Vụ lúa hè thu ở Hà Tĩnh: Cơ bản hoàn tất, chủ động né tránh thiên tai

(Baohatinh.vn) - Nhờ thời vụ thuận lợi, thế chủ động trong sản xuất, dự kiến, Hà Tĩnh sẽ hoàn thành gieo cấy lúa hè thu trước ngày 10/6, nỗ lực né tránh thiên tai cuối vụ.

Thời điểm này, khi một số địa phương đang cấp tập để “khép” thời vụ xuống giống hè thu thì các cánh đồng tại xã Xuân Lộc (Can Lộc) đã bắt đầu được bao phủ bởi màu xanh tươi của lúa non.

Chị Trần Thị Hường (thôn Trung Xá, xã Xuân Lộc, Can Lộc) chia sẻ: “Tận dụng nguồn nước có sẵn trên đồng ruộng, gia đình tôi đã tập trung ra đồng sớm để làm đất, gieo cấy hè thu. Nhờ cơ giới hóa, hơn 1,5 mẫu lúa đã hoàn thành xuống giống hôm ngày 27/5. Hiện tại, lúa đã lên được 4 - 5 lá, tôi chủ động duy trì mực nước từ 1 - 2 cm để cây bén rễ, phát triển tốt”.

Lúa hè thu phát triển tốt tại huyện Can Lộc.

Được biết, ngoài việc huy động cơ giới vào sản xuất, Can Lộc đã giao chỉ tiêu cụ thể đến từng địa phương tổ chức nạo vét kênh mương, tu sửa bờ vùng, bờ thửa, vùng hồ đập, trạm bơm để chủ động tưới tiêu cho sản xuất. Nhờ đó, huyện là địa phương “về đích” gieo cấy hè thu sớm nhất tỉnh, trước khung lịch thời vụ chung gần 10 ngày.

Tiếp sau huyện Can Lộc, “vựa lúa” Cẩm Xuyên cũng đã hoàn thành cơ bản gieo cấy lúa hè thu. Theo ông Lê Ngọc Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, vụ xuân kết thúc thu hoạch sớm, thắng lợi toàn diện tạo tâm thế phấn khởi cho bà con nông dân. Huyện cũng đã triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ sản xuất hè thu. Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh phối hợp điều tiết nước 24/24h cho người dân; hơn 1.500 máy làm đất và 147 máy cày đa năng (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023) làm việc ngày đêm giúp bà con nông dân nhanh chóng xuống giống.

Huyện Cẩm Xuyên huy động hơn 1.500 máy làm đất và 147 máy cày đa năng, giúp bà con nông dân hoàn thành sớm khâu làm đất.

Đặc biệt, việc tập trung, tích tụ ruộng đất tiếp tục mở rộng diện tích đạt 934,3 ha; phá bờ thửa nhỏ hình thành ô thửa lớn đạt 2.186,4 ha tạo thuận lợi trong tưới tiêu, bố trí cơ cấu giống, thực hiện gieo cấy tập trung. Thời vụ được đẩy nhanh, chỉ trong vòng 10 ngày (từ 23/5 - 3/6), huyện Cẩm Xuyên đã hoàn thành gieo cấy 9.127 ha lúa, đạt tỷ lệ 100% kế hoạch.

Còn tại huyện Hương Sơn, tiến độ gieo cấy hè thu cũng đang được bà con nông dân tập trung đẩy nhanh, đảm bảo khung sản xuất chung của tỉnh. Những ngày này, anh Trần Văn Thuận (thôn Đông Hà, xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn) tất bật chạy đua thời vụ.

Anh Thuận chia sẻ: “Các năm trước, cánh đồng này thường chưa hoàn thành việc cày ải vì nguồn nước khó khăn nhưng năm nay tôi đã gieo cấy được hơn một nửa diện tích ruộng nhà. Thuận lợi như thế là nhờ những cơn mưa dông bổ sung thêm nguồn nước quý giá. Bà con chúng tôi rất phấn khởi và cố gắng tranh thủ thời gian để sớm hoàn thành xuống giống”.

Toàn tỉnh đã gieo cấy trên 42.000 ha, đạt trên 95% kế hoạch.

Được biết, vụ hè thu 2024, huyện Hương Sơn triển khai gieo cấy trên 2.100 ha với các giống lúa như: xuân mai, PC6, khang dân,... Thông tin từ phòng NN&PTNT huyện, dự kiến, việc xuống giống của huyện sẽ cơ bản kết thúc vào khoảng ngày 10/6 (trừ một số ít vùng khó khăn về nước tưới, cao cưỡng,...).

Cùng với đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, sớm khép thời vụ xuống giống vụ lúa hè thu, ở một số địa phương, bà con nông dân đã bắt đầu tiến hành chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đầu vụ.

Nông dân một số địa phương tại huyện Can Lộc, vùng bãi ngang huyện Thạch Hà... xuống đồng phun trừ sâu bệnh hại lúa đầu vụ.

Chị Nguyễn Thị Xuân (xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà) chia sẻ: “Đầu vụ hè thu, ốc bươu vàng đã xuất hiện khá nhiều vì thời tiết khá mát mẻ, mạ non lại là thức ăn ưa thích của loại động vật này. Tôi phải đi bắt ốc và ổ trứng bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều tối; chủ động giữ mực nước thấp 2 - 3 cm nhằm hạn chế ốc di chuyển, phá hại”.

Theo ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã gieo cấy trên 42.000 ha, đạt trên 95% kế hoạch. Dự kiến, trong những ngày tới, các diện tích còn lại trong kế hoạch sản xuất (khoảng gần 2.500 ha) sẽ cơ bản hoàn thành gieo cấy. Trong khi đó, ở nhiều năm trước, ở một số địa phương tại huyện Hương Sơn, Hương Khê, TP Hà Tĩnh… thời vụ thường kéo dài đến ngày 15/6, thậm chí nhiều nơi kéo dài đến cuối tháng 6.

Song song với việc tập trung hoàn thành gieo cấy, bà con nông dân cũng phải chủ động phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ, giúp cây lúa sinh trưởng tốt. Một số đối tượng dịch hại thường xuất hiện sớm, cần theo dõi sát sau khi xuống giống như ốc bươu vàng, chuột, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ,…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói