Sáng 11/4, UBND huyện Đức Thọ phối hợp với Sở KHCN Hà Tĩnh, đơn vị tư vấn Công ty Luật ALIAT (TP Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo lấy ý kiến bổ sung hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Gạo rươi Đức Thọ”.
Gạo ruộng rươi Đức Thọ được các địa phương nằm trong khu vực hạ lưu sông Lam như: Yên Hồ, Quang Vĩnh và Bùi La Nhân bắt đầu sản xuất từ năm 2013 trên các cánh đồng có thủy triều lên xuống, phù hợp cho rươi, cáy sinh sống.
Trước đây, các cánh đồng này là các bãi bồi, người dân thường khai thác rươi cáy tự nhiên. Nhận thấy đánh bắt bằng phương pháp tự nhiên không được bảo vệ thì nguồn lợi rươi, cáy sẽ mất dần nên người dân địa phương đã có phương án khoanh vùng, be bờ giữ nước và kết hợp trồng lúa để thu hoạch kết hợp lúa, rươi, cáy.
Đơn vị tư vấn phân tích các phương án logo cho nhãn hiệu để người dân lựa chọn
Sau nhiều năm sản xuất, các địa phương đã dần hình thành cánh đồng phù hợp cho việc sản xuất lúa kết hợp với bảo vệ nguồn lợi đặc sản rươi, cáy của quê hương.
Đến nay, toàn huyện Đức Thọ có 101 ha sản xuất lúa trên ruộng rươi gồm 3 loại giống chủ lực là ST 24, ST 25, VNR 20 (gạo ruộng rươi). Trong đó, Bùi La Nhân 47 ha, Yên Hồ 43 ha và Quang Vĩnh 11 ha.
Đặc điểm của sản xuất lúa trên diện tích đất có rươi, cáy là sản xuất hữu cơ 100%, không dùng thuốc trừ sâu, không sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng phân chuồng ủ hoai để đảm bảo sự phát triển của rươi, cáy nên năng suất lúa ruộng rươi không cao bằng lúa sản xuất thông thường (bình quân đạt 50 tạ/ha/vụ). Tuy nhiên, với giá bán cao gấp 2 lần so với gạo được sản xuất thông thường (1kg rạo ruộng rươi có giá 35.000 đồng) nên đưa lại hiệu quả cao cho người sản xuất. Ngoài ra mỗi năm người nông dân còn có thu nhập từ thu hoạch rươi, cáy bình quân từ 100-150 triệu/ha/năm.
Tuy vậy, sản phẩm gạo ruộng rươi ở Đức Thọ chưa được biết đến nhiều bởi địa phương chưa xây dựng được thương hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận ở Cục Sở hữu trí tuệ.
Từ thực tế này, UBND huyện Đức Thọ đã phối hợp với Sở KHCN Hà Tĩnh, đơn vị tư vấn Công ty Luật ALIAT xây dựng và tạo lập quản lý phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo rươi Đức Thọ”.
Sau một thời gian nghiên cứu, điều tra, đến nay đơn vị tư vấn đã tạo lập và xây dựng hoàn chỉnh dự án phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo rươi Đức Thọ”.
5 phương án logo đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Gạo rươi Đức Thọ” được đưa ra để lấy ý kiến góp ý lựa chọn
Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã đưa ra 5 mẫu logo đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm “Gạo rươi Đức Thọ” và lấy ý kiến góp ý chọn logo phù hợp với bản sắc văn hóa, địa lý của địa phương đồng thời làm nổi bật thương hiệu.
Sau khi tổng hợp các ý kiến từ hội thảo, đơn vị tư vấn sẽ công bố mẫu logo đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm “Gạo rươi Đức Thọ” trong thời gian tới.