Việt Nam là nước thải rác nhựa xuống biển nhiều thứ 5 trên thế giới

Mỗi năm, có tới 8 triệu tấn rác nhựa đổ ra đại dương trên toàn thế giới, tương đương với một xe tải chở đầy rác đổ xuống biển mỗi phút.

Rác nhựa mất rất nhiều thập kỷ để phân hủy. Rác thải nhựa không những hủy hoại đời sống sinh vật biển mà còn ảnh hưởng đến nguồn hải sản mà con người tiêu thụ.

Cách tốt nhất để giảm thiểu rác nhựa là phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân cũng như doanh nghiệp thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa.

Việt Nam là nước thải rác nhựa xuống biển nhiều thứ 5 trên thế giới

Những bức ảnh lột tả tình trạng rác thải đổ ra biển tại Việt Nam, được trưng bày tại Hội thảo Quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương.

Những thông số nêu trên đã thay cho lời cảnh báo về ô nhiễm rác thải nhựa ở trên biển được đưa ra tại “Hội thảo Quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đại sứ quán Canada tổ chức sáng 10/12, tại Hà Nội. Hội thảo là sáng kiến chung giữa Canada và Việt Nam năm 2018, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tại hội thảo, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, giới chuyên gia quốc tế đã thảo luận tình hình rác thải nhựa tại Việt Nam, khung pháp lý và thể chế, việc phát triển ngành công nghiệp tái chế, các giải pháp tài chính, công nghệ, thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong quản lý rác thải nhựa…

Ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo, thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu của quốc tế, hiện rác thải nhựa đại dương của Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan.

“Chúng ta phải có biện pháp đồng bộ. Ngay cả thói quen tiêu dùng cũng phải thay đổi để sử dụng ít đồ nhựa hơn và ngay ở trong sản xuất thì phải thay đổi công nghệ để rác thải nhựa dễ phân hủy. Muốn giảm thải rác nhựa trên biển thì phải giảm thải rác nhựa ở trên đất liền. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phải ban hành một kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Kế hoạch này phải rất khả thi, mang tính hành động hành động cụ thể có các mục tiêu phải đo đếm được và các giải pháp phải có hiệu quả. Chúng tôi dự kiến năm 2019 sẽ trình chính phủ”, ông Nguyễn Lê Tuấn kiến nghị.

Việt Nam là nước thải rác nhựa xuống biển nhiều thứ 5 trên thế giới

Ông Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo, thuộc Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam trả lời phỏng vấn báo chí.

Đại sứ Canada tại Việt Nam bà Deborah Paul cũng đưa ra cảnh báo, chất thải nhựa và rác nhựa đại dương, gồm cả vi nhựa, là một mối đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe của các đại dương, sông ngòi và sức khỏe con người.

“Canada đã khởi xướng xây dựng Hiến chương về Nhựa đại dương và đến nay, đã có 14 nước, Liên minh Châu Âu (EU), và 20 công ty tham gia phê chuẩn Hiến chương. Chúng tôi hoan nghênh Việt Nam trở thành nước tiếp theo tham gia ký kết. Việc xây dựng một kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa trên biển là một bước tiến mạnh mẽ tiến tới giảm rác thải nhựa và thể hiện cam kết của Việt Nam đối với việc xử lý vấn nạn này”.

Với đặc thù là một không gian liên thông, được chi phối bởi các hoàn lưu biển, ô nhiễm rác thải biển không chỉ gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và hệ sinh thái biển, mà còn tác động trực tiếp tới các hoạt động kinh tế và cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Các chuyên gia đến từ Canada, Hàn Quốc, và Ngân hàng thế giới (WB) đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế liên quan đến phương pháp tiếp cận như: loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa, trách nhiệm mở rộng của người sản xuất và cơ chế tài chính bền vững để phát triển hệ thống xử lý rác thải tiên tiến…

Việt Nam là nước thải rác nhựa xuống biển nhiều thứ 5 trên thế giới

Những bức ảnh lột tả tình trạng rác thải đổ ra biển tại Việt Nam, được trưng bày tại Hội thảo Quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam về quản lý rác thải nhựa đại dương.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thông qua những cam kết chính trị mạnh mẽ, cũng như các hoạt động thiết thực trong quản lý, giảm rác thải nhựa.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức tại Canada tháng 6/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh sáng kiến của Canada về ngăn ngừa xả rác thải nhựa ra đại dương, khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Canada và quốc tế triển khai sáng kiến này.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng đưa ra sáng kiến để các nước G7 thúc đẩy hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa để hướng tới mục tiêu các đại dương xanh và sạch, không còn rác thải nhựa./.

Theo VOV

Đọc thêm

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Công điện ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện điện: UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam về việc ứng phó với bão MAN-YI gần biển Đông.
Thông tin mới nhất về bão USAGI

Thông tin mới nhất về bão USAGI

Tin mới nhất về bão USAGI, hiện đang ở gần Nam Đài Loan, sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn, nguy cơ cao với tàu thuyền. Biển động rất mạnh.
Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trường THCS Lê Văn Thiêm - 40 năm chắp cánh tri thức, kết nối tương lai

Trong suốt hành trình 40 năm phát triển, Trường Năng khiếu thị xã Hà Tĩnh xưa và Trường THCS Lê Văn Thiêm nay luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh nhà. Không chỉ đảm đương sứ mệnh là “nôi” bồi dưỡng nhân tài, chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học sinh, Trường THCS Lê Văn Thiêm đang bắt nhịp xu thế, phát triển mô hình trường học tiên tiến, năng động, từng bước hội nhập quốc tế.