trung thu “Đêm hội trăng rằm”.

Từ đầu tháng 9/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 381/KH-UBND ngày 9/9/2023 tổ chức các hoạt động tết Trung thu. Theo đó, kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự tham gia của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội đối với việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em và các quy định về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Qua đó tạo cơ hội, điều kiện để tất cả trẻ em được tham gia các hoạt động tết Trung thu vui tươi, lành mạnh, bổ ích, bình đẳng, góp phần định hướng, giáo dục trẻ em giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời, vận động các nguồn lực trong xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ, tặng quà, động viên trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...

Trung thu đong đầy yêu thương

Các đơn vị, địa phương nỗ lực tổ chức các hoạt động vui tết Trung thu cho các em thiếu nhi vui tươi, đầm ấm, lành mạnh, ý nghĩa.

Là địa phương được chọn tổ chức tết Trung thu điểm của cả tỉnh, huyện Kỳ Anh đã phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở LĐ-TB&XH hoàn thành công tác chuẩn bị cho sự kiện này.

Ông Võ Tá Cương - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết: “Với mong muốn mang đến cho thiếu nhi, đặc biệt là trẻ em nghèo một Trung thu vui tươi, ấm áp, chúng tôi đã chỉ đạo xây dựng kịch bản chương trình có chủ đề “Lồng đèn thắp sáng ước mơ” với nhiều tiết mục hấp dẫn, vui nhộn. Dịp này, các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện cũng ra sức vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ để dành nhiều phần quà trao tặng cho các em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Tại chương trình dự kiến diễn ra vào tối 26/9 (tức 12/8 âm lịch), chúng tôi sẽ trao hàng chục suất học bổng cho các em”.

Trung thu đong đầy yêu thương

Không khí náo nhiệt tại Lễ hội “Thành Sen rước đèn Trung thu” do TP Hà Tĩnh tổ chức tối 23/9.

Trung thu năm nay cũng mang đến nhiều niềm vui, sự sẻ chia cho 110 trẻ em đang được nuôi dưỡng tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh khi nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Được biết, hiện đã có một số tổ chức, đoàn thể như: ĐVTN Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Hà Tĩnh, nhóm Cộng đồng Vinfast toàn cầu Nghệ - Tĩnh phối hợp với Phụ nữ Công an tỉnh, nhóm Thiện nguyện Lộc Hà đăng ký tổ chức các chương trình vui tết Trung thu tại đây. Bên cạnh trao những phần quà giá trị, các em còn được thưởng thức nhiều tiết mục vui tươi như: múa lân, rước đèn, các màn hóa thân chị Hằng, chú Cuội... nhằm mang đến không khí lễ hội Trung thu đầy yêu thương, ấm áp.

Trung thu đong đầy yêu thương

Đoàn thanh niên Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh và Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cùng các mạnh thường quân tổ chức tết Trung thu tại Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh vào tối 23/9.

Cô Trần Thị Thanh Toàn - Trưởng phòng Chăm sóc nuôi dưỡng Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh cho biết: “Theo lịch đăng ký, bên cạnh tổ chức ngày hội Trung thu, trao các suất quà cho các em, dịp này, nhiều đoàn cũng tặng các phần quà thiết yếu cho đơn vị như: máy giặt, ti vi, gạo, sữa... Sự quan tâm của cộng đồng là nguồn động viên lớn với các cháu cũng như những người làm công tác quản lý, chăm sóc ở Làng trẻ em mồ côi Hà Tĩnh”.

Tháng Tám về mang theo niềm háo hức của trẻ thơ chờ đợi tết Trung thu. Sự quan tâm, chia sẻ của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng qua những việc làm thiết thực, cụ thể đã góp phần lấp đầy những khoảng trống, sưởi ấm trái tim thơ bé của những trẻ em thiếu may mắn, mang đến cho các em một Trung thu đong đầy yêu thương.

Chủ đề Đời sống văn hóa

Đọc thêm

Náo nức xuân sang

Náo nức xuân sang

Khi những cành đào bật nụ hồng tươi, mai vàng bung hoa rực rỡ và trên phố phường, đường quê tấp nập người đi lại, ấy là khi ngày tết Nguyên đán cận kề.
Hân hoan “chào” Tết

Hân hoan “chào” Tết

Khi những cây mai, cành đào “đua nhau” xuống phố, cũng là lúc người dân Hà Tĩnh trên mọi miền quê chung niềm háo hức chờ đón xuân mới ấm áp, an lành, hạnh phúc cùng niềm tin thắng lợi mới.
Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen (Hà Tĩnh) hân hoan chào đón năm mới với cờ đỏ sao vàng tung bay, muôn hoa khoe sắc thắm, sắc xuân hiện lên trong từng ánh mắt, nụ cười rạng ngời của người dân.
Gìn giữ phong vị Tết

Gìn giữ phong vị Tết

Với người Việt, phong tục Tết cổ truyền không chỉ là “di sản” văn hóa vô giá mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, giúp mỗi người hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.
Rộn ràng câu hát mùa xuân

Rộn ràng câu hát mùa xuân

Cuối năm âm lịch, khi đào, mai bắt đầu bung nụ cũng là lúc các địa phương Hà Tĩnh dành nhiều tâm sức thực hiện các chương trình văn nghệ để biểu diễn phục vụ Nhân dân trong dịp Tết cổ truyền.
Thú chơi hoa ngày Tết

Thú chơi hoa ngày Tết

Chơi hoa, cây cảnh ngày Tết đối với người Việt, trong đó có người Hà Tĩnh không chỉ là nét văn hóa tao nhã mà còn mang ước muốn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.