Vì sao ngao, hàu nuôi ở Cẩm Xuyên bị chết?

(Baohatinh.vn) - Người dân ở vùng nuôi trồng thủy sản xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đã đầu tư nguồn vốn, công sức khá lớn, mong chờ đến ngày thu hoạch thì xuất hiện tình trạng ngao, hàu chết trắng bãi.

Hơn 1 tuần nay, gia đình ông Phạm Ngọc Dũng (thôn 2, xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên) như “ngồi trên lửa” bởi gần 5 ha ngao nuôi bị chết. Lứa ngao này, ông Dũng thả nuôi từ tháng 4 năm ngoái, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào tháng 6 tới. Ngao chưa đến độ thu hoạch, lại bị chết nên ông Dũng tìm thương lái khắp nơi để bán số ngao còn sống trên bãi nuôi nhưng không ai mua.

Vì sao ngao, hàu nuôi ở Cẩm Xuyên bị chết?

Ngao nuôi của ông Phạm Ngọc Dũng (thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) chết trắng bãi

Ông Phạm Ngọc Dũng cho biết: “Lứa ngao này tôi thả hơn 23 tấn giống. Giống được mua ở Cửa Lò (Nghệ An) với giá 30 triệu đồng/tấn, một số giống tôi mua lại của người dân địa phương thu gom ngoài tự nhiên. Dự kiến, tháng 6 tới sẽ thu hoạch để phục vụ mùa du lịch biển. Vậy mà, mấy ngày qua, ngao chết trắng bãi, tôi phải thuê người dân đến thu gom để vệ sinh môi trường nuôi”.

Vì sao ngao, hàu nuôi ở Cẩm Xuyên bị chết?

Anh Nguyễn Văn Liên (thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) huy động nhân lực trong gia đình ra vệ sinh môi trường bãi nuôi.

Cũng gặp hiện tượng ngao nuôi bị chết, gia đình anh Nguyễn Văn Liên (cùng thôn 2) đang huy động nhân lực trong gia đình ra bãi để vệ sinh môi trường, dọn sạch những con đã chết và thu hoạch những con còn sống nhằm “vớt vát” thiệt hại.

“Thời điểm này là chính vụ thu hoạch vậy mà bây giờ chủ yếu đi thu dọn xác ngao. 5 tấn giống thả nuôi tròn 1 năm mà gia đình chỉ thu hoạch được hơn 1 tấn ngao thương phẩm. Theo kinh nghiệm nuôi ngao nhiều năm, tôi đoán do mình đã thả nuôi gối vụ chồng lên nhau, mật độ nuôi dày nên dẫn đến ngao bị chết” - anh Nguyễn Văn Liên chia sẻ.

Vì sao ngao, hàu nuôi ở Cẩm Xuyên bị chết?

Ngao chết nổi trắng ở vùng nuôi trồng thủy sản dưới chân cầu Cửa Nhượng.

Tại vùng nuôi hơn 20 ha của 7 hộ tại Cửa Nhượng (hay còn gọi là vùng nuôi ngao xứ Cồn Cố Vịnh) thuộc thôn 2, xã Cẩm Lĩnh, chúng tôi ghi nhận tình trạng ngao chết với tỷ lệ khoảng 20%. Tình trạng ngao chết hàng loạt diễn ra hơn 1 tuần nay.

Không riêng xã Cẩm Lĩnh, một số hộ nuôi hàu trong lồng bè ở xã Cẩm Lộc cũng gặp tình trạng hàu nuôi bị chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân.

Vì sao ngao, hàu nuôi ở Cẩm Xuyên bị chết?

Hàu nuôi lồng bè của anh Lê Minh Thông (thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc) bị chết chưa rõ nguyên nhân.

Anh Lê Minh Thông (thôn Tân Trung Thủy, xã Cẩm Lộc) cho biết: “Hơn 1 tuần trước, ra bè nuôi thì tôi thấy một số hàu há mồm, bị chết. Phát hiện hàu chết, gia đình đã báo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng về kiểm tra. Số hàu nuôi trong bè này được gia đình thả nuôi từ tháng 6/2022, dự kiến đến tháng 4 này sẽ thu hoạch. Tổng chi phí đầu tư cho bè nuôi hơn 80 triệu đồng”.

Vì sao ngao, hàu nuôi ở Cẩm Xuyên bị chết?

Người dân nhặt ngao chết để làm sạch môi trường.

Sau khi phát hiện tình trạng ngao nuôi, hàu nuôi của vùng nuôi trồng thủy sản tại 2 xã Cẩm Lĩnh, và Cẩm Lộc xảy ra hiện tượng bị chết, chính quyền địa phương đã báo cáo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Kết quả kiểm tra thực địa, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đánh giá: Tại các bãi nuôi ngao Cẩm Lĩnh, mật độ thả nuôi có những điểm quá cao (500 con/m2 cỡ 650 con/kg). Thời gian nuôi tại các bãi liên tục, không có thời gian nghỉ bãi, thả nhiều đợt giống gối vụ chồng lên nhau. Việc không thực hiện vệ sinh, cải tạo bãi nuôi đã gây áp lực lên môi trường, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi.

Cụ thể, tại xã Cẩm Lĩnh có 7 hộ nuôi ngao với tổng diện tích 20,6 ha, số bị chết chiếm tỷ lệ khoảng 20%, đạt kích cỡ thương phẩm 100 - 120 con/kg. Tại xã Cẩm Lộc có 11 hộ nuôi hàu trong lồng bè với tổng diện tích 0,36 ha, số bị chết chiếm tỷ lệ 30 - 40%, trong đó hàu thương phẩm đạt kích cỡ 50 con/kg.

Vì sao ngao, hàu nuôi ở Cẩm Xuyên bị chết?

Ngành chuyên môn đang tiếp tục lấy mẫu nước, mẫu ngao, mẫu hàu để phân tích, xác định nguyên nhân.

Chị Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản - Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu gửi cơ quan chuyên môn kiểm tra, xét nghiệm, phân tích nguyên nhân. Kết quả kiểm tra theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, mẫu hàu, ngao không phát hiện ký sinh trùng Perkinsus (một loại ký sinh trùng gây bệnh cho các nhuyễn thể hai mảnh vỏ). Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm quan trắc Viện Nghiên cứu Thủy sản 1 tiếp tục lấy mẫu nước, mẫu ngao để phân tích, xác định nguyên nhân.

Thực tế nhiều năm qua, cứ ra tết, các vùng nuôi ngao lại xảy ra hiện tượng chết do sương muối tan chậm, tác động lên các bãi ngao. Cùng với đó, mật độ nuôi dày, vụ nuôi gối chồng lên nhau... dẫn đến nguyên nhân ngao chết".

Vì sao ngao, hàu nuôi ở Cẩm Xuyên bị chết?

Ông Phạm Văn Minh (thôn 2, xã Cẩm Lĩnh) tiến hành thu gom ngao bị chết.

Hiện nay, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh đã gửi công văn đề nghị UBND huyện Cẩm Xuyên và các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi hàu, ngao thực hiện các quy trình đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Nhất là ở những nơi xuất hiện hiện tượng hàu, ngao chết, cần thu gom ra khỏi khu vực nuôi và tiêu huỷ, chôn lấp đúng quy định.

Tuyệt đối không đổ xác hàu, ngao ra vùng cửa sông; các nơi cạnh khu vực nuôi. Thực hiện tận thu hàu, ngao còn sống đã đạt kích cỡ thương phẩm, hạn chế thiệt hại; di chuyển số hàu, ngao còn sống chưa đạt kích cỡ thương phẩm sang khu vực ít ảnh hưởng.

Vì sao ngao, hàu nuôi ở Cẩm Xuyên bị chết?

Người dân Cẩm Lĩnh thu gom những con ngao còn sống để “vớt vát” thiệt hại.

Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân vệ sinh khu vực nuôi có hàu, ngao bị chết cày xới, phơi bãi, bón vôi khử trùng bãi nuôi để khôi phục và ổn định môi trường; tạm dừng các hoạt động thả nuôi hàu, ngao mới. Sau mỗi kỳ thu hoạch phải cải tạo bãi nuôi đúng quy trình kỹ thuật để chuẩn bị cho vụ nuôi tiếp theo. Chọn nguồn giống đảm bảo chất lượng và có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan chức năng.

Quá trình nuôi, mật độ thả giống phù hợp theo khuyến cáo của ngành; không nên thả nuôi với mật độ quá cao; không thả giống tại các khu vực có quá nhiều bùn. Thường xuyên quan sát bãi nuôi, khi có hiện tượng ngao nuôi và môi trường thay đổi cần thông báo ngay cho các cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.