Xây dựng thương hiệu Sen Hào Thành, tạo giá trị bền vững

(Baohatinh.vn) - Sau 1 năm, mô hình phát triển vùng nguyên liệu sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch tại TP Hà Tĩnh đã khẳng định hiệu quả, tạo ra sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng của địa phương. Mô hình còn góp phần phát triển kinh tế cộng đồng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xây dựng thương hiệu Sen Hào Thành, tạo giá trị bền vững

Công nhân cơ sở sản xuất của HTX Sen Hào Thành đóng gói sản phẩm trà sen.

Thời điểm này, vùng sản xuất thuộc mô hình phát triển vùng nguyên liệu sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) đang vào mùa thu hoạch củ đầu tiên. Trên những cánh đồng sen, bà con nông dân sục, đào để thu về những củ sen trắng ngà từ lớp bùn đen.

Ông Dương Công Kiểu, thành viên HTX Sen Hào Thành cho biết: “Bắt đầu thu hoạch từ gần 1 tuần nay, trên diện tích 2,5 sào, gia đình tôi thu được hơn 8 tạ. Thu từ hồ lên là chúng tôi vận chuyển nhập về cơ sở sản xuất của HTX. Tại đây, các thành viên khác sẽ thực hiện các khâu sơ chế, đóng gói để cung ứng ra thị trường”.

Xây dựng thương hiệu Sen Hào Thành, tạo giá trị bền vững

Vừa thu hoạch từ hồ, vợ chồng ông Dương Công Kiểu vận chuyển củ sen vào nhập cho HTX Sen Hào Thành.

Mô hình phát triển vùng nguyên liệu sen theo chuỗi giá trị gắn với du lịch được triển khai từ tháng 5/2021 với diện tích đến nay là 16 ha. Mô hình do HTX Sen Hào Thành (TP Hà Tĩnh) đầu tư, liên kết với các tổ hợp tác tại địa phương để sản xuất sen, khai thác chuỗi giá trị của sản phẩm này trở thành sản phẩm đặc trưng của thành phố.

Xây dựng thương hiệu Sen Hào Thành, tạo giá trị bền vững

Cơ sở trưng bày và kinh doanh các sản phẩm sen của TP Hà Tĩnh.

Anh Trần Tiến Sỹ - Giám đốc HTX Sen Hào Thành cho biết: “Nhằm phát triển mô hình nông nghiệp đô thị, HTX đã tiến hành thuê đất, chuyển đổi từ đất lúa, diện tích ao hồ kém hiệu quả sang trồng sen theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thông qua việc liên kết, tích tụ ruộng đất, phát triển vùng nguyên liệu sen trên những vùng đất nông nghiệp trũng, ao hồ không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đảm bảo các yếu tố sản xuất an toàn và lựa chọn giống sen phù hợp, có năng suất cao như: sen bách diệp, sen cao sản, sen hoàng yến, sen nghìn cánh…

Cùng với đó, tiếp tục ứng dụng và thử nghiệm trên 30 loại giống, làm cơ sở để tiếp tục nhân rộng. Đến nay, mô hình đã bước đầu đã đạt được những mục tiêu đề ra như: sản xuất, chế biến và xúc tiến thương mại một số sản phẩm về sen; tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân theo hình thức liên kết sản xuất qua tổ hợp tác; tạo cảnh quan, mô hình du lịch trải nghiệm và cải tạo môi trường tại khu vực”.

Xây dựng thương hiệu Sen Hào Thành, tạo giá trị bền vững

Anh Trần Tiến Sỹ - Giám đốc HTX Sen Hào Thành (người ngoài cùng bên phải) tại lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các doanh nghiệp của TP Hà Tĩnh và TP Latina (Ý).

Theo đánh giá, đối với trồng sen lấy hạt, người nông dân có thể cho thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/ha/năm và trên 300 triệu đồng/ha/năm đối với sen lấy củ (mỗi năm 2 vụ). Ngoài thu mua sen nguyên liệu (bông sen, hạt sen, lá sen, ngó sen, tâm sen, củ sen), HTX cũng đã chế biến hàng chục sản phẩm từ sen như: trà búp sen, trà lá sen, hoa sen sấy giòn, hạt sen tươi, củ sen sấy, tinh bột sen, kim chi củ sen, rượu sen… Tất cả các sản phẩm đã được giới thiệu và bày bán ở 5 điểm cửa hàng bán lẻ của hệ thống Thành Sen Mart và một số điểm kinh doanh rau, củ, quả sạch. Giá bán trung bình các sản phẩm dao động từ 70 - 120 nghìn đồng/sản phẩm (tùy loại), khá phù hợp với số đông người tiêu dùng.

Xây dựng thương hiệu Sen Hào Thành, tạo giá trị bền vững

Một số sản phẩm nông nghiệp đô thị của TP Hà Tĩnh.

Điều đáng nói, sản phẩm chế biến từ sen tại TP Hà Tĩnh đang được khách hàng và các đối tác đón nhận, từng bước khẳng định thương hiệu đặc trưng nông nghiệp đô thị ven đô, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa Thành Sen.

“Để tiếp tục mở rộng thị trường, hướng đến xuất khẩu, hiện, chúng tôi đã hoàn thiện hồ sơ, chờ Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu Sen Hào Thành; xây dựng thương hiệu đạt chuẩn OCOP năm 2022. Đồng thời, HTX cũng đã đưa sản phẩm của mình giới thiệu, kinh doanh tại Tuần lễ nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề Hà Tĩnh tại Trung tâm thương mại BigC Thăng Long (Hà Nội); ký biên bản ghi nhớ với một số đối tác tại Ý, Đức… trong việc hợp tác tiêu thụ sản phẩm; hoàn thành phương án sản xuất trình UBND thành phố… Mục tiêu cao nhất, trong 5 năm tới, HTX sẽ trồng được 1.000 ha sen, thực hiện chế biến sâu. Từ đó, cung cấp các sản phẩm hữu cơ, an toàn cho người sử dụng và góp phần phát triển kinh tế cộng đồng” – Giám đốc HTX Sen Hào Thành Trần Tiến Sỹ cho biết thêm.

Dự kiến, trong năm 2023, diện tích sản xuất sen của HTX sẽ mở rộng khoảng 20 – 25 ha, liên kết chuỗi sản xuất với 8 tổ hợp tác (35 - 40 hộ dân).

Sen Hào Thành là một trong những sản phẩm nông nghiệp đô thị chủ lực của thành phố. Không chỉ khai thác được thế mạnh của vùng, mang lại thu nhập cho người dân địa phương, phát triển trồng sen còn mang lại những giá trị bền vững về văn hóa, xã hội và môi trường. Thành phố cũng đang tập trung xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị, hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học. Từ đó, xây dựng thương hiệu, phát triển nền nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp phù hợp và gắn với du lịch sinh thái.

Ông Trần Quang Hưng
Trưởng phòng Kinh tế (TP Hà Tĩnh)

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Khi cây lúa lên xanh

Khi cây lúa lên xanh

Dù phải đối mặt với áp lực thời vụ lớn và ảnh hưởng của mưa lũ bất thường, cây lúa vẫn bén rễ, vươn lên mạnh mẽ từ sự bền bỉ và tình yêu với đồng ruộng của người nông dân Hà Tĩnh.
Can Lộc đẩy mạnh phát triển thuỷ sản nước ngọt

Can Lộc đẩy mạnh phát triển thuỷ sản nước ngọt

Tận dụng tiềm năng ao hồ, mặt nước dồi dào, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tập trung chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích, đầu tư nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng thâm canh, đa dạng hoá đối tượng nuôi.
Người dân Hà Tĩnh nuôi tằm trong phòng điều hòa

Người dân Hà Tĩnh nuôi tằm trong phòng điều hòa

Để tằm sinh trưởng, phát triển đạt hiệu quả tốt nhất, một số hộ dân ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn lắp điều hòa trong phòng nhằm duy trì nền nhiệt. Các mô hình mang lại hiệu quả, cho thu nhập khá.
Trồng rừng bản địa, lợi ích lâu dài từ đất rừng Hà Tĩnh

Trồng rừng bản địa, lợi ích lâu dài từ đất rừng Hà Tĩnh

Không chỉ là "lá phổi xanh", rừng bản địa Hà Tĩnh còn là nơi gìn giữ đa dạng sinh học, điều tiết nguồn nước, chống xói mòn và góp phần tạo sinh kế cho người dân. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm diện tích rừng tự nhiên, trồng rừng bản địa được xem là giải pháp bền vững, hướng tới những lợi ích lâu dài.