Vững bền “thành lũy” đồng bào

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh - dải đất mong manh trên bản đồ đất nước, từ hàng nghìn năm qua luôn phải đối mặt với bao khó khăn do thiên tai, giặc giã. Trong những “cơn hoạn nạn” ấy, nghĩa đồng bào sâu nặng chính là thành lũy vững bền, giúp người Hà Tĩnh không ngừng vươn lên, kiến tạo những giá trị mới.

Nhìn trên bản đồ đất nước, Hà Tĩnh là phiến cắt đầu tiên trên chiếc eo miền Trung mỏng mảnh. Trên phiến đất gồ ghề hướng mặt ra biển đó, chẳng ai còn biết có bao nhiêu dân số là người bản xứ, bao nhiêu dân số là người chạy loạn từ phương Bắc, phương Nam xa xôi, chỉ biết họ đã ở lại, cùng nhau sinh con đẻ cái, dựng xây làng mạc, xóm thôn, cùng nhau ra đồng, lên núi, trồng cây gây rừng, khai thác tài nguyên đất đai, biển cả…

Vững bền “thành lũy” đồng bào

Non nước Hà Tĩnh

Họ đã cùng yêu thương, chia sẻ, đùm bọc nhau để làm nên một Hà Tĩnh kiên cường, bất khuất, nhân hậu, bao dung. Để rồi, trong bao “cơn hoạn nạn”, người Hà Tĩnh càng yêu thương nhau bền chặt hơn, sống có trách nhiệm với nhau, có trách nhiệm với quê hương, đất nước…

Đồng bào như một tần số rung động, sẽ mang đến những dáng hình, trạng thái khác nhau trong hình dung, tình cảm mỗi người. Và trong bất kỳ cơn hoạn nạn nào của cộng đồng, của quê hương, đất nước, nó lại sống dậy thật mạnh mẽ, thật thiêng liêng và cao cả. Còn nhớ, trận lũ lịch sử tháng 10/2020 ập đến bất ngờ, khiến nhiều vùng quê Hà Tĩnh chìm trong biển nước, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của Nhân dân.

Ngay lập tức, người Hà Tĩnh đã đùm bọc lấy nhau. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tình nguyện hỗ trợ phương tiện, nhân lực cùng chính quyền và lực lượng chức năng đến từng vùng lũ, nắm tình hình và thông tin rộng rãi để kêu gọi sự hỗ trợ, giải cứu các gia đình trong vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức thiện nguyện, các cá nhân, hội đoàn thể… đã nhanh chóng quyên góp, tổ chức nấu cơm, cháo, bánh chưng… kịp thời chia sẻ với đồng bào…

Vững bền “thành lũy” đồng bào

Tháng 10/2020, khi cơn lũ ập đến bất ngờ, nhiều vùng quê Hà Tĩnh chìm trong biển nước, ngay lập tức, người Hà Tĩnh đã đùm bọc lấy nhau. Ảnh tư liệu

Trong quá trình khắc phục hậu quả lũ lụt, người Hà Tĩnh lại tiếp tục phát huy nét đẹp truyền thống “lá lành đùm lá rách”, không ngừng quyên góp, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, nghĩa đồng bào sâu nặng còn hiện hữu trong những chủ trương, chính sách kịp thời của tỉnh.

Thời điểm xẩy ra thiên tai năm 2020 cũng là thời điểm Hà Tĩnh vừa hoàn thành Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và nghị quyết đầu tiên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 và nêu rõ một số định hướng, mục tiêu và giải pháp phòng ngừa, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Vững bền “thành lũy” đồng bào

Nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ là hiện thân của nghĩa đồng bào sâu nặng.

Nghị quyết sớm được triển khai đã giúp các hoạt động sản xuất được khôi phục và đặc biệt là trên khắp các miền quê, những ngôi nhà tránh lũ cho người dân, những ngôi nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ với sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân khắp mọi miền đã nhanh chóng được hoàn thành trong niềm hân hoan và tin tưởng của Nhân dân.

Đến nay, tổng hợp từ các nguồn hỗ trợ, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 43 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ; 3.446 nhà ở kiên cố cho người có công, hộ nghèo, hộ bị ảnh hưởng do thiên tai.

Nghĩa đồng bào cũng đã trở thành thành lũy vững chắc trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 những năm qua. Nhớ lại những ngày đầu, khi dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn, nhiều khu cách ly, điều trị được thành lập với bao khó khăn, thiếu thốn thì ngay lập tức, Nhân dân đã chung tay góp tiền, góp của, góp sức để chia sẻ với lực lượng tuyến đầu và những bệnh nhân COVID-19, những đối tượng phải cách ly có hoàn cảnh khó khăn.

Hoạt động quyên góp, chia sẻ, đùm bọc nhau không chỉ dành riêng cho những người đang sống ở quê nhà mà còn dành cho người Hà Tĩnh ở muôn phương, dành cho người dân ở các địa phương khác và đóng góp vào quỹ phòng chống dịch của Chính phủ.

Vững bền “thành lũy” đồng bào

Trong gian nan, người Hà Tĩnh không quên hướng về đồng bào ở những vùng tâm dịch COVID-19 bằng những nghĩa cử ấm áp.

Phải nặng sâu nghĩa đồng bào đến thế nào người ta mới lặn lội mang mớ rau, quả trứng, cân gạo của nhà mình sẻ chia cho bà con, mới cùng nhau kêu gọi, quyên góp và đi chợ, nấu cơm tặng bà con trong khu cách ly. Phải được nuôi dưỡng về tình đồng bào bền sâu thế nào thì các lực lượng y tế, công an, quân đội, tình nguyện viên, cán bộ thôn, tổ dân phố... mới sẵn sàng lao vào vùng tâm dịch giúp đỡ bà con.

Nghĩa đồng bào còn biểu hiện thật cao cả trong những nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền Hà Tĩnh khi tổ chức các chuyến tàu, chuyến bay đưa công dân hồi hương…Giờ đây, khi những khó khăn, hiểm nguy của dịch bệnh đã được kiểm soát và giảm xuống, nhìn lại chặng đường đã qua, người Hà Tĩnh thực sự tự hào về những gì mình đã làm, đã cống hiến cho cộng đồng, cho quê hương.

Vững bền “thành lũy” đồng bào

Trong cơn hoạn nạn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh đã giang tay đón đồng bào ở các tỉnh, thành phía Nam hồi hương trên những chuyến bay sâu nặng nghĩa tình.

Cùng với việc duy trì công tác phòng chống dịch, đời sống KT-XH đã bắt đầu bình thường trở lại trên nhiều lĩnh vực. Nhiều chính sách mới đã và đang được triển khai hiệu quả, giúp người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên.

Trên ruộng đồng, sông nước, trên những triền đồi, nhà nông đã mạnh dạn tái đầu tư, gieo trồng, thả giống cho những vụ mùa mới; không ít nông dân đã mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế với những kỳ vọng mới. Trên các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại… doanh nghiệp cũng đã cơ bản vượt qua những khó khăn, hồi phục trở lại với những kế hoạch mới… Bên cạnh đó, nhiều công trình, dự án lớn được khởi công và đẩy nhanh tiến độ thi công, việc thu hút đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh…

Vững bền “thành lũy” đồng bào

Sau những khó khăn do đại dịch COVID-19, kinh tế Hà Tĩnh đang có những bước phục hồi tốt nhờ những chính sách nhân văn của Chính phủ.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng” - bài học từ thuở ấu thơ hôm nay lại vang lên khi tôi nghĩ về nghĩa đồng bào trên quê hương Hà Tĩnh. Đó là bài học vỡ lòng dễ hiểu, dễ cảm nhận, dễ hành động nhất mà tôi và bao thế hệ người Việt khác đã được truyền dạy. Đồng bào không chỉ là giống nòi mà còn là thành lũy vững chắc, thiêng liêng, để trong bất kỳ khó khăn, hoạn nạn nào, người người, nhà nhà cũng sẽ được bao bọc, chở che trong tình thân ấm áp!

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Chủ đề GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.