Vào những biển lặng, cứ khoảng 4h sáng, các tổ lưới rùng ở một số xã vùng biển Nghi Xuân lại ra biển kéo lưới. Mỗi mẻ lưới rùng ở đây thường kéo dài 3 tiếng.
Ban đầu, một vài người sẽ có nhiệm vụ chèo thuyền thúng ra khơi cách bờ từ 600 - 700 m để thả lưới. Tấm lưới dài khoảng gần 800m, dây kéo dài hơn 1.000m. Lưới được thả vòng theo hình bán nguyệt, khoảng cách giữa 2 đầu lưới thường 300 - 400m.
Trên bờ, hơn 20 người chia thành 2 tốp đứng về hai bên, nhịp nhàng kéo giật lùi. Nghề đánh lưới rùng vì thế mà còn được người dân nơi đây gọi là nghề “đi giật lùi”.
Nghề đánh lưới rùng đã có trên địa bàn huyện Nghi Xuân từ lâu đời, tuy nhiên, khoảng những năm 80 của thế kỷ trước thì bị mai một dần. Hiện còn một số địa phương như: Cương Gián, Cổ Đạm, Xuân Liên, Xuân Thành… vẫn duy trì, phát triển.
Tại xã Cương Gián, năm 2012, các ngư dân đã cùng nhau thành lập 6 tổ lưới rùng, mỗi tổ trên 20 thành viên tham gia để giữ "lửa" nghề. Ông Đặng Văn Quế - thôn Song Hồng, xã Cương Gián (người đứng thứ 2 từ cuối lên) cho biết: “Chúng tôi lớn lên đã gắn bó với nghề kéo lưới rùng. Mỗi mẻ lưới rùng thường kéo dài khoảng 3 tiếng vào sáng sớm. Mẻ nhiều thì cả tổ đánh bắt được khoảng gần 1 tấn cá các loại, hôm ít thì được khoảng vài chục kg”.
Mỗi thành viên trong tổ lưới rùng không chỉ cần thể lực bàn tay khỏe mà còn phải có kỹ thuật và tuân thủ quy tắc mỗi khi ra quân kéo lưới.
Sau khoảng 3 giờ kéo lưới, mẻ lưới đã thu về nhiều loai cá như cá đục, cá trích, nhiều loại cá khác… Các ngư dân tập trung phân loại cá và bán cho các thương lái.
Đây là lúc bà con ngư dân thu về những món quà từ biển cả. Dù nghề kéo lưới rùng rất vất vả nhưng cũng đưa lại thu nhập khá cho bà con ngư dân.
Những mớ tôm, mớ cá đủ các loại, nhiều kích cỡ bật nhảy tanh tách ở cuối lưới khiến ai nhìn thấy cũng thích thú.
Ông Nguyễn Văn Thọ (thôn Ngư Tịnh, xã Cương Gián) cho hay: “Nghề kéo lưới rùng đã có từ lâu đời, là nghề do cha ông truyền lại. Nghề kéo lưới rùng vốn đầu tư không nhiều, nhất là việc tham gia vào tổ lưới rùng đã giúp chúng tôi có thu nhập ổn định hơn"
Thời gian qua, các tổ lưới rùng đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều ngư dân. Trong chiến lược phát triển du lịch biển tại địa phương, xã Cương Gián đang xây dựng kế hoạch đưa lưới rùng trở thành một sản phẩm du lịch trải nghiệm nhằm phục vụ nhu cầu của Nhân dân và du khách khi về với biển nơi đây.
Ông Hoàng Văn Hà
Chủ tịch UBND xã Cương Gián