Bệnh nhân HIV vẫn còn bị kỳ thị
Trong nhiều năm gắn bó với bệnh nhân HIV/AIDS, bác sỹ Nguyễn Đình Du - CDC Hà Tĩnh vẫn nhớ như in những trường hợp phụ nữ mang thai phát hiện dương tính với HIV ngay trước khi sinh con.
Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều có 1 điểm chung đó là họ phải vượt qua sóng gió, sự kỳ thị của những người thân, của bà con lối xóm khi đối mặt với kết quả này.
Bệnh nhân HIV vẫn còn bị cộng đồng kỳ thị nên việc tư vấn hầu như chỉ diễn ra lặng lẽ
Trường hợp 2 vợ chồng ở huyện Kỳ Anh là một ví dụ. Người vợ phát hiện mình dương tính với HIV trong một lần xét nghiệm máu khi thai kỳ ở tháng cuối cùng. Ngay sau đó, người chồng được kiểm tra và kết quả cũng dương tính. Sau đó là những ngày tháng khó khăn, bởi cả hai sống trong sự nghi ngờ lẫn nhau và sự kỳ thị của chính gia đình nội, ngoại.
Nhưng, vượt lên tất cả, họ đã quyết định tiếp cận dịch vụ phòng lây nhiễm từ mẹ sang con để kịp thời điều trị cho em bé sơ sinh. Cùng với đó, người vợ tham gia đội tuyên truyền đồng đẳng tại cộng đồng, công khai sống chung với căn bệnh thế kỷ và đến nay gia đình chị đã được cộng đồng đón nhận. Những ngày dông bão đã qua đi, cuộc sống giờ đã bình yên trở lại và đứa con sau chào đời được điều trị phòng lây nhiễm HIV kịp thời nên không bị lây từ mẹ.
Chị N. ở Lộc Hà vẫn không quên được cảm giác mọi thứ sụp đổ khi phát hiện mình bị nhiễm HIV khi mang thai ở tháng thứ 7.
Chị N. cho biết: “Quá trình mang thai tôi cũng đi thăm khám, siêu âm nhiều lần nhưng chưa lần nào làm xét nghiệm HIV bởi cũng không ngờ tới. Đến tháng thứ 7 sau cơn đau bụng, tôi quyết định đi khám, được tư vấn xét nghiệm HIV. Kết quả làm tôi thực sự sốc, tôi đã từng không muốn sống nữa. Nhưng được các cán bộ y tế động viên và tư vấn thực hiện phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tôi đã quyết tâm, kiên trì điều trị ARV với hy vọng con được khỏe mạnh, không bị lây nhiễm từ mẹ. Đến nay, niềm hy vọng ấy của tôi đã trở thành sự thật, đây cũng là động lực cho tôi vượt qua khó khăn để nuôi con”.
Sự động viên của bác sỹ CDC Hà Tĩnh là động lực để các bà mẹ điều trị phòng chống lây nhiễm sang con.
Khó khăn trong công tác tuyên truyền
Theo số liệu từ CDC Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 7.000 phụ nữ mang thai được tư vấn dịch vụ phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Trong số đó, chỉ có khoảng 20% chị em tự nguyện tiếp cận dịch vụ này. Đây là khó khăn thử thách trong việc kiểm soát nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và cho những người thân trong gia đình.
Để thu hút càng nhiều phụ nữ mang thai tiếp cận chương trình phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, thời gian qua, ngành y tế đã tổ chức tập huấn các kỹ năng tuyên truyền, cung cấp kiến thức, nội dung chương trình cho tất các các nữ hộ sinh, cán bộ khám chữa bệnh tại các trạm y tế, bác sỹ, nữ hộ sinh tại khoa sản các bệnh viện và khoa xét nghiệm bệnh viên đa khoa huyện. Nhưng thực tế việc triển khai không được như mong muốn.
Một cán bộ trạm y tế thuộc huyện Nghi Xuân chia sẻ: “Đây là vấn đề nhạy cảm nên khi tuyên truyền, vận động phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV chúng tôi đã từng bị phản ứng rất gay gắt, hầu hết các chị đều không hợp tác”.
Việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai mới chỉ dừng lại ở việc thăm khám, siêu âm.
Đó cũng là thực trạng chung tại các trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh và cũng là lý do y tế tuyến đầu chưa thể phát huy được vai trò, nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền, xét nghiệm sàng lọc và kiểm soát phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV tại cộng đồng.
Bác sĩ Phùng Bình Văn, Phó Giám đốc CDC Hà Tĩnh cho biết: “Thực tế trẻ có nguy cơ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con cao nhất nằm ở giai đoạn bà mẹ chuyển dạ. Nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV không được điều trị dự phòng thì tỷ lệ lây truyền sang cho thai nhi từ 25-40%. Nếu được điều trị dự phòng thì tỷ lệ này có thể giảm chỉ còn khoảng 5%”.
Được biết, từ năm 2009 đến nay, CDC Hà Tĩnh tiếp nhận, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cho 47 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV với 51 trẻ được sinh ra. Hầu hết các bà mẹ đều phát hiện muộn trong giai đoạn mang thai và khi chuyển dạ. Bằng nỗ lực kích hoạt kịp thời các biện pháp điều trị sớm cho trẻ ngay sau sinh nên đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con ở Hà Tĩnh là 0%.
Tuy nhiên, niềm vui ấy cũng không làm giảm bớt nỗi lo của những người làm công tác chuyên môn khi thực tế phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV ở Hà Tĩnh vẫn đạt thấp. Việc kiểm soát phòng lây nhiễm từ mẹ sang con và lây nhiễm trong cộng đồng hết sức khó khăn. Và, dẫn chứng về một phụ nữ ở địa bàn vùng xa phát hiện nhiễm HIV khi sinh con thứ 4 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã để lại sự day dứt trong suy nghĩ của nhiều người. Bởi sự phát hiện muộn ấy nên đứa con thứ 3 của chị được sinh ra trước đó cũng đã nhiễm HIV và sẽ phải chung sống với thuốc ARV suốt đời.