Bao phủ vắc xin phòng viêm da nổi cục cho đàn trâu bò trước ngày 20/3

(Baohatinh.vn) - Các địa phương xuất hiện ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đang tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, phấn đấu hoàn thành trước ngày 20/3 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Bệnh viêm da nổi cục đang xảy ra tại 7 xã, thuộc 3 huyện (Can Lộc, Lộc Hà, Nghi Xuân).

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến nay, bệnh viêm da nổi cục đang xảy ra tại 7 xã, thuộc 3 huyện: Tùng Lộc, Thuần Thiện (Can Lộc); Xuân Thành (Nghi Xuân); Phù Lưu, Mai Phụ, Thạch Châu, Hồng Lộc (Lộc Hà) làm 75 con bò mắc bệnh, trong đó có 8 con bị chết, tiêu hủy.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, cùng với diễn biến thời tiết bất lợi làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, thuận lợi cho các loại vật trung gian truyền bệnh (ve, mòng, ruồi, muỗi…) phát triển; miễn dịch bảo hộ của các loại vắc xin trong tiêm phòng đợt 2/2023 đã hết; các hoạt động vận chuyển, buôn bán để tái đàn gia tăng nên nguy cơ dịch viêm da nổi cục phát sinh, lây lan đang rất cao. Vì thế, tiêm phòng được xem là giải pháp quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong thời điểm này.

Tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục trên trâu, bò tại huyện Lộc Hà.

Tại huyện Lộc Hà, địa phương đang tập trung đôn đốc thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin để bao vây, khống chế dịch, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi. Sau hơn 1 tuần tập trung thực hiện (từ ngày 7 - 13/3), địa phương đã nâng tổng số trâu, bò được tiêm phòng từ hơn 760 con lên hơn 1.800 con (tổng đàn toàn huyện hơn 3.800 con).

Ông Lê Hồng Cơ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, chúng tôi yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, thống kê chính xác tổng đàn trâu bò trên địa bàn, đặc biệt là tại các xã có dịch và vùng bị uy hiếp. Địa phương đang xem xét chính sách hỗ trợ kinh phí tiêm phòng và phấn đấu đảm bảo tỷ lệ tiêm vắc xin viêm da nổi cục trung bình đạt trên 80%, hoàn thành trước ngày 20/3; đồng thời, bám nắm, chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh để có giải pháp xử lý kịp thời”.

Huyện Nghi Xuân đang tập trung tiêm phòng, phấn đấu hoàn thành theo yêu cầu.

Đối với huyện Nghi Xuân, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã trực tiếp cử cán bộ chuyên môn tổ chức bổ cứu, hướng dẫn cho các xã, thị trấn để tập trung đẩy nhanh tiến độ. Ông Lê Văn Du - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thành (Nghi Xuân) thông tin: “Hiện nay, xã đã tiêm phòng cho 250 /508 con trâu, bò. Sau buổi làm việc với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chúng tôi sắp xếp lại công tác tổ chức, tranh thủ thời tiết thuận lợi huy động lực lượng, bám nắm các địa bàn để hoàn thành tiêm phòng trước ngày 17/3, đảm bảo “phủ” vắcxin trên 80% tổng đàn”.

Bà Lê Thị Yến - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho biết: “Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành tiêm phòng viêm da nổi cục cho trên 2.350 con trâu bò thuộc diện tiêm phòng trước ngày 20/3. Đồng thời, chú trọng công tác tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa dịch bệnh cho người chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ, mua bán trâu bò, nhất là các vùng có dịch; nhắc nhở người dân không thả rông trâu bò, mua bán trâu bò bị bệnh hoặc bị chết, chú trọng vệ sinh chuồng trại, báo cáo chính quyền địa phương ngay khi phát hiện dịch bệnh...”.

Đối với huyện Can Lộc, nhờ bám nắm tốt địa bàn, triển khai tiêm phòng theo phương thức "cuốn chiếu", đến nay, địa phương đã tiêm phòng được trên 6.400 con trâu, bò, đạt tỷ lệ hơn 80%.

Các địa phương đang nỗ lực hoàn thành công tác tiêm phòng cho đàn trâu bò trước ngày 20/3/2024.

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản đối với các địa phương đang có dịch viêm da nổi cục (Can Lộc, Nghi Xuân, Lộc Hà) khẩn trương tập trung huy động các nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra diện rộng; tổ chức rà soát, nắm chắc biến động tổng đàn vật nuôi, giám sát chặt chẽ tình hình để phát hiện sớm, xử lý dịch bệnh kịp thời; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục để bao vây, khống chế dịch bệnh tối thiểu 80% tổng đàn trâu, bò thuộc diện tiêm phòng tại địa phương, hoàn thành trước ngày 20/3/2024; quản lý chặt chẽ gia súc mắc bệnh, hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi chăm sóc, chữa trị gia súc mắc bệnh kịp thời, đảm bảo; xử lý gia súc mắc bệnh chết theo đúng quy định.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói