Bộ Công Thương: Áp giá hai thành phần có thể tiết kiệm tiền điện

Giá bán điện hai thành phần, tức theo công suất và điện năng tiêu thụ, sẽ phản ánh đúng, đủ chi phí tới khách hàng và tiết kiệm tiền điện, theo Bộ Công Thương.

Việt Nam đang áp dụng giá điện một thành phần, tức tính theo lượng điện tiêu thụ. Biểu giá này chỉ bù đắp chi phí biến đổi (tiền mua nhiên liệu, vật tư...) cho nhà máy phát điện.

Bộ Công Thương vừa giao EVN nghiên cứu giá điện hai thành phần theo công suất và điện năng tiêu thụ. Như vậy, ngoài bù đắp chi phí biến đổi, giá hai thành phần sẽ bổ sung thêm khoản phí theo công suất để bù đắp chi phí cố định của đơn vị phát điện, như khấu hao, nhân công, sửa chữa...

"Giá hai thành phần sẽ đưa ra tín hiệu đúng cho bên sản xuất và tiêu thụ điện, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Việc áp thêm giá công suất sẽ nâng cao hệ thống phụ tải, tiết kiệm tiền điện, cũng như giảm đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới", ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nói.

Ngoài ra, theo ông, giá bán điện theo công suất và điện năng sẽ phản ánh đúng, đủ chi phí (về mặt công suất) tới khách hàng dùng điện. Theo đó, khách hàng có cùng sản lượng điện theo tháng (theo kWh) nhưng có hệ số phụ tải (load factor) thấp, sẽ phải trả giá cao hơn nơi có hệ số phụ tải cao. Việc này cũng đáp ứng nhu cầu dùng điện và thu hồi chi phí đầu tư với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn mức này.

Bộ Công Thương: Áp giá hai thành phần có thể tiết kiệm tiền điện

Công nhân điện lực miền Nam sửa chữa điện trên đường dây. Ảnh: EVN

Chẳng hạn, khách hàng sử dụng 100 kW có giá trị công suất, chi phí gây ra cho hệ thống điện khác nhau nếu dùng trong một ngày và một giờ. Tức là, trường hợp dùng 100 kW trong một ngày, ngành điện đầu tư chi phí cố định cho công suất này và trả phí vận hành cho một ngày. Còn dùng 100 kW một giờ, tiền đầu tư quy mô công suất tương đương, nhưng chi phí vận hành phải trả cho một giờ sẽ ít hơn. Mức hóa đơn tiền điện như nhau, nhưng chi phí các hộ này gây ra cho hệ thống điện khác nhau.

Với biểu giá điện một thành phần đang áp dụng, các chi phí này chưa được tách biệt rõ ràng. Còn với giá hai thành phần, đơn vị nào dùng điện ảnh hưởng tới hệ thống phụ tải nhiều hơn sẽ phải trả chi phí cao hơn.

"Giá điện hai thành phần gồm giá công suất và điện năng sẽ phản ánh đúng chi phí, đem lại lợi ích cho khách hàng và đảm bảo thu hồi chi phí đầu tư của ngành điện. Cơ chế giá này cũng được xem như biện pháp quản lý nhu cầu phụ tải tự nhiên", theo Cục Điều tiết điện lực.

Một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng việc áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần là hướng đi đúng đắn, cần đẩy nhanh áp dụng ở Việt Nam. Hiện nhiều quốc gia trong khu vực, thế giới đã áp giá hai thành phần.

"Có thể chọn khu vực nhất định để thí điểm giá này. Khách hàng khi đó được quyền chọn giữa áp biểu giá hiện hành hay cơ chế hai thành phần, để so sánh mức độ sử dụng, hóa đơn tiền điện. Sau thời gian thí điểm, tổng kết sẽ triển khai diện rộng", vị này nói.

Ngoài ra, cách làm từng bước sẽ giúp quá trình thực thi tạo sự đồng thuận, tránh những điểm nghẽn về pháp lý khi một số đơn vị điện lực có khả năng triển khai.

Thực tế, từ 2014 giá hai thành phần đã được đề cập tại Quyết định 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, nhưng đến giờ Bộ Công Thương mới giao EVN nghiên cứu. “Hạ tầng ngành điện, nhất là hệ thống công tơ đo đếm từ xa, tới giờ mới đáp ứng yêu cầu nếu đưa vào áp dụng”, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) giải thích.

Hiện, các tổng công ty điện lực đã áp dụng công tơ điện tử có khả năng đo công suất và điện năng với hầu hết khách hàng sử dụng điện sản xuất, kinh doanh - vốn là những đối tượng được áp giá theo thời gian dùng trong ngày (TOU) và tiêu tốn nhiều điện năng.

Tuy nhiên, thời điểm này việc nghiên cứu, tính toán giá điện hai thành phần chỉ hướng tới áp dụng với khách hàng sản xuất, kinh doanh - những đối tượng sử dụng nhiều điện. Còn với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt (hộ gia đình) chưa áp dụng. Đây cũng là cơ chế hiện được nhiều quốc gia trong khu vực, thế giới áp dụng.

Bên cạnh đó, giá hai thành phần kết hợp với quy định giá theo thời gian dùng trong ngày (TOU) đang áp dụng, sẽ cân bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống và giảm bớt nhu cầu đầu tư nguồn, lưới điện để đáp ứng công suất dùng điện trong giờ cao điểm.

Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng giá điện hai thành phần. Từ đầu năm nay các nhà máy điện than tại Trung Quốc đã áp dụng giá điện hai thành phần. Theo đó, giá công suất điện than được xác định trên cơ sở chi phí cố định của các nhà máy, tối đa 330 nhân dân tệ một KW mỗi năm. Nhưng phần lớn các địa phương tại nước này áp giá công suất 100-165 nhân dân tệ mỗi KW một năm, tùy theo tỷ lệ năng lượng tái tạo và nhu cầu sử dụng điện than. Tiền điện cho công suất điện than được họ tính vào chi phí vận hành hệ thống. Các khách hàng công nghiệp, thương mại sẽ phải chịu chi phí công suất trả của các nhà máy do sử dụng nhiều điện và phân bổ theo tỷ lệ tiêu thụ điện trong tháng.

Với Việt Nam, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và tăng trưởng xanh nhận xét cơ chế giá điện sẽ rõ ràng hơn nếu áp dụng giá theo công suất và điện năng tiêu thụ. Tuy nhiên điều này đòi hỏi cải tổ toàn bộ biểu giá điện hiện nay ở Việt Nam.

Trong khi đó, Cục Điều tiết điện lực cho hay giá hai thành phần mới ở bước nghiên cứu thí điểm qua dữ liệu đo đếm công tơ từ xa. Vì thế, việc này không ảnh hưởng tới tiền điện của khách hàng hiện nay, tức họ vẫn trả tiền điện theo biểu giá hiện hành.

Nhưng đây là bước thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá hiện hành và hai thành phần. Kết quả nghiên cứu sơ bộ dự kiến có trong tháng 6.

Theo Anh Minh/VNE

Đọc thêm

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Formosa Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện mục tiêu kép!

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu kép: vừa ổn định sản xuất để tăng doanh thu, vừa chăm lo, đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Khởi động dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast tại Hà Tĩnh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Vingroup để dự án Nhà máy Sản xuất ô tô điện VinFast hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư các dự án vào KKT Vũng Áng.
Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Bộ Công Thương thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

“Tổng mức đầu tư của Dự án điện hạt nhân nếu được triển khai tại Ninh Thuận sẽ còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng sơ bộ phải lên đến hàng tỷ USD”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin tại họp báo Chính phủ chiều 7/12.