Dịch viêm da nổi cục diễn biến phức tạp, Lộc Hà gấp rút ngăn chặn

(Baohatinh.vn) - Dịch bệnh viêm da nổi cục ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang diễn biến khá phức tạp, nguy cơ bùng phát cao nên các cấp, ngành cùng người chăn nuôi đang gấp rút triển khai biện pháp ngăn chặn.

33 - Copy.jpg
Ngay khi xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục, xã Phù Lưu đã tiêm phòng đàn trâu bò.

Ngay sau khi phát hiện bò của hộ ông H.V.T ở thôn Mỹ Hòa, xã Phù Lưu nhiễm vi-rút gây bệnh viêm da nổi cục (ngày 26/2), Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát tổng thể để đánh giá tình hình dịch bệnh.

Cùng với đó, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và người chăn nuôi trên địa bàn đã nhanh chóng triển khai tiêm phòng, rắc vôi bột và phun hóa chất để phong tỏa nguồn lây.

1 - Copy.jpg
Con bò bị nhiễm bệnh đầu tiên ở Lộc Hà bị chết (nặng 283 kg) đã được chôn lấp cẩn thận.

Ông Nguyễn Đức Quang – Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi phát hiện thêm 2 trường hợp nhiễm bệnh nên đã gấp rút triển khai các biện pháp cấp bách về phòng chống dịch. Gần 500 mũi vắc-xin Lumpyvac đã được tiêm phòng trên những con đủ điều kiện tiêm (tổng đàn 650 con); những vùng có nguy cơ cao đã được rắc vôi bột và phun hóa chất. Ngoài ra, chúng tôi cũng bám sát thôn xóm để động viên, hướng dẫn bà con chăm sóc vật nuôi bị bệnh, thực hiện các biện pháp tự ngăn ngừa hiệu quả, chôn lấp gia súc bị chết (1 con nặng 283 kg) cẩn thận”.

2 - Copy.jpg
Các khu chuồng trại xuất hiện dịch bệnh ở Phù Lưu đã được phun tiêu độc khử trùng.

Sau xã Phù Lưu, cách đây 3 ngày, ở thôn Sơn Phú, xã Mai Phụ cũng đã xuất hiện dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò của hộ ông P.V.B. (2 con) và bà N.T.L (1 con).

Cách đây 1 ngày, ở xã Thạch Châu cũng xuất hiện những dấu hiệu, biểu hiện của một ổ dịch viêm da nổi cục mới, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm chính thức. Ngoài ra, nhiều địa phương khác cũng đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh lây lan nên phải gấp rút tăng cường các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.

5 - Copy.jpg
Thôn Sơn Phú (xã Mai Phụ) rắc vôi trên các trục đường vào khu chăn nuôi đã xuất hiện dịch.

Ông Nguyễn Xuân Bắc – Chủ tịch UBND xã Mai Phụ cho biết: “Đàn trâu bò của xã chúng tôi hiện có gần 600 con. Ngay khi phát hiện dịch viêm da nổi cục xuất hiện trên địa bàn, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn cấp trên triển khai ngay việc tiêm phòng, phong tỏa nguồn bệnh gắn với chữa trị những con bị bệnh và chăm sóc, bảo vệ những con khỏe mạnh. Hiện nay, các biện pháp phòng ngừa đã triển khai xong. Chúng tôi quyết tâm không để dịch bùng phát ra diện rộng”.

4 - Copy.jpg
Xã Hồng Lộc gấp rút tiêm phòng vắc-xin ngừa viêm da nổi cục cho đàn gia súc.

Dịch bệnh viêm da nổi cục đang có nguy cơ lan rộng, đe dọa đến sự sinh trưởng, phát triển của đàn vật nuôi và tài sản của Nhân dân nên người chăn nuôi ở Lộc Hà đang nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức phòng ngừa dịch bệnh.

Anh Lê Văn Bình ở TDP Yên Bình (thị trấn Lộc Hà) cho biết: “Chúng tôi đang rất lo lắng khi dịch bệnh xuất hiện trở lại. Để bảo vệ đàn bò 7 con của gia đình, mấy ngày nay, tôi không chăn thả ra đồng như trước, thay vào đó là nuôi nhốt, cho ăn thức ăn công nghiệp kết hợp với thức ăn khô dự trữ. Tôi đã chủ động mua vôi sống về rắc xung quanh chuồng trại. Ngoài ra, tôi nhắc nhở các thành viên trong gia đình phải hạn chế đi đến các vùng có dịch và không cho người lạ vào chuồng bò”.

6 - Copy.jpg
Cán bộ thú y huyện Lộc Hà lấy mẫu xét nghiệm gửi Chi cục Thú y vùng III.

Sau “bão dịch” viêm da nổi cục vào năm 2020 và 2021, chăn nuôi trâu bò ở Lộc Hà có sự tăng trưởng ổn định và hiện đang có 10.802 con. Rút kinh nghiệm từ những lần phòng dịch trước, hiện nay, các cấp, ngành cùng người chăn nuôi đã tập trung ứng phó, không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh nguy hiểm.

Các nhiệm vụ trọng tâm đang được Lộc Hà triển khai là: tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa dịch bệnh cho người chăn nuôi; tổ chức tiêm phòng, phun hóa chất, rắc vôi bột để khoanh vùng, khống chế nguồn bệnh, mầm bệnh kịp thời; kiểm soát chặt chẽ hoạt động giết mổ, mua bán trâu bò, nhất là các vùng có dịch; nhắc nhở người dân không thả rông trâu bò, mua bán trâu bò bị bệnh hoặc bị chết, chú trọng vệ sinh chuồng trại, báo cáo chính quyền địa phương ngay khi phát hiện dịch bệnh...

Ông Phan Văn Thanh – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà cho biết: “Hiện, chúng tôi đang gấp rút kiểm tra, soát xét, đánh giá tình hình đàn trâu bò và dịch bệnh để có biện pháp ứng phó cụ thể đối với từng vùng, từng ổ dịch. Chúng tôi cũng đã sẵn sàng hóa chất, vôi bột, vắc-xin Lumpyvac, nhân lực, dụng cụ để phun tẩy đồng loạt, tiêm phòng ngăn ngừa, lập chốt phong tỏa, hỗ trợ điều trị gia súc bị bệnh... ở những địa bàn xuất hiện dịch và thực hiện phòng ngừa ở diện rộng. Qua đó, quyết tâm khoanh vùng dập dịch, không để lây lan ra diện rộng gây ảnh hưởng đến đàn vật nuôi và kinh tế của người dân”.

Đọc thêm

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Mai vàng Hà Tĩnh sẵn sàng ra chợ Tết

Thời điểm này, người trồng mai tại Hà Tĩnh đang tất bật chăm sóc, kích nụ để phục vụ nhu cầu của người dân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.