Bác sỹ Phạm Hồng Cường (trái) thực hiện ca mổ ruột thừa cho bệnh nhận.
Mỗi năm thực hiện 1.500 ca phẫu thuật
Tối ngày 25/11/2020, bệnh nhân Phan Văn T. (SN 1977, trú tại xã Đức Lạc, Đức Thọ) đau bụng dữ dội, được người nhà mang đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ. Sau khi thăm khám, bác sỹ Cường nhận định bệnh nhân bị tắc ruột do dính phải vết mổ cũ (năm 2007, anh T. từng được phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa).
Được bác sỹ Cường phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ngày càng tiến triển tốt, 5 ngày sau anh T. xuất viện. Theo nhận định của các đồng nghiệp, ca mổ này rất khó, nhưng bằng kinh nghiệm và khả năng, bác sỹ Cường đã thành công ngoài mong đợi.
Bác sỹ Cường kiểm tra sức khỏe bệnh nhân Phan Văn T. sau ca phẫu thuật.
Trước đó, vào lúc 17h15" ngày 20/10/2020, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ tiếp nhận bệnh nhân Đào Quốc L. (52 tuổi, trú tại xã Sơn Ninh, Hương Sơn) bị đâm thủng ruột. Đây là ca phức tạp vì vết đâm nằm sát vết mổ cũ (bệnh nhân từng mổ cắt lách) nên các tổ chức nội tạng dính với nhau rất khó bóc tách.
Thế nhưng, sau ca phẫu thuật kéo dài hơn 3 tiếng, kíp mổ 6 người do bác sỹ Cường đứng đầu đã thành công. Đây chỉ là những ca mổ bác sỹ Cường thực hiện trong tổng số hơn 1.500 ca bệnh/năm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ.
Đặc biệt, bác sỹ Phạm Hồng Cường còn là một trong những bác sỹ đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh thực hiện ca mổ bằng phương pháp nội soi vào năm 2008. “Mới đầu cũng cảm thấy “ngợp” vì không có đồng nghiệp nào có thể hỗ trợ hoặc chia sẻ kinh nghiệm với mình, nhưng rồi làm nhiều cảm thấy quen và tự tin hơn. Từ đó đến nay, dù đã phẫu thuật nội soi cả nghìn ca nhưng chưa có ca nào xảy ra vấn đề gì” - bác sỹ Cường trải lòng.
Vào nghề muộn nhưng nhanh chóng trưởng thành
Bác sỹ Cường thực hiện ca mổ nội soi tiết niệu.
Bác sỹ Phạm Hồng Cường (SN 1963) là con thứ 2 trong 1 gia đình có 3 anh em trai tại phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh. Năm 1966, bố anh hy sinh ở chiến trường phía Nam, để lại người vợ trẻ là công nhân cùng 3 đứa con thơ dại.
Vì lẽ đó, tốt nghiệp THPT (hệ 10 năm) năm 1981, Phạm Hồng Cường không thi đại học mà ở nhà làm đủ thứ nghề như đánh lưới cá trên sông Lam, vận tải hàng hóa bằng đường sông để đỡ đần gia đình.
Mãi đến năm 1988, khi kinh tế gia đình ổn định anh mới tham gia thi và đỗ vào Trường Đại học Y Thái Bình (hệ chính quy) ngành ngoại khoa. Ra trường năm 1994, Phạm Hồng Cường về công tác tại Khoa Ngoại - Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ từ đó đến nay.
Nhiệt huyết, cẩn trọng và hết lòng với người bệnh, bác sỹ Cường được bạn bè đồng nghiệp và người bệnh tin yêu.
Mặc dù vào nghề có phần muộn nhưng bác sỹ Cường đã nhanh chóng thành công với những ca phẫu thuật. Anh cho rằng, “với những ca mổ khó, nếu cảm thấy tự tin mới bắt tay thực hiện còn không sẽ đề xuất lãnh đạo bệnh viện nghiên cứu phương án tối ưu hơn, tránh mạo hiểm làm liều. Hơn nữa, trước khi tiến hành phẫu thuật mình phải đưa ra các phương án dự phòng cụ thể để không bối rối khi có những biến chứng xảy ra".
Bác sỹ Phạm Hồng Cường trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp.
Khác với bệnh viện tuyến trên (tỉnh, trung ương), bác sỹ ngoại khoa tuyến huyện không chỉ thiếu thốn trang thiết bị mà phải thực hiện khám chữa bệnh, mổ cho tất cả các căn bệnh. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, bác sỹ Cường phải thường xuyên có mặt tại các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Giao thông (Hà Nội) để “rèn giũa” tay nghề.
“Bác sỹ Cường không chỉ có năng lực chuyên môn tốt, đặc biệt là trong thực hiện các ca mổ khó mà rất ân cần, vui vẻ, tận tụy với công việc của mình nên được bạn bè đồng nghiệp và bệnh nhân yêu mến”, bác sỹ Nguyễn Đình Sơn - Giám đốc BVĐK huyện Đức Thọ tự hào khi nói về đồng nghiệp của mình.